Có nhiều trường hợp rất khỏe mạnh từ trước tới nay, chưa bao giờ dị ứng với bất cứ thứ gì, nhưng tiêm ngừa vắc xin COVID-19 vẫn có những biến chứng phản vệ.

TS-BS Lê Quốc Hùng: Người không có nguy cơ tiêm vắc xin COVID-19 vẫn bị biến chứng phản vệ

Hồ Quang | 10/05/2021, 15:10

Có nhiều trường hợp rất khỏe mạnh từ trước tới nay, chưa bao giờ dị ứng với bất cứ thứ gì, nhưng tiêm ngừa vắc xin COVID-19 vẫn có những biến chứng phản vệ.

TS-BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chia sẻ như thế về tình trạng sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin COVID-19, đặc biệt là có trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin COVID-19 dù trước đó hoàn toàn khỏe mạnh.

Không phải ai khám sàng lọc cũng đạt 100%

Theo bác sĩ Hùng có 4 cách để tạo vắc xin COVID-19. Tuy nhiên, dù chế biến vắc xin COVID-19 bằng cách nào, các nhà khoa học cũng dựa trên một nguyên tắc là lấy một đặc trưng nào đó của vi rút SARS-CoV-2 để tạo ra vắc xin.

Khi vắc xin COVID-19 được tiêm vào cơ thể người, hệ thống miễn dịch của con người sẽ nhận biết được loại vi rút SASR-CoV-2 và cơ thể tạo ra một kháng khể.

Vắc xin cũng giống như bất cứ các loại thuốc khác đều dẫn đến phản ứng không mong muốn khi sử dụng, đó chính là phản ứng phụ. “Ngay cả đồ ăn, thức uống chúng ta sử dụng hằng ngày vẫn bị dị ứng, nổi phong, nổi ngứa…Những chất từ bên ngoài đưa vào cơ thể mà cơ thể không dung nạp được thì đó là phản ứng phụ”, bác sĩ Hùng nói.

nguoi-khong-co-nguy0co-tiem-vac-covid-19-van-bi-bien-chung-phan-ve-hinh-anh(1).png
TS-BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: PV

Đối với vắc xin COVID-19, bác sĩ Hùng cho biết cũng có những phản ứng không mong muốn và được chia thành 2 loại phản ứng. Trong đó, phản ứng thông thường, chấp nhận được như: đau tại chỗ tiêm, sốt, đau cơ, đau người, rối loạn tiêu hóa… Những phản ứng thông thường này không gây nguy hại và thường mất đi sau khi tiêm từ 2 đến 3 ngày.

Phản ứng có hại, đó chính là sốc phản vệ, phản ứng phản vệ mức độ nặng. Đây là những phản ứng không mong muốn ở mức độ nguy hiểm, rất đáng sợ. Tuy nhiên tỷ lệ người tiêm vắc xin COVID-19 bị sốc phản vệ, phản ứng phản vệ mức độ nặng rất thấp. Đối với vắc xin COVID-19 của Pfizer có tỷ lệ sốc phản vệ, phản ứng phản vệ mức độ nặng chỉ là 5/1 triệu người.

Do đó để tránh những phản ứng phản vệ hay sốc phản vệ khi tiêm vắc xin COVID-19, người tiêm vắc xin phải hợp tác tốt với nhân viên tiêm chủng. Trước khi tiêm chủng, người tiêm được khám sàng lọc. Lúc này, người tiêm sẽ được bác sĩ hỏi khoảng 15 đến 20 câu hỏi như: có bị dị ứng, nổi phong, nổi ngứa, bệnh tật… Điều này giúp giảm thiểu khả năng xảy ra phản vệ đối với với những người có tiền căn.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hùng, việc khám sàng lọc không phải ai cũng đạt 100% cả. Có nhiều trường hợp rất khỏe mạnh từ trước tới nay chưa bao giờ dị ứng với bất cứ thứ gì, nhưng tiêm ngừa vắc xin COVID-19 vẫn có những biến chứng phản vệ.

Vì vậy mới có quy định sau khi tiêm phải ngồi chờ từ 30 phút đến 1 giờ. Nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra, những biến chứng phản vệ xảy ra các bác sĩ tại điểm tiêm sẽ hỗ trợ, cấp cứu tại chỗ ngay lập tức. Chỉ có một số trường hợp có phản ứng quá mạnh dẫn đến diễn tiến khá nặng, không thể cứu chữa được, còn lại phần lớn các trường hợp bị phản vệ đều có thể cấp cứu thành công.

Bác sĩ Hùng cũng lưu ý có một số người sau khi tiêm vắc xin COVID-19 bị phản ứng phản vệ xảy ra trong thời gian trễ hơn, có khi sau 2 đến 3 giờ, có khi sau 1 ngày, nhưng điều này rất hiếm, cả triệu người tiêm chưa chắc có 1 người. Do vậy người tiêm được khuyến cáo trong vòng 3 ngày sau khi tiêm, nếu có bất kỳ triệu chứng nào bất thường thì quay trở lại cơ sở y tế gần nhất, cầm theo phiếu tiêm ngừa để bác sĩ biết có hướng điều trị tốt nhất.

Vắc xin COVID-19 chỉ đạt hiệu quả từ 75 - 95%.

Theo các chuyên gia y tế, vắc xin là một loại thuốc rất khác biệt so với thuốc chữa bệnh thông thường. Đối với thuốc chữa bệnh thông thường, người sử dụng thuốc chính là người thụ hưởng. Bản thân người sử dụng thuốc là để trị bệnh cho chính mình. Tuy nhiên, vắc xin là loại thuốc rất đặc biệt, không chỉ người sử dụng được bảo vệ, phòng tránh bệnh mà còn những người xung quanh người chích vắc xin cũng được bảo vệ.

Trong cộng đồng được tiêm vắc xin với tỷ lệ 70 - 80% thì cộng đồng đó được bảo vệ, không mắc các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh COVID-19 nói riêng.

Dù vắc xin có tầm quan trọng như thế, nhưng bác sĩ Hùng cho rằng, một mình vắc xin không thể nào phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh COVID-19. “Bất cứ một loại vắc xin nào, trong đó có vắc xin COVID-19 cũng chỉ đạt hiệu quả từ 75 - 95%. Những người được tiêm vắc xin vẫn bị mắc bệnh là do họ chưa tạo ra đủ kháng thể. Đây không phải là chất lượng vắc xin không tốt mà chúng ta phải hiểu không có gì là tuyệt đối cả. Ngay kể cả những người đã từng mắc COVID-19 vẫn bị mắc lại. Điều này là do sự phụ thuộc vào cá thể của mỗi người có tạo ra đủ kháng thể đủ để phòng chống bệnh COVID-19 hay không”, bác sĩ Hùng giải thích.

“Như vậy, vắc xin không phải là tất cả, không phải chỉ có vắc xin là có thể phòng chống được bệnh COVID-19. Do đó, để phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả cần phải có sự kết hợp nhiều biện pháp khác, trong đó có biện pháp 5K. Đây là biện pháp đơn giản, rẻ tiền và sẵn có mà mọi người đều có thể thực hiện”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS-BS Lê Quốc Hùng: Người không có nguy cơ tiêm vắc xin COVID-19 vẫn bị biến chứng phản vệ