Sau bài báo 'Tiếng dân và lòng dân' đăng trên Một Thế Giới sáng 19.8 có đặt 10 câu hỏi tới Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Hào; chiều cùng ngày ông đã có bài viết gửi tới tòa soạn nhằm nêu rõ quan điểm. Một Thế Giới xin đăng tải nguyên văn bài viết.

Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh Quảng Ngãi phản hồi bài báo "Tiếng dân và lòng dân"

19/08/2018, 16:20

Sau bài báo 'Tiếng dân và lòng dân' đăng trên Một Thế Giới sáng 19.8 có đặt 10 câu hỏi tới Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Hào; chiều cùng ngày ông đã có bài viết gửi tới tòa soạn nhằm nêu rõ quan điểm. Một Thế Giới xin đăng tải nguyên văn bài viết.

Ông Võ Văn Hào, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi - Ảnh: Lê Đình Dũng

Vụ người dân chặn xe chở rác ở Đức Phổ: Cần lắng nghe và thấu hiểu

Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ sử dụng công nghệ lò đốt, với số vốn hơn 50 tỉ đồng, công suất xử lý 50 tấn rác/ngày đêm, được đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Nhà máy được xây dựng tại bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Nhà máy khởi công từ tháng 8.2016 và đi vào hoạt động từ tháng 2.2018.

Chuyện chẳng có gì đáng nói, nếu cứ đều đặn như 3 tháng trước đây, mỗi ngày 50 tấn rác thải sinh hoạt của người dân huyện Đức Phổ xả ra môi trường được nhà máy cần mẫn “đốt” sạch trong ngày, đem lại môi trường sống lành mạnh, xanh, sạch, đẹp cho người dân huyện Đức Phổ.

>> Người dân phản đối nhà máy rác ở Quảng Ngãi

>> Mạng xã hội lan tỏa nhanh hơn báo chí trong vụ nhà máy rác

>> Tiếng dân và lòng dân

>> Chủ tịch Quảng Ngãi tiếp tục cho nhà máy rác hoạt động

Chuyện bắt đầu từ một tin đồn

Sáng ngày 28.7.2018, nhiều người dân xã Phổ Thạnh nhặt được tờ rơi kêu gọi sáng ngày 29.7.2018 tập trung ngăn cản không cho xe chở rác xã Phổ Thạnh…!?

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền tin đồn, do bãi rác Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) tạm thời đóng cửa nên rác từ các nơi trong tỉnh sẽ ồ ạt đổ về nhà máy xử lý rác thải rắn Đức Phổ, khiến người dân Sa Huỳnh, Phổ Thạnh sẽ “đội” trên đầu mỗi ngày hàng tấn rác thải.

Không rõ thực hư, sáng sớm hôm sau và những ngày tiếp đó, cao điểm có ngày hàng trăm người dân xã Phổ Thạnh tập trung trước cổng phản đối việc vận chuyển, xử lý rác thải của nhà máy. Từ tụ tập đông người để phản đối, người dân còn đem đá, cây cối chặn đường vào nhà máy; giăng băng rôn, dựng lều, trại; cử người, đa số là người già và phụ nữ canh giữ cả ngày lẫn đêm; thậm chí về sau còn đặt luôn quan tài làm… chướng ngại vật!?

Từ đó đến nay đã 20 ngày trôi qua, bỏ qua tất cả sự đánh giá, phân tích, giải thích, chứng minh của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở về sự cấp thiết, đúng đắn của chủ trương chuyển xử lý rác thải từ chôn lấp sang sử dụng lò đốt, công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường, người dân vẫn một mực khăng khăng đòi di dời bằng được nhà máy!?

Sự việc ngày càng căng thẳng, dồn nén, bức xúc khi các trang mạng xã hội lan tràn các đồn đoán, nếu nhà máy không di dời thì nguồn nước sẽ nhiễm độc, không chóng thì chầy, Phổ Thạnh sẽ trở thành làng ung thư!? Tai hại hơn các trang mạng của bọn kền kền Việt Tân, VOA, RFA… nhảy vào rỉa rói, khoét thêm “nỗi đau” Phổ Thạnh.

Nhiễm độc đâu chưa thấy, ung thư đâu chưa thấy, chỉ thấy miền quê ven biển Sa Huỳnh hiền hòa, yên ả, những ngày qua cuộc sống của hàng chục ngàn con người nơi đây bỗng nhiên bị đảo lộn, ăn không ngon, ngủ không yên. Khắp các hang cùng, ngõ hẻm ngập tràn cơ man nào các loại rác. Rác chất cao ngất dọc các con đường làng và tràn ra cả quốc lộ, rác nổi lềnh bềnh dài theo bờ biển, rác trước ngõ, trong nhà. Mùi xú uế từ rác thải để lâu ngày bốc lên nồng nặc giữa cái nắng, cái gió tháng 7 càng như cô đạc lại. Cùng với rác, biết bao nhiêu con người bỏ cả việc mưu sinh, bỏ cả nhà cửa, ruộng vườn, kéo theo cả con trẻ, người già, phụ nữ ra đường đòi chính quyền đi dời nhà máy xử lý rác thải.

Nếu di dời nhà máy?

Bãi rác nơi đặt Nhà máy hiện nay là nơi chôn lấp rác thải sinh hoạt của huyện Đức Phổ, có từ cách đây nhiều năm, với khối lượng khoảng 22 ngàn m3. Tuy trước đây huyện Đức Phổ có đào hố, đáy có láng xi măng nhưng trải qua nhiều năm, với lượng rác được tích tụ quá lớn, quy trình xử lý rác thô sơ, thủ công, nên hiện nay đã phát tán mùi hôi, rỉ rác lâu ngày có thể sẽ thấm sâu vào lòng đất và tràn ra ngoài gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm cả đất và nguồn nước ngầm.

Thêm vào đó, hiện mỗi ngày toàn huyện Đức Phổ xả ra môi trường khoảng 50 tấn rác thải. Nếu tiếp tục duy trì xử lý rác bằng cách chôn lấp như hiện nay thì bãi rác đã quá tải, ô nhiễm môi trường là điều tất yếu phải xảy ra. Trong khi đó, Nhà máy xử lý chất thải rắn xử lý rác bằng lò đốt được các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn đánh giá là hiện đại, thân thiện với môi trường thì người dân lại đòi di dời và núi rác hàng chục ngàn tấn còn lưu cữu gần chục năm nay do dân tự nguyện mua xăng về đốt!?

Nghe có vẻ hài hước nhưng có lẽ do bức xúc quá nên có người nêu ý kiến vậy thôi. Kỳ thực, không dưng ai đó lại đem đá tự ghè chân mình. Lại có ý kiến Sa Huỳnh đất chật, người đông, đề nghị dời nhà máy và bãi rác lên xã Phổ Nhơn. Nếu mà lên Phổ Nhơn, chắc người dân Phổ Nhơn lại có ý kiến nên dời xuống thị trấn Đức Phổ cho gần, tiện xử lý. Cứ vòng vo tam quốc kiểu này, rốt cuộc chắc là rác nhà nào nhà đó tự xử, không xử được thì vứt ra đường, ra biển như mấy chục ngày nay là xong. Nếu điều này xảy ra khác nào quay ngược bánh xe lịch sử đẩy lùi người dân Sa Huỳnh và huyện Đức Phổ về thời kỳ nguyên thủy.

Bớt nóng, giận và cùng tìm giải pháp

Hai mươi ngày đã là quá đủ để người dân chặn xe rác nguôi ngoai nóng, giận, bình tĩnh cùng chính quyền các cấp tìm lời giải, đưa nhà máy trở lại hoạt động bình thường, ngõ hầu xử dần hàng nghìn tấn rác đang bốc mùi hôi thối. Đối thoại (chứ không phải đối đầu) vẫn là lựa chọn tốt nhất để hóa giải mọi bất đồng, mâu thuẫn.

Đáng tiếc, dù cả người dân và chính quyền đã ít nhất 2 lần gặp gỡ, kiên nhẫn đối thoại nhưng kết quả vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Tại sao? Có lẽ phía chính quyền cũng nên nhìn nhận lại cách thông tin về dự án cho người dân ngay từ khi mới bắt đầu cho đến khi đưa vào hoạt động. Việc này đã là quá muộn, giờ chỉ còn cách cùng với người dân vùng bị ảnh hưởng của dự án khắc phục như cấp thêm kinh phí để xử lý bãi rác cũ, cải tạo môi trường, cảnh quan, trồng thêm cây xanh, cải tiến cách khử mùi hôi, nâng cấp đường sá, hỗ trợ an sinh, việc làm, đời sống cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Nhà máy phải được tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại, vận hành an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thải khói, bụi… ra môi trường, đồng thời tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng bị ảnh hưởng.

Đối với người dân, cần thông cảm, chia sẻ với những thiếu sót của chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy; tin tưởng vào đánh giá tác động môi trường, tính ưu việt về công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt của nhà máy, hợp tác với chính quyền địa phương và nhà máy cải tạo môi trường, theo dõi giám sát việc vận chuyển, xử lý rác một các an toàn, hợp lý.

Không có việc gì là không thể làm được, nếu chúng ta đều có thiện chí, khoan dung, lắng nghe và thấu hiểu.

Võ Văn Hào - Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh Quảng Ngãi phản hồi bài báo "Tiếng dân và lòng dân"