Kỳ họp thứ 11, Quốc Hội khóa XIII vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Việt Nam nên có biện pháp tự vệ để hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước. Điều đó xuất phát từ việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc và đang cố xuất khẩu các sản phẩm dư cung, giá rẻ ra nước ngoài, làm lây lan sự trì trệ đến các quốc gia khác. Và Việt Nam là quốc gia được dự báo sẽ chịu nhiều thiệt hại.
Kinh tế Trung Quốc và những tín hiệu xấu
Không còn một Trung Quốc thời hoàng kim khi tốc độ tăng trưởng luôn đạt hai con số trong 3 thập niên qua, thay vào đó, quốc gia này giảm tốc mạnh, phủ thêm gam màu u ám đến kinh tế toàn cầu. Biểu hiện rõ ràng nhất là cả nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc cùng lao dốc mạnh. Giá trị xuất khẩu của Trung Quốc trong quý 1 năm 2016 chỉ bằng 1/4so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đang có xu hướng giảm bớt nhân viên, riêng trong ngành thép đã sa thải gần 2 triệu lao động. Quốc gia này tiến hành hạ giá hàng loạt các sản phẩm dư cung do thừa công suất sản xuất, bán tống bán tháo sang các thị trường khác để giảm áp lực cho nền kinh tế trong nước. Giới chuyên gia nhận định rằng, với động thái này Trung Quốc đang cố tình xuất khẩu và làm lây lan sự trì trệ của mình sang các quốc gia khác.
Và đối với Việt Nam, những tín hiệu giảm tốc đến từ Trung Quốc là một tin buồn. Vị trí “sát vách” nhau, nền kinh tế Việt Nam hiện đang phải “nhập khẩu khủng hoảng” từ chính quốc gia láng giềng này. Thậm chí, những thiệt hại mà Việt Nam phải gánh chịu từ Trung Quốc sẽ nhiều hơn các quốc gia khácbởi kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước là quá lớn.
Con đường Trung Quốc “xuất khẩu khủng hoảng” sang Việt Nam
Hiện nay, do kinh tế Trung Quốc giảm tốc, giảm nhu cầu nhập khẩu khiến xuất khẩu của Việt Nam sang nước nàybị ảnh hưởng nghiêm trọng, chủ yếu là giảm số lượng và giá cả nhập khẩu nông sản và sản phẩm nguyên liệu thô từ Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc như điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử cũng đang có dấu hiệu sẽ bị tác động trong thời gian sắp tới. Nguy hiểm hơn nữa, hàng hóa giá rẻ Trung Quốc lại có dịp tràn sang Việt Nam, nhất là một số hàng hóa này ở Việt Nam cũng đang rơi vào tình trạng dư cung như thép, xi măng… Điều này gây áp lực rất mạnh lên các ngành sản xuất trong nước và dẫn đến nguy cơ phá sản cho các doanh nghiệp trong nước.
Ví dụ như trong năm 2015, theo thống kê tổng cộng đã có khoảng 8,4 triệu tấn thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, trị giá khoảng 3,7 tỉ USD, tăng 57% so với năm 2014. Tình trạng này vẫn đang diễn biến mạnh hơn và buộc các doanh nghiệp thép Việt Nam đã phải trình Chính phủ yêu cầu áp thuế nhập khẩu đặc biệt với thép từ Trung Quốc.Bộ Công thương cũng đã phải đưa ra biện pháp “cứu nguy” cho ngành thép. Con đường tiếp theo mà Trung Quốc dùng để lây lan khủng hoảng sang các quốc gia khác để cứu nguy cho chính họ là đầu tư ra nước ngoài. Các doanh nghiệp Trung Quốc “vươn vòi” rót vốn sang các quốc gia khác mà Việt Nam hiện nay là điểm đến được nhiều doanh nghiệp nước này lựa chọn.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2012 lượng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam mới đạt mức 312 triệu USD đã tăng đột biến lên mức 7,9 tỉ USD năm 2014 và đến tháng 3.2016 tăng lên thành 10,4 tỉ USD. Với việc hứng chịu những ảnh hưởng từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, Việt Nam đứng trước nguy cơ bị kéo chậm tốc độ tăng trưởng, các doanh nghiệp Việt sẽ khó khăn hơn và nguy cơ phá sản cũng cận kề. Theo điều tra sơ bộ của Bộ Công thương, ngành sản xuất trong nước đã phải hứng chịu thiệt hại từ việc nhập khẩu gia tăng, đặc biệt là với các doanh nghiệp sản xuất phôi thép. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, với tốc độ này lượng nhập khẩu phôi thép cả năm 2016 vào Việt Nam sẽ lên tới 4 - 5 triệu tấn, gần bằng với lượng sản xuất trong nước năm 2015.
Ứng phó ra sao?
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng vọt trong thời gian qua có thể đem lại những hệ quả nghiêm trọng nếu không được kiểm soát. FDI Trung Quốc chỉ đi kèm công nghệ lạc hậu với khai thác tài nguyên. Như vậy thì vừa mất tài nguyên vừa hủy hoại môi trường.“Hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc không có công nghệ cao như các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc hay EU, đa phần tập trung vào các lĩnh vực thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp. Khoảng 70% các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng tài nguyên như dầu mỏ, sắt thép, xi măng, bauxit”, ông Bùi Trinh cho biết.
Vị chuyên gia này cũng nhận định, Việt Nam hiện đang quá dễ dãi với FDI, cần phải có sự sàng lọc kỹlưỡng các dự án FDI từ nước ngoài, không chỉ riêng Trung Quốc. Những dự án FDI nào có công nghệ cao, hiện đại, không gây hại đến môi trường, tăng năng suất lao động, sẵn sàng chuyển giao công nghệ, không làm cạn kiệt tài nguyên, khoáng sản… thì hết sức cởi mở, chào đón họ.Còn những FDI với công nghệ lạc hậu, vào Việt Nam trục lợi, lợi dụng thuế thì kiên quyết cấm.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng việc Trung Quốc giảm tốc và tìm cách “xuất khẩu khủng hoảng” sang Việt Nam đang gây những hậu quả xấu cho kinh tế nước ta. Theo ông, Việt Nam vào TPP, FDI Trung Quốc càng ráo riết đầu tư sang để kiếm lợi từ sự ưu đãi thuế quan. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều đó khi hàng loạt dự án đầu tư vào ngành dệt may của quốc gia này hiện diện tại nước ta thời gian gần đây. Nguyên liệu dệt may Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, trong khi ngành dệt may được đánh giá là có lợi thế nhiều nhất khi tham gia TPP.Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng thì lợi thế này sẽ bị Trung Quốc “nẫng tay trên”.
Dệt may chỉ là một ví dụ điển hình, còn rất nhiều mặt hàng khác Trung Quốc đang “ráo riết” đầu tư vào để thu lợi. Ông Ngô Trí Long cho biết, về dài hạn, tác động từ sự giảm tốc của Trung Quốc có thể gây thiệt hại nhiều hơn trong ngắn hạn. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan ban ngành có trách nhiệm đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến tăng trưởng bền vững. Điều quan trọng là phải nâng cao được khả năng ứng phó trước những biến động tiêu cực từ kinh tế thế giới.
Trí Lâm / Duyên dáng Việt Nam