Không chỉ hàng loạt ngành truyền thống yếu kém, nhiều ngành “kinh tế mới” của Trung Quốc cũng đang đình trệ.
Dù chưa có định nghĩa chính thức nhưng nhóm “kinh tế mới” được hiểu bao gồm các ngành trí tuệ nhân tạo, sản xuất sử dụng công nghệ cao, công nghệ tài chính, du lịch trực tuyến, thương mại điện tử,… Chính quyền Bắc Kinh kỳ vọng các ngành này sẽ góp phần giúp đất nước thành công chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống tăng trưởng dựa vào sản xuất trình độ thấp và đầu tư hạ tầng không bền vững thành nền kinh tế hiện đại lấy dịch vụ làm động lực tăng trưởng.
Nghiên cứu do ngân hàng Pháp Natixis thực hiện lại cho thấy nỗ lực chuyển đổi chưa thành công. Số doanh nghiệp Trung Quốc tham gia nhóm “kinh tế mới” giảm so với năm 2014, còn doanh nghiệp vẫn hoạt động trong nhóm lại đang gặp vấn đề về tài chính kể từ năm 2017 đến nay.
Theo nghiên cứu, doanh nghiệp Trung Quốc trong ngành truyền thống như cơ sở hạ tầng, sản xuất vật liệu, bất động sản thường chịu cảnh hoạt động kém hiệu quả hoặc sản lượng dư thừa. Ngành “kinh tế mới” lại có vấn đề khác: doanh thu lẫn biên lợi nhuận đều giảm, tỷ suất sinh lời kém.
Tăng trưởng thu nhập kinh doanh ở doanh nghiệp nhóm “kinh tế mới” giảm từ 25% năm 2017 xuống -8% ở nửa đầu năm 2019 – làm xói mòn lợi nhuận cũng như khả năng trả nợ, tăng đầu tư.
Ngoài nghiên cứu của Natixis, chỉ số Caixin-BBD (được Thủ tướng Lý Khắc Cường công nhận) cũng vẽ ra bức tranh ảm đạm: tỷ trọng nhóm “kinh tế mới” trong tổng đầu tư vào nền kinh tế Trung Quốc giảm từ 31% năm 2017 xuống còn 29% (tháng 12.2019).
Caixin-BBD tổng hợp hàng loạt dữ liệu về lao động tay nghề cao, vốn, công nghệ,… Dù chỉ vốn tăng cao năm qua, nhưng đầu tư cho nhân lực giảm.
Cẩm Bình (theo SCMP)