Trong tuyên bố chung được đưa ra sau khi bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Myanmar, hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 19.8, cả hai bên cam kết sẽ thắt chặt quan hệ “anh em ruột thịt”.

Trung Quốc- Myanmar cam kết thắt chặt quan hệ hai nước

Cẩm Bình | 20/08/2016, 17:05

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau khi bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Myanmar, hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 19.8, cả hai bên cam kết sẽ thắt chặt quan hệ “anh em ruột thịt”.

New York Times dẫn tuyên bố chung cho biết, hai bên sẽ tăng cường quan hệ thương mại và hợp tác giải quyết các vấn đề đang xảy ra dọc biên giới hai nước, nơi thường xảy ra các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng phiến quân.

Chủ tịch Tập trong tuyên bố chung khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vai trò mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải và đoàn kết dân tộc của Myanmar. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ cùng với Myanmar bảo vệ hòa bình và ổn định tại khu vưc biên giới hai nước, theo Tân Hoa Xã.

Ông Tập nhấn mạnh, “người dân Myanmar đang ở điểm khởi đầu của một tương lai huy hoàng cho đất nước Myanmar. Do đó, chúng ta nên đảm bảo quan hệ hai nước “đi đúng hướng”, thúc đẩy sự tiến bộ trong quan hệ song phương và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước”.

Về phía Myanmar, bà Suu Kyi cam kết Myanmar sẽ hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để giữ vững ổn định ở biên giới và sẽ không để xảy ra bất cứ chuyện gì làm ảnh hưởng “quan hệ thân thiện” với Trung Quốc.

Ông Phàn Hồng Vệ, chuyên gia nghiên cứu Myanmar thuộc ĐH Hạ Môncho biết, cam kết hợp tác giữ vững ổn định biên giới là cần thiết. Nếu biên giới bất ổn, Trung Quốc sẽ là nước hứng chịu hậu quả đầu tiên khi hàng ngàn người tị nạn sẽ chạy sang Vân Nam (Trung Quốc). Còn một khi biên giới ổn định, giao thương và liên lạc giữa hai nước sẽ được tăng cường.

Còn theo tiến sĩ Đỗ Kế Phong thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, “chính phủ Myanmar mặc dù có thể có cách nhìn khác đối với Trung Quốc, nhưng tầm quan trọng về mặt địa chính trị của Myanmar với Trung Quốc không thay đổi”.

Cụ thể, tiến sĩ Đỗ cho biết, Myanmar có vị trí quan trọng trong kế hoạch xây dựng “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc. Chính vì vậy, siết chặt quan hệ với Myanmar là điều phải làm.

Kể từ khi chính quyền của bà Suu Kyi lên nắm quyền vào tháng 4.2016, quan hệ với Trung Quốc (nước vốn đã là đối tác thương mại hàng đầu và là nhà đầu tư lớn của Myanmar) đã giữ vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Myanmar, theo New York Times.

Không nhắc đến dự án đập Myitsone

Tuyên bố chung không nhắc đến dự án đập thủy điện Myitsone gây tranh cãi, nhưng trong cuộc gặp giữa bà Suu Kyi và Thủ tướng Lý Khắc Cường vào ngày 18.8, hai bên đồng ý rằng sẽ cần tăng cường hợp tác hơn trong lĩnh vực năng lượng và cùng nhau tìm ra một giải pháp thích hợp cho dự án xây dựng đập Myitsone.

Dự án đập thủy điện Myitsone gây tranh cãi không được nhắc đến trong tuyên bố chung
được đưa ra sau khi bà Suu Kyi hội đàm với ông Tập – Ảnh: Wikipedia

Năm 2011, Tổng thống Thein Sein lúc bấy giờ đã khiến Trung Quốc bất ngờ khi quyết định đình chỉ xây dựng đập thủy điện ở điểm hợp lưu của hai con sông tại lưu vực sông Ayeyarwady vì người dân phản đối dự án. Theo nhiều chuyên gia môi trường Myanmar, đập Myitsone nếu được xây dựng sẽ gây thiệt hại nặng nề đến môi trường và cuộc sống người dân.

Cẩm Bình
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc- Myanmar cam kết thắt chặt quan hệ hai nước