Cũng giống như sự trái ngược về tính cách giữa ông Trump và bà Clinton, chính sách kinh tế của hai ứng cử viên này cũng đang có sự khác biệt lớn lao, thậm chí đến mức có thể coi đó là cuộc đối đầu giữa hai trường phái kinh tế riêng biệt. Không khó để đưa ra những lời chỉ trích đối với cả hai chính sách kinh tế này, nhưng không dễ để nói cái nào có hiệu quả hơn.

Bầu cử tổng thống Mỹ 2016: Cuộc đối đầu của hai trường phái kinh tế

Nhàn Đàm | 20/08/2016, 11:55

Cũng giống như sự trái ngược về tính cách giữa ông Trump và bà Clinton, chính sách kinh tế của hai ứng cử viên này cũng đang có sự khác biệt lớn lao, thậm chí đến mức có thể coi đó là cuộc đối đầu giữa hai trường phái kinh tế riêng biệt. Không khó để đưa ra những lời chỉ trích đối với cả hai chính sách kinh tế này, nhưng không dễ để nói cái nào có hiệu quả hơn.

Cuộc chạy đua đến chiếc ghế tổng thống Mỹ 2016 đang bắt đầu bước vào giai đoạn nước rút, khi cả hai ứng cử viên là Donald Trump của đảng Cộng hòa và Hillary Clinton của đảng Dân chủ đã bắt đầu đưa ra chính sách kinh tế tranh cử của mình một cách chi tiết. Cũng giống như hầu hết các cuộc tranh cử tổng thống Mỹ gần đây, chính sách kinh tế được xem là con át chủ bài quyết định việc chiếc ghế trong Nhà Trắng sẽ thuộc về ứng cử viên nào. Vì thế khi cả ông Trump lẫn bà Hillary đưa ra chính sách kinh tế của riêng mình, đó là lúc cuộc chạy đua đã bước vào giai đoạn gay cấn. Và cũng giống như sự trái ngược về tính cách giữa hai ứng cử viên này, chính sách kinh tế của ông Trump và bà Hillary cũng đang có sự khác biệt lớn lao, thậm chí đến mức có thể coi đó là cuộc đối đầu của hai trường phái kinh tế riêng biệt. Không khó để đưa ra những lời chỉ trích đối với cả hai chính sách kinh tế này, nhưng không dễ để nói cái nào có hiệu quả hơn.

Như thường lệ, vị tỉphú Donald Trump ứng cử viên của Đảng Cộng hòa là người khơi mào trước trong cuộc đọ sức về chính sách kinh tế vốn là thứ sẽ đóng vai trò lớn trong việc quyết định ai sẽ ngồi lên chiếc ghế tổng thống. Ngày 8.8 trong bài phát biểu tại thành phố Detroit, ông Trump đã chính thức trình bày kế hoạch điều hành kinh tế củamình nếu trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, và chỉ vài ngày sau đến lượt bà Hillary Clinton cũng công bố chính sách kinh tế của riêng mình. Dù cả ông Trump lẫn bà Hillary đều đã phần nào vạch ra những hướng đi cơ bản trong chính sách kinh tếở giai đoạn tranh cử sơ bộ, nhưng giờ mới là lúc tất cả được trình bày một cách kỹ lưỡng và chi tiết, cho phép các nhà kinh tế đánh giá chính xác về kế hoạch điều hành của hai ứng cử viên thuộc hai đảng lớn nhất nước Mỹ này.

Cụ thể, những gì được ông Trump trình bày trong bài phát biểu dài tại Detroit có thể khiến khá nhiều nhà kinh tế phải tròn mắt, khi những gì vị tỷ phú này đề xuất trong chính sách kinh tế của mình đang đi ngược lại những gì kinh tế Mỹ đã thực hiện trong 8 năm qua. Chính sách kinh tế của ông Trump có thể tóm gọn một cách đơn giản, đó là: giảm thuế, giảm chi tiêu công. Cụ thể, hầu hết các loại thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp trong nền kinh tế Mỹ sẽ giảm đáng kể theo đề xuất của ông Trump; trong đó giảm thuế thu nhập cá nhân cho người giàu từ mức 39,6% hiện nay xuống còn 33%, bãi bỏ thuế tài sản (estate tax) hiện hành mà vị tỉphú này gọi là thuế chết, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 35% xuống còn 15%. Để đối phó với tình trạng giảm thu ngân sách do các tác động từ việc giảm thuế hàng loạt này, ông Trump đề xuất giảm chi tiêu công trong hàng loạt các lĩnh vực (trừ quốc phòng).

Ngược lại với ôngDonald Trump, chính sách kinh tế của bà Hillary Clinton về cơ bản là: tăng thuế, tăng chi tiêu công. Cụ thể, bà Hillary đề xuất giữ nguyên mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 35% hiện nay (có sự điều chỉnh giảm với một số đối tượng đặc biệt), thuế thu nhập cá nhân đánh vào tầng lớp thượng lưu giàu có trong xã hội Mỹ cũng sẽ tăng cao hơn (có tài sản từ mức 5 triệu USD trở lên), thậm chí có thể mở rộng ra cả tầng lớp trung lưu là những hộ gia đình có thu nhập hàng năm trên 250.000 USD. Mức tăng thu ngân sách do việc tăng thuế hàng loạt này sẽ được dùng để tăng chi tiêu công trong hàng loạt các lĩnh vực và qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngoài ra nó còn dùng để trang trải cho một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, tăng an sinh xã hội và giảm học phí.

Nói cách khác, theo quan điểm của ôngDonald Trump, giảm thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp, cùng với việc giảm chi tiêu công trong hàng loạt các lĩnh vực mới là đòn bẩy thực sự hiệu quả cần thiết để vực dậy nền kinh tế Mỹ. Còn theo quan điểm của bà Hillary Clinton, tăng thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, và tăng đầu tư công mới là chính sách hợp lý để kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn. Đó là một sự trái ngược về căn bản trong chính sách kinh tế của hai ứng cử viên chủ chốt này.

Không khó để chỉ ra những điểm hạn chế cũng như những chỉ trích đối với hai chính sách kinh tế của hai ứng cử viên này. Chính sách kinh tế của ông Trump sẽ khiến cho thu ngân sách nhà nước của Mỹ trong tương lai gần sụt giảm nghiêm trọng do giảm thuế quá nhiều. Theo phân tích của Tax Foundation (một tổ chức nghiên cứu có xu hướng bảo thủ), thì thu ngân sách của Mỹ sẽ sụt giảm khoảng 2.400 tỉ USD trong thập niên tới trong khi lợi ích mà nó đem lại chỉ khoảng 200 tỉ USD. Ngoài ra khoảng cách giàu nghèo cũng có thể gia tăng khi mà phần thu nhập sau thuế của tầng lớp trung lưu Mỹ (chiếm khoảng 40-60% dân số) chỉ tăng thêm 0,2% trong khi của tầng lớp thượng lưu (1% dân số) sẽ tăng khoảng 5,3% nếu các đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân của ông Trump trở thành sự thực.

Chính sách kinh tế của bà Hillary Clinton cũng có khá nhiều những điểm bị đặt nghi vấn. Việc đề xuất giữ nguyên mức tăng thuế thu nhập doanh nghiệp hiện là 35% có thể thúc đẩy xu hướng các doanh nghiệp Mỹ chuyển nhà xưởng sang các quốc gia khác có thuế thấp hơn (bản thân Tổng thống Obama đã từng đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 28%, và với các nhà sản xuất là 25% để giữ chân các doanh nghiệp nước này, nhưng đã không thành công). Điều này sẽ khiến tình trạng thất nghiệp do thiếu hụt việc làm có thể gia tăng. Ngoài ra, chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào tăng chi tiêu công cũng đang bị nghi ngờ về tính hiệu quả. Đúng là trong 8 năm dưới thời Tổng thống Obama kinh tế Mỹ đã hồi phục nhanh dựa vào chính sách tăng đầu tư công, nhưng giờ đây nó có vẻ như đã hết tác dụng khi kinh tế Mỹ từ nửa sau năm 2015 đến nay đã lẹt đẹt trở lại. Ngoài ra nó cũng khiến cho nợ công của Mỹ tăng phi mã khi mức tăng nợ công Mỹ trong hai nhiệm kỳ của ông Obama đã tăng gần gấp đôi tổng số nợ công mà nước này tích lũy trong hàng trăm năm qua.

Nhưng, những điểm tích cực của cả hai chính sách kinh tế này cũng là điều khá rõ ràng. Với ông Trump, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giữ chân các công ty Mỹ ở lại trong nước, đồng thời tăng thu nhập người lao động và kích thích tiêu dùng nội địa. Việc giảm chi tiêu công trong hàng loạt các lĩnh vực cũng khiến ngân sách và nhất là nợ công được kiềm chế và dần ổn định. Đúng là về ngắn hạn, thu ngân sách chính phủ Mỹ sẽ giảm đáng kể do các chương trình giảm thuế này, nhưng về lâu dài nó có tác dụng bồi đắp các trụ cột căn bản của kinh tế Mỹ, đó là: sức khỏe và tiềm lực các doanh nghiệp, thu nhập người dân trong xã hội tăng. Trong khi đó, sự tích cực trong chính sách kinh tế của bà Hilary Clinton là dễ thấy hơn trong ngắn hạn, tăng đầu tư công sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, tăng thuế thu nhập cũng khiến khoảng cách giàu nghèo trong xã hội giảm. Việc gia tăng chi tiêu vào các chương trình phúc lợi cũng khiến đời sống người dân trong xã hội tốt hơn, dù về lâu dài các chính sách này có thể khiến nợ công của Mỹ trầm trọng hơn và gánh nặng trên vai các doanh nghiệp vốn là trụ cột của nền kinh tế Mỹ cũng trở nên có nhiều sức ép hơn.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/The Saigon Times, Nghiencuuquocte)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bầu cử tổng thống Mỹ 2016: Cuộc đối đầu của hai trường phái kinh tế