Hai tháng đầu năm nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với tôm hùm của Việt Nam, với trị giá gần 29 triệu USD, cao gấp 27 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Trung Quốc mua tôm hùm Việt nhiều gấp 27 lần năm ngoái

Tin và ảnh: Tuyết Nhung 19/03/2024 10:35

Hai tháng đầu năm nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với tôm hùm của Việt Nam, với trị giá gần 29 triệu USD, cao gấp 27 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ mức tăng đột phá 64% trong tháng 1. Nhiều mặt hàng chính có mức tăng trưởng mạnh trong 2 tháng qua, trong đó tôm chân trắng tăng 18%, cá ngừ tăng 21%, cá tra tăng 6,5%, tôm sú tăng 9%. Đáng chú ý là xuất khẩu tôm hùm đã tăng vọt gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

tom-hum.png
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm hùm lớn nhất của Việt Nam - Ảnh: TN

Tính tới cuối tháng 2.2024, xuất khẩu tôm hùm đạt gần 30 triệu USD, tăng vọt so với mức 1,6 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm hùm xanh (tôm hùm đá) chiếm hơn 90% với 27,6 triệu USD, tăng gấp 80 lần, tiếp đến là tôm hùm bông đạt 2,15 triệu USD, tăng gấp 45 lần so với cùng kỳ.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với sản phẩm tôm hùm của Việt Nam, với trị giá gần 29 triệu USD, cao gấp 27 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 10.2023, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu tôm hùm bông của Việt Nam vì quy định liên quan đến Luật Bảo vệ động vật hoang dã của nước này.

Vì vậy, để xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc, các doanh nghiệp phải chứng minh là tôm giống không được đánh bắt trực tiếp từ biển, minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, không sử dụng giống khai thác từ tự nhiên, nghĩa là con giống phải là thế hệ F2; đơn vị nhập khẩu phải có giấy phép...

Ngày 20.1.2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã dẫn đầu đoàn công tác của bộ sang làm việc với chính quyền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) về hợp tác giao thương phát triển nông nghiệp. Trong các nội dung làm việc liên quan, hai bên cũng thống nhất phối hợp xử lý vướng mắc trong xuất nhập khẩu cá tầm, tôm hùm bông theo cơ chế đặc biệt và sẽ đưa vào nghị định thư giữa hai nước. Trong khi chờ đợi ký nghị định thư, Trung Quốc sẽ xem xét, tạo cơ chế đặc biệt để các cơ sở đăng ký xuất khẩu tôm hùm sang nước này.

Trong khi chờ đợi cơ chế đặc biệt này, nhiều người nuôi tôm hùm bông đã chuyển sang nuôi tôm hùm xanh. Nhu cầu tôm hùm xanh của Trung Quốc vẫn khá cao, người nuôi vẫn xuất tôm xanh sống cho thị trường này, trong khi chỉ có phần nhỏ tôm hùm bông được xuất khẩu sang đây dưới dạng sản phẩm đông lạnh.

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn xuất khẩu tôm hùm xanh và tôm hùm bông sang Thái Lan, Malaysia và Singapore, xuất khẩu tôm hùm đất sang Mỹ.

Tôm hùm là nghề nuôi trồng thủy sản chủ lực có giá trị kinh tế cao ở Khánh Hòa và Phú Yên. Hai địa phương này được mệnh danh là "thủ phủ tôm hùm" của Việt Nam.

Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, nguồn gốc tôm hùm giống hiện nay chủ yếu là nhập khẩu từ Indonesia và Malaysia. Do nhu cầu về con giống tăng qua các năm nên lượng giống tôm hùm nhập khẩu ngày càng tăng.

Theo Đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đưa ra mục tiêu đưa trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm.

Thế nhưng, đầu ra cho tôm hùm mới chỉ xuất khẩu tươi sang thị trường Trung Quốc, số ít còn lại tiêu thụ ở thị trường nội địa. Từ tháng 9.2023, giá bán tôm hùm bông tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa giảm mạnh vì không có đầu ra. Khó khăn trong các thủ tục truy xuất nguồn gốc quá trình nuôi tôm hùm bông là nguyên nhân khiến việc xuất khẩu loài này sang Trung Quốc bị ngừng lại thời gian qua.

Bài liên quan
Bắt được tôm hùm quý hiếm 100 triệu con mới có một
Một con tôm hùm có vỏ màu xanh óng ánh hiếm gặp đã mắc bẫy của ngư dân ở ngoài khơi bang Maine của Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc mua tôm hùm Việt nhiều gấp 27 lần năm ngoái