Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA) được nhà nước hậu thuẫn đứng sau ngành công nghiệp vi mạch tích hợp của đại lục đã tố cáo đạo luật Chips and Science (Chips và Khoa học) là vi phạm thương mại công bằng, đồng thời cảnh báo rằng luật này có thể dẫn đến hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trung Quốc: Luật mới về chip của Mỹ có thể dẫn đến hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Sơn Vân | 18/08/2022, 11:48

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA) được nhà nước hậu thuẫn đứng sau ngành công nghiệp vi mạch tích hợp của đại lục đã tố cáo đạo luật Chips and Science (Chips và Khoa học) là vi phạm thương mại công bằng, đồng thời cảnh báo rằng luật này có thể dẫn đến hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuyên bố từ CSIA, được phát hành hôm 17.8 bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh, đã hòa vào dàn đồng ca của các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, các tổ chức thương mại và tiếng nói của chính phủ lên án đạo luật được ban hành gần đây.

Thông qua đạo luật Chips and Science, chính quyền Biden dùng gần 53 tỉ USD để thu hút sản xuất chất bán dẫn nhiều hơn ở Mỹ.

Bắc Kinh coi đạo luật Chips and Science là mối đe dọa với cả việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến cần thiết cho lĩnh vực chip và vai trò của nước này trong chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.

trung-quoc-luat-moi-ve-chip-cua-my-co-the-dan-den-su-hoan-loan-chuoi-cung-ung-toan-cau.jpg
CSIA đã hòa vào dàn đồng ca của truyền thông nhà nước Trung Quốc, các tổ chức thương mại và chính phủ lên tiếng lên án đạo luật Chips and Science - Ảnh: Shutterstock

Đại diện cho 744 công ty thành viên trong lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc, CSIA tuyên bố đạo luật Chips and Science mà Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào tuần trước đã vi phạm các nguyên tắc chung về thực hành công bằng, cởi mở và không phân biệt đối xử trong ngành.

Trong khi "hết sức đau buồn" trước sự phát triển này, CSIA cảnh báo rằng việc thông qua luật "chắc chắn sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu". CSIA kêu gọi Mỹ "sửa chữa những sai lầm của mình” và thể hiện sự tôn trọng trật tự trong lĩnh vực chip quốc tế.

Do Zhou Zixue - cựu Chủ tịch SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) đứng đầu, CSIA chỉ ra rằng luật mới của Mỹ làm tổn hại đến tinh thần điều lệ Hội đồng Bán dẫn Thế giới cũng như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Được thành lập vào ngày 10.6.1999, CSIA thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ngành công nghiệp bán dẫn để tạo điều kiện tăng trưởng lành mạnh trong dài hạn, theo trang web của nó. Các thành viên Hội đồng Bán dẫn Thế giới bao gồm các hiệp hội bán dẫn ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và khắp châu Âu.

Tháng 12.2021, Trung Quốc đánh dấu năm thứ 20 trở thành thành viên WTO.

Tuyên bố từ CSIA phản ánh sự cấp bách mà Trung Quốc phải đối mặt trong việc đối phó với luật mới của Mỹ, điều này có thể thúc đẩy nỗ lực của Washington trong việc hình thành Liên minh Chip 4 - quan hệ đối tác với Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.

Bắc Kinh coi liên minh đó là âm mưu của chính phủ Mỹ nhằm loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Quy mô của các ưu đãi mà Mỹ hiện có thể cung cấp cho các nhà sản xuất chất bán dẫn có thể đe dọa ngăn cản các hãng lớn, chẳng hạn những gã khổng lồ chip nhớ Samsung Electronics và SK Hynix, tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc.

Theo đạo luật Chips and Science, những hãng nhận trợ cấp bị cấm mở rộng sản xuất ở Trung Quốc ngoài chất bán dẫn cũ - được định nghĩa là chip được sản xuất bằng công nghệ xử lý 28 nanomet trở lên - trong 10 năm.

Điều đó có thể cản trở các sáng kiến ​​của Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu chip.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ mới của Mỹ ngăn Trung Quốc đạt được tham vọng chip

Theo các nhà phân tích, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ với công nghệ sản xuất chip và động cơ tuabin khí tiên tiến, có hiệu lực hôm 15.8, đã thiết lập một rào cản áp đặt ngăn Trung Quốc đạt được tham vọng bán dẫn của mình.

Cục Công nghiệp và An ninh (BIS), một cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ, hôm 12.8 đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vì lý do an ninh quốc gia. Bốn công nghệ bị hạn chế nằm trong số các hạng mục được đề cập trong Thỏa thuận đa phương của Wassenaar năm 1996 về Kiểm soát xuất khẩu với vũ khí thông thường, hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng mà Trung Quốc không phải là thành viên.

Ba trong số bốn công nghệ bị hạn chế bao gồm phần mềm thiết kế hỗ trợ máy tính điện tử, được sử dụng để phát triển chip thế hệ tiếp theo Gate-All-Around (GAA) và hai chất nền của chất bán dẫn dải tần siêu rộng - ôxít gali và kim cương - hoạt động ở điện áp, tần số, nhiệt độ cao hơn nhiều so với các vật liệu chip thông thường như silicon.

GAA được coi là quan trọng với sự phát triển của chip trí tuệ nhân tạo (AI) bằng cách cho phép mở rộng quy mô lớn hơn. Thiết kế GAA bao quanh một bóng bán dẫn ở tất cả mặt với vật liệu phụ để điều chỉnh dòng điện, mang lại hiệu suất tốt hơn.

Công nghệ này yêu cầu phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) chuyên biệt, lĩnh vực mà Trung Quốc tụt hậu so với các nước đồng nghiệp toàn cầu. Các kỹ sư yêu cầu phần mềm như vậy để thiết kế mạch tích hợp (IC) và thị trường do Cadence Design Systems, Synopsys, Mentor Graphics thống trị, tất cả đều có trụ sở tại Mỹ.

Chuyên gia thiết kế của Nvidia, người từ chối nêu tên, cho biết: “Trung Quốc có khoảng cách lớn trong phần mềm EDA so với các công ty khác trên toàn cầu. Synopsys và Cadence đã dành ít nhất 30 năm để xây dựng chuyên môn của họ trong lĩnh vực này. Tỷ lệ cược là rất nhỏ rằng Trung Quốc sẽ bắt kịp trong ngắn hạn”.

Việc phụ thuộc vào phần mềm EDA nhập khẩu là một trong những lỗ hổng lớn nhất của Trung Quốc trong chuỗi giá trị bán dẫn, cùng với việc thiếu các máy in thạch bản trong nước, theo bài viết gần đây của ba nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học Kĩ thuật Điện tử Tây An, cơ sở nghiên cứu công cộng ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây.

Trong khi Trung Quốc không nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu mới nhất của Mỹ, các nhà phân tích cho biết các hạn chế rõ ràng nhắm vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Shang Manjun, nhà phân tích của công ty tư vấn bán dẫn ICwise có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết: “Mỹ đang nhắm đến tương lai”. Bà mô tả việc hạn chế xuất khẩu với phần mềm được sử dụng để thiết kế chip tiên tiến là "con át chủ bài" mà Mỹ chưa từng sử dụng trước đây.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ này đánh dấu sự leo thang trong nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy lợi thế công nghệ cao nước này so với Trung Quốc, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành đạo luật Chips and Science, dành gần 53 tỉ USD cho các ưu đãi sản xuất chất bán dẫn.

Theo BIS, lệnh cấm xuất khẩu với ôxít gali và kim cương là biện pháp để ngăn chặn việc sử dụng các vật liệu này trong chip cho các ứng dụng quân sự.

Những hạn chế xuất khẩu mới đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với những người trong cuộc ở thị trường bán dẫn Trung Quốc vì ngành công nghiệp chip trong nước phụ thuộc vào phần mềm EDA tiên tiến của Mỹ, chẳng hạn như phần mềm do Cadence Design Systems, Synopsys và Mentor Graphics cung cấp cho Trung Quốc.

Các hãng phần mềm Trung Quốc, như Empyrean Technology, vẫn đang cố gắng bắt kịp những gì các công ty Mỹ đó cung cấp.

Dù Trung Quốc bị phủ bóng bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất của Mỹ, Shang Manjun nói không có khả năng các công ty Mỹ ngừng cung cấp phần mềm EDA ngay lập tức cho các công ty thiết kế chip Trung Quốc.

Sự phát triển chất bán dẫn ở Trung Quốc chưa đến mức đòi hỏi phần mềm thiết kế cho các chip có cấu trúc bóng bán dẫn GAA phức tạp. Tuy nhiên, phần mềm như vậy sẽ cần thiết một khi Trung Quốc đạt quy trình 3 nanomet trong sản xuất chất bán dẫn, theo một giám đốc công ty phần mềm EDA (Trung Quốc), từ chối nêu danh tính vì không được phép nói chuyện với truyền thông.

Giám đốc này chỉ ra rằng các công ty như Empyrean Technology đi sau ít nhất một hoặc hai thế hệ so với các nhà cung cấp lớn của Mỹ.

Hôm 30.6, Samsung Electronics cho biết đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip theo quy trình 3 nanomet tiên tiến dựa trên công nghệ GAA thế hệ tiếp theo.

Samsung Electronics là công ty đầu tiên trên thế giới làm điều này khi tìm kiếm khách hàng mới để bắt kịp đối thủ lớn hơn nhiều là TSMC trong lĩnh vực sản xuất chip theo hợp đồng.

GAA giúp cải thiện hiệu suất, đồng thời giảm diện tích chip và tiêu thụ điện năng so với công nghệ FinFET hiện có.

So với các chip 5 nanomet thông thường, quy trình 3 nanomet thế hệ đầu tiên mới được phát triển có thể giảm tiêu thụ điện năng tới 45%, cải thiện hiệu suất 23% và giảm diện tích 16%, Samsung Electronics cho biết.

Công ty Hàn Quốc không nêu tên khách hàng nhận chip 3 nanomet được sản xuất theo đơn đặt hàng như bộ xử lý di động và chip điện toán hiệu suất cao. Các nhà phân tích cho biết bản thân Samsung Electronics và các công ty Trung Quốc dự kiến ​​sẽ nằm trong số đó.

Cuối tháng 5, khi đến thăm nhà máy của Samsung Electronics ở thành phố Pyeongtaek (Hàn Quốc), Tổng thống Joe Biden đã được giới thiệu sản phẩm thử nghiệm 3 nanomet dựa trên GAA.

TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới có trụ sở ở Đài Loan) cũng có GAA trên bản đồ công nghệ của mình cho các quy trình dưới 5 nanomet. Intel - hãng chip khổng lồ của Mỹ có khả năng sẽ bắt đầu sản xuất GAA từ năm 2024 đến 2025.

Bài liên quan
Ông Biden ký luật thúc đẩy chip của Mỹ, phủ bóng đen lên ngành công nghệ Trung Quốc
Ngày 9.8, Tổng thống Joe Biden sẽ ký một dự luật cung cấp 52,7 tỉ USD trợ cấp cho sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn của Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc: Luật mới về chip của Mỹ có thể dẫn đến hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu