Sau 50 năm nổ ra Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc, đảng Cộng sản Trung Quốc lần đầu lên tiếng thừa nhận phong trào đó "hoàn toàn sai lầm".
Cách mạng Văn hóa do Chủ tịch Trung Quốc khi ấy là Mao Trạch Đông khởi xướng năm 1966, nhằm đưa ông tới quyền lực tuyệt đối, đồng thờihàng triệu người Trung Quốc trong đó có nhiều quan chức cấp cao của đảng bị đàn áp, nhiều người trong số đó bị giết hoặc tự sát vì bị sỉ nhục quá mức.
Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, một lực lượng mới, chủ yếu là thanh niên được gọi là Hồng vệ binh đã "tấn công" mọi người được cho là "phản cách mạng" và thiêu hủy vô số "di tích phong kiến" mà không hề bị pháp luật ngăn cản.
Hàng loạt quan chức cấp cao của Trung Quốc khi đó bị buộc tội là "phản cách mạng" và bị lăng nhục như Lưu Thiếu Kỳ - Chủ tịch Trung Quốc từ năm 1959-1968, đã chết trong một nhà tù vì bệnh nặng nhưng không được cứu chữa.
Chủ tịch Trung Quốc hiện nay, ông Tập Cận Bình cũng là một nạn nhân của Cách mạng Văn hóa khi cha ông, Phó thủ tướng Tập Cận Huân bị buộc tội "phản đảng".
Cách mạng Văn hóa chỉ chấm dứt thật sự khi ông Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, ông Mao được người Trung Quốc đánh giá là "7 phần đúng và 3 phần sai" trong cuộc đời làm chính trị của mình.
50 năm kể từ khi Cách mạng Văn hóa diễn ra, lần đầu tiên phía giới chức Trung Quốc thừa nhận đây là một chính sách “hoàn toàn sai lầm”.
Theo Financial Times, trong số báo mới của tờ Nhân dân Nhật báo,cơ quan ngôn luận chính thức của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã viết một bài xã luận phê phán Cách mạng Văn hóa.
“Lịch sử đã chứng minh cuộc cách mạng văn hóa hoàn toàn là một sai lầm. Dù hiểu theo nghĩa nào thì nó chưa bao giờ được coi là một tiến trình cách mạng đúng nghĩa. Chúng ta sẽ không được phép tái diễn lại sai lầm như thế”, bài xã luận viết.
Tuy nhiên sau khi thừa nhận sai lầm, tờ Nhân dân Nhật báo cảnh báo các "âm mưu" lợi dụng "sai lầm" của Cách mạng Văn hóa. "Chúng ta phải ghi nhớ các bài học lịch sử từ cuộc cách mạng, kiên trì đi theo nghị quyết của đảng và ngăn chặn đấu tranh sự can thiệp từ cánh tả cũng như cánh hữu xung quanh vấn đề này”.
Thiên Hà (theo Financial Times)
Ảnh: Một poster cổ động thời Cách mạng Văn hóa