Làn sóng Hallyu (Hàn lưu) có thể trở thành công cụ đắc lực để chính phủ Trung Quốc giảm thiểu ảnh hưởng và sức lan tỏa của các giá trị văn hóa phương Tây vốn đang bị coi là đối tượng cần đề phòng trong xã hội nước này, lại vừa bị xem là đối tượng cạnh tranh cần phải loại bỏ của ngành công nghiệp giải trí mới nổi của Trung Quốc.

Trung Quốc - Hàn Quốc trong cuộc chiến xuất khẩu văn hóa

Nhàn Đàm | 11/08/2016, 07:07

Làn sóng Hallyu (Hàn lưu) có thể trở thành công cụ đắc lực để chính phủ Trung Quốc giảm thiểu ảnh hưởng và sức lan tỏa của các giá trị văn hóa phương Tây vốn đang bị coi là đối tượng cần đề phòng trong xã hội nước này, lại vừa bị xem là đối tượng cạnh tranh cần phải loại bỏ của ngành công nghiệp giải trí mới nổi của Trung Quốc.

Một xu hướng đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thời gian vừa qua, là việc sử dụng triệt để các ảnh hưởng về kinh tế mà chủ yếu là thông qua yếu tố văn hóa. Để phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế Hague về "đường 9đoạn" trên Biển Đông, các nghệ sĩ ở cả đại lục lẫn Hồng Kông và Đài Loan được yêu cầu thể hiện sự phản đối trên các trang cá nhân và trước truyền thông, trong đó bất cứ ai từ chối sẽ bị cấm biểu diễn cũng như cấmcác sản phẩm của họ được lưu hành ở thị trường Trung Quốc. Cũng tương tự, để phản ứng với việc Hàn Quốc cho phép thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại nước này, Trung Quốc đã cho hoãn và thậm chí là hủy một số chương trình biểu diễn của các ngôi sao ca nhạc và truyền hình Hàn Quốc tại nước này – một động thái khiến cho giá cổ phiếu của hàng loạt công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc sụt giảm khá mạnh. Về bề ngoài, nó có vẻ như là một sự phản ứng mang tính chính trị của Trung Quốc, nhưng về thực chất, đó lại là một phần của cuộc chiến khá khốc liệt giữa hai cường quốc kinh tế Đông Bắc Á: Cuộc chiến xuất khẩu văn hóa.

Không có gì khó hiểu khi chính phủ Trung Quốc chọn lĩnh vực xuất khẩu văn hóa làm đích ngắm để gây sức ép với Hàn Quốc vì Seoul đã chấp thuận để Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ mình, vốn là điều mà từ lâu Bắc Kinh vẫn phản đối quyết liệt. Ngành công nghiệp giải trí từ lâu đã là một ngành kinh tế mũi nhọn của Hàn Quốc, và có được những khoản lợi nhuận khổng lồ, mà thị trường Trung Quốc chiếm một phần rất quan trọng. Tính đến thời điểm cuối năm 2015, ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn bộ nền kinh tế Hàn, với mức tăng trưởng lên tới 13,2% so với năm 2014. Ngành công nghiệp này tạo ra hàng chục ngàn việc làm, và có tác động rất tích cực tới một loạt các ngành kinh tế khác của Hàn Quốc như du lịch, thương mại, công nghiệp mỹ phẩm và đồ xa xỉ. Không phải ngẫu nhiên khi “Hallyu” (Hàn lưu) lại đang trở thành một thuật ngữ phổ biến và quan trọng không chỉ với nền kinh tế Hàn Quốc, mà còn là biểu tượng cho làn sóng xuất khẩu văn hóa nổi tiếng của xứ sở kimchi trong khu vực châu Á. Làn sóng đó càng lan xa và rộng bao nhiêu, thì càng đem lại nhiều lợi nhuận và tầm ảnh hưởng cho nền kinh tế và văn hóa Hàn Quốc.

Tại Trung Quốc, làn sóng Hallyu có một ảnh hưởng rất lớn, đồng thời cũng là một trong những thị trường mang về những khoản lợi nhuận kếch xù mà các công ty giải trí Hàn Quốc thu được trong vài năm trở lại đây. Không khó để chỉ ra những ví dụ điển hình cho sức ảnh hưởng của làn sóng Hallyu ở Trung Quốc, chẳng hạn như bộ phim nhiều tập khá nổi tiếng của Hàn Quốc là Hậu duệ mặt trờikhi phát sóng tại Trung Quốc đã có số lượt xem cao nhất từ trước đến nay: 2,3 tỉ lượt chỉ trong vòng 2ngày sau khi một tập phim mới được trình chiếu. Bộ phim cũng là chủ đề chiếm lĩnh gần như toàn bộ hoạt động thảo luận trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội tại Trung Quốc trong nhiều tuần liền, đến mức Bộ Công an Trung Quốc đã phải lên tiếng cảnh báo việc theo dõi bộ phim có thể dẫn đến nguy cơ ly hôn hay phẫu thuật thẩm mỹ một cách thiếu suy nghĩ.

Sự ảnh hưởng của làn sóng Hallyu với các sản phẩm giải trí như phim truyện hay ca nhạc một cách rộng rãi tại Trung Quốc thậm chí còn được các quan chức cấp cao nhất của nước này thừa nhận. ÔngVương Kỳ Sơn, người được xem là cánh tay phải của Chủ tịch Tập Cận Bình và cũng là người chỉ đạo chiến dịch chống tham nhũng quy mô nhất trong lịch sử hiện đại Trung Quốc, cũng tự thừa nhận rằng ông hay theo dõi một số bộ phim truyền hình dài tập Hàn Quốc. Theo nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu Trung Quốc, ảnh hưởng của văn hóa hiện đại Hàn Quốc thông qua làn sóng Hallyu trong xã hội Trung Quốc thậm chí còn đang lớn hơn ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, mà điển hình nhất là ca nhạc, điện ảnh và phim truyền hình.

Tuy nhiên, thái độ của chính phủ Trung Quốc với làn sóng công nghiệp giải trí Hàn Quốc này lại không được xác định một cách cụ thể trong nhiều năm trở lại đây. Một mặt, Trung Quốc trong bối cảnh muốn gia tăng ảnh hưởng mềm để trở thành một cường quốc xuất khẩu văn hóa trên thế giới rõ ràng là không mấy thích thú với việc ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc hoành hành trong xã hội và người dân của mình. Nó chứng tỏ ảnh hưởng và sức hấp dẫn của văn hóa hiện đại Hàn Quốc đang thu hút người dân Trung Quốc hơn là văn hóa truyền thống. Một mặt khác, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng thừa nhận các yếu tố tích cực không hề nhỏ mà làn sóng Hallyu mang lại trong một loạt các vấn đề quan trọng đối với chính nước này.

Trước hết, làn sóng Hallyu có thể trở thành công cụ đắc lực để chính phủ Trung Quốc giảm thiểu ảnh hưởng và sức lan tỏa của các giá trị văn hóa phương Tây vốn đang bị coi là đối tượng cần đề phòng trong xã hội. Không ít lần các nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc như Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu công khai về những ảnh hưởng theo ông là tiêu cực của văn hóa phương Tây, các biểu tượng như Disney Land ở Trung Quốc cũng phải hứng chịu một làn sóng công kích khá lớn. Trong khi đó thái độ với các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc thì lại hoàn toàn ngược lại. ÔngVương Kỳ Sơn đãphát biểu công khai rằng “cốt lõi và tinh thần của một số bộ phim truyền hình Hàn Quốc là một sự thăng hoa chính xác của văn hóa truyền thống Trung Quốc”; còn một số tờ báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì ca ngợi bộ phim nhiều tập Hậu duệ mặt trờilà một biện pháp quảng bá lý tưởng nghĩa vụ quân sự cho giới trẻ Trung Quốc, và sẽ học tập thông qua việc thực hiện một số bộ phim có nội dung tương tự.

Tuy nhiên, cũng giống như việc các doanh nghiệp công nghệ cao Trung Quốc đang phát triển mạnh và giành giật thị phần của các tập đoàn công nghệ Hàn Quốc, ngành giải trí Trung Quốc cũng được cho là sẽ tiếp bước trong lĩnh vực của mình để đánh bật ảnh hưởng của làn sóng Hallyu trước hết là ở thị trường trong nước. Trong bối cảnh đó, việc gây sức ép lên ngành giải trí Hàn Quốc của chính phủ Trung Quốc có thể là một giải pháp một công đôi việc, vừa có ý nghĩa phản ứng việc Hàn Quốc chấp thuận để Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, lại vừa cho phép ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc có cơ hội giành giật thị phần trên chính sân nhà trước các đối thủ nặng ký của Hàn Quốc. Trọng tâm trong cuộc chiến về kinh tế giữa hai cường quốc Đông Bắc Á này, đang dịch chuyển từ các lĩnh vực như công nghệ điện từ và đóng tàu, sang một lĩnh vực mới là xuất khẩu văn hóa.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc - Hàn Quốc trong cuộc chiến xuất khẩu văn hóa