Trong văn bản gửi đến các nước thành viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhân cuộc họp ngày 16.9, Trung Quốc cáo buộc liên minh AUKUS chuyển giao trái phép nguyên liệu vũ khí hạt nhân.
Giữa tháng 9.2021, Úc thông báo hợp tác cùng Anh, Mỹ đóng ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân, đánh dấu sự ra đời của liên minh AUKUS. Giám đốc IAEA Rafael Grossi biết số tàu ngầm này sẽ dùng nhiên liệu là uranium làm giàu cao (có thể đạt đến hoặc gần mức dùng cho vũ khí).
Úc tuyên bố không muốn và cũng không thể sử dụng nhiên liệu hạt nhân cho tàu ngầm để chế tạo vũ khí, vì bộ phận chứa nhiên liệu sẽ hàn cứng vào tàu, hơn nữa uranium cần trải qua quy trình xử lý hóa học mới được dùng trong bom nguyên tử - điều quá sức đối với Canberra vì họ không có cơ sở vật chất cần thiết.
Ba nước AUKUS cùng IAEA lập luận Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) cho phép động cơ hạt nhân dùng cho thiết bị hàng hải với điều kiện phải đàm phán để đạt được một số thỏa thuận cần thiết với IAEA.
NPT do Liên Hợp Quốc soạn thảo nhằm mục đích ngăn chặn danh sách quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân mở rộng thêm, giảm nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân. Hiệp ước có hiệu lực từ ngày 5.3.1970, hiện có 190 quốc gia tham gia.
Trung Quốc không đồng tình mà phản bác lại rằng vật liệu hạt nhân sẽ được chuyển đến Úc chứ không cần nước này sản xuất, chỉ trích IAEA vượt quá quyền hạn và đề nghị thiết lập một quy trình liên chính phủ để xem xét vấn đề thay vì giao cho IAEA. Quốc gia châu Á còn lên án ba nước AUKUS lợi dụng IAEA “tẩy trắng” hành vi phổ biến hạt nhân.
Tàu ngầm hạt nhân với nguồn nhiên liệu vô hạn có thể lặn lâu hơn và khó bị phát hiện hơn. Khi tàu hoạt động ngoài biển thì nhiên liệu mà chúng sử dụng nằm ngoài tầm giám sát của đội ngũ thanh tra IAEA.
Giám đốc Grossi tuyên bố ông thấy hài lòng vì AUKUS đến nay vẫn minh bạch. Tranh cãi vừa xảy ra không làm thay đổi quan điểm của IAEA với kế hoạch đóng tàu ngầm, nhưng cho thấy Trung Quốc vẫn phản đối dự án này rất mạnh mẽ, thậm chí không tiếc làm tổn hại quan hệ với IAEA.