Ấn Độ chỉ trích Trung Quốc vì đã thông qua luật ranh giới đất liền mới mà New Delhi cho rằng có thể ảnh hưởng đến tranh chấp biên giới kéo dài của hai nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi hôm 27.10 cho biết, nước này hy vọng Trung Quốc sẽ tránh thực hiện các hành động theo luật mới, trong đó cho phép binh sĩ Trung Quốc nổ súng ở biên giới giữa hai nước - hành động có thể đơn phương làm thay đổi tình hình ở khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc.
Ông Bagchi cho biết, Ấn Độ và Trung Quốc trước đó đã nhất trí về việc tìm kiếm một giải pháp công bằng và có thể chấp nhận được để giải quyết tranh chấp biên giới. Ông lo ngại luật mới ảnh hưởng đến vấn đề này, đơn phương thay đổi tình hình tại khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ hy vọng luật mới của Trung Quốc không ảnh hưởng đến các thỏa thuận mà hai bên đạt được trước đó về tranh chấp hoặc đe dọa hòa bình và bình yên ở khu vực biên giới.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi các nhà lập pháp tại quốc hội Trung Quốc hôm 23.10 đã thông qua Luật Biên giới Đất liền. Theo đó, luật quy định rằng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm.
Đạo luật quy định binh sĩ và cảnh sát vũ Trung Quốc làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới sẽ được phép "sử dụng vũ khí nhằm vào những người vượt biên trái phép để tấn công, kháng cự hoặc thực hiện các hành vi bạo lực khác".
“Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và biên giới đất liền, đồng thời đề phòng và chống lại bất kỳ hành động nào làm xói mòn chủ quyền lãnh thổ và biên giới đất liền", hãng tin AP dẫn lại một đoạn trong luật biên giới sửa đổi của Trung Quốc.
Đạo luật trên được thông qua trong bối cảnh đàm phán giữa các chỉ huy quân đội Trung Quốc và Ấn Độ - nhằm rút quân khỏi các khu vực quan trọng dọc theo biên giới của hai nước - đã kết thúc vào đầu tháng này trong bế tắc, và không giải quyết được căng thẳng kéo dài suốt 17 tháng qua.
Sau vụ đụng độ chết người hồi tháng 6 năm ngoái khiến 20 lính Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng, New Delhi và Bắc Kinh đã điều hàng chục nghìn binh sĩ được hỗ trợ bởi pháo binh, xe tăng và máy bay chiến đấu dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế ở khu vực Ladakh.