Trực thăng sao Hỏa Ingenuity của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã gặp sự cố bất thường trên chuyến bay thứ 6, nhưng cuối cùng đã hạ cánh an toàn.

Trực thăng sao Hỏa của NASA hạ cánh an toàn sau sự cố 'nhớ đời'

Hoàng Vũ (theo Space) | 28/05/2021, 11:56

Trực thăng sao Hỏa Ingenuity của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã gặp sự cố bất thường trên chuyến bay thứ 6, nhưng cuối cùng đã hạ cánh an toàn.

Theo Space, trực thăng Ingenuity đã hoàn thành chuyến bay thứ 6 diễn ra hôm 22.5. Đây là chuyến bay đầu tiên trong nhiệm vụ mở rộng của trực thăng này với mục đích chứng minh khả năng thám hiểm hành tinh đỏ bằng phương tiện bay.

Theo kế hoạch, trực thăng nặng 1,8kg bay ở độ cao 10m, di chuyển 150m về phía tây nam, sau đó di chuyển 15m về phía nam và chụp ảnh phía tây và đi thêm 50m về phía đông bắc trước khi hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa.

Ban đầu, chuyến bay thứ 6 diễn ra tốt đẹp. Nhưng 54 giây sau khi bay, trực thăng Ingenuity gặp trục trặc làm gián đoạn luồng hình ảnh từ camera điều hướng tới máy tính trên máy bay, theo Havard Grip, chuyên gia tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA ở Nam California.

210425112554-02-mars-helicopter-ingenuity-third-flight-0425-exlarge-169.jpg
Trực thăng Ingenuity hạ cánh tại sao Hỏa - Ảnh: NASA

"Sự cố này khiến một hình ảnh duy nhất bị mất, nhưng nghiêm trọng hơn, nó khiến mọi hình ảnh điều hướng sau đó đều bị truyền về lệch thời gian. Kể từ thời điểm này, mỗi lần thuật toán điều hướng thực hiện một chỉnh sửa dựa vào hình ảnh, nó cũng đang sử dụng thông tin không chính xác về thời điểm chụp. Sự gián đoạn này làm giảm mạnh chất lượng của những thông tin mà trực thăng dùng để vận hành, dẫn đến các tính toán liên tục bị sửa chữa cho những lỗi không thực. Các dao động lớn xảy ra sau đó là hệ quả từ sự cố trong chuyến bay thứ 6 trên sao Hỏa", Grip giải thích.

Nhà khoa học của NASA cho biết, trong suốt chuyến bay thứ 6, Ingenuity đã bay nghiêng hơn 20 độ ở một số thời điểm, đồng thời ghi nhận mức tiêu thụ năng lượng tăng đột biến. Tuy vậy, trực thăng Ingenuity vẫn hoàn thành chuyến bay và hạ cánh an toàn trong vòng 5m so với điểm đáp chỉ định.

"Thực tế là, Ingenuity đã vượt qua tình huống. Dù trong chuyến bay phát hiện ra lỗ hổng về thời gian chắc chắn sẽ phải được giải quyết, chuyến bay này cũng đã khẳng định sự vững chắc của hệ thống theo nhiều cách", chuyên gia Grip cho biết thêm.

Theo ông, dữ liệu sự cố của chuyến bay trên sẽ được phân tích cẩn thận trong thời gian tới, để mở rộng hiểu biết về hoạt động bay trên sao Hỏa.

Được biết, robot tự hành Perseverance đã mang theo trực thăng Ingenuity đáp xuống sao Hỏa thành công vào ngày 18.2. Chúng hạ cánh bên trong hố trũng Jezero, nơi từng chứa hồ và đồng bằng sông thời cổ đại. Robot Perseverance của NASA đã hạ cánh an toàn xuống miệng núi lửa Jezero trên bề mặt sao Hỏa vào ngày 18.2. Trực thăng Ingenuity đã trải qua nhiều chuyển động để mở cánh bên dưới robot và tách ra từ vùng bụng của Perseverance hôm 3.4.

amh7yyfkvzicfpx7wqmphdbyom.jpg
Robot tự hành Perseverance của NASA - Ảnh: NASA

Sau đó, Ingenuity đã vượt qua nhiều mốc thử nghiệm quan trọng như vận động cánh và sống sót qua nhiệt độ -90 độ C trên sao Hỏa. Mặc dù nhiệt độ khắc nghiệt này có thể làm đóng băng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho pin trên bo mạch của Ingenuity và các bộ phận điện khác, nhưng trên thực tế mẫu trực thăng siêu nhẹ này đã an toàn vượt qua đêm lạnh đầu tiên.

Nhiệm vụ của Ingenuity khá ngắn so với kế hoạch khám phá miệng hố Jezero trong 2 năm của robot Perseverance. Chiếc trực thăng sẽ thực hiện 5 chuyến bay thử nghiệm trong vòng 30 ngày Trái đất. 

Tuy nhiên, chiến dịch khám phá sao Hỏa diễn ra rất suôn sẻ và trực thăng Ingenuity vẫn trong tình trạng tốt khi kết thúc hoạt động. Do đó, NASA đã gia hạn sứ mệnh để trực thăng thử nghiệm nhiều hoạt động do thám hơn.

Robot Perseverance đã ghi lại 5 chuyến bay đầu tiên của Ingenuity, nhưng không theo dõi chuyến bay thứ 6. Robot này phải tập trung vào nhiệm vụ chính của mình, bao gồm tìm kiếm dấu vết sự sống cổ đại và thu thập mẫu vật để gửi về trái đất để nghiên cứu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trực thăng sao Hỏa của NASA hạ cánh an toàn sau sự cố 'nhớ đời'