“Đã thấy cá trở lại rồi, có đàn bơi đông lắm, chỉ là chưa xóa hết được những dấu vết hoang tàn” - thợ lặn Trương Đô, 48 tuổi, vừa ngoi lên khỏi mặt nước đã hớn hở thông báo.

Trở lại đáy biển Nhân Trạch: Cá đã về dù biển chưa lành vết thương cũ

Tuổi Trẻ | 27/08/2016, 18:26

“Đã thấy cá trở lại rồi, có đàn bơi đông lắm, chỉ là chưa xóa hết được những dấu vết hoang tàn” - thợ lặn Trương Đô, 48 tuổi, vừa ngoi lên khỏi mặt nước đã hớn hở thông báo.

Một vài phút sau, Nguyễn Hướng, một thợ lặn khác cùng nhóm cũng ngoi lên. Đáy biển vẫn chưa lành vết thương cũ, nhưng đúng là đã thấy cá về sống lại rồi...

Sau gần bốn tháng kể từ khi xảy ra thảm họa cá chết, phóng viênđã cùng thợ lặn trở lại vùng đáy biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Đây là vùng biển mà đầu tháng 5 khi sự cố môi trường biển vừa mới xảy ra chúng tôi đã từng lặn xuống và chứng kiến một vùng biển tan hoang, gần như không thấy dấu hiệu của sự sống bởi những chất độc của Formosa thải ra.

Những gì chúng tôi ghi nhận được ở vùng đáy biển này sau gần bốn tháng, dù không nhiều, nhưng đã có những dấu hiệu của hi vọng.

Theo dấu “sự sống”

Điểm lặn đầu tiên là bãi Rạn. Bãi này là nơi mấy tháng trước chúng tôi từng lặn xuống khảo sát bởi đây là nơi có nhiều hốc đá vốn là “nhà” của nhiều loài cá. Lần này thợ lặn của chúng tôi cũng lặn ở một vùng đáy biển rộng dọc bãi Rạn để hi vọng tìm thấy những dấu tích của sự sống nơi đây.

Thợ lặn Nguyễn Hướng mang theo một que sắt dài khoảng 1m trước khi nhảy xuống biển. Theo anh Hướng, chiếc que này sẽ dùng để chọc vào những hốc đá sâu dưới đáy biển. “Biết đâu có con cá nào trốn trong hốc đá thì sao”, anh Hướng nửa đùa nửa thật rồi cùng ông Trương Đô nhảy ùm xuống đáy biển.

Hai thợ lặn quần thảo hơn mười phút dưới bãi Rạn cho đến khi nhận được tín hiệu từ trên thuyền qua dây dẫn khí mới trở lên. Vừa bước lên thuyền, ông Trương Đô đã rầu rĩ: “Đã thấy có cá rồi, nhưng chỉ bằng một phần nhỏ so với trước đây thôi”.

Ông Đô nói kể từ lần lặn đầu tiên, ông rất kỳ vọng lần này lặn xuống sẽ thấy đáy biển “nhộn nhịp” hơn bởi thời gian đã qua bốn tháng. Nhưng sự hồi phục vẫn rất chậm. Hai thợ lặn cho biết đã “đi bộ” dưới đáy biển gần như hết cả khu vực bãi Rạn. Vẫn còn những dấu tích hoang tàn của đợt chất độc tàn phá bữa trước ở những lớp hàu trên bãi đá. Chỉ vài nhóm cá nhỏ bằng ngón tay bơi rải rác quanh các hốc đá là thấy có “chuyển động”.

Lần theo dấu tích của sự sống dưới đáy biển Nhân Trạch, chúng tôi tiếp tục dong thuyền về khu vực bãi Cá, cách bãi Rạn khoảng 1 hải lý về phía nam. Bãi Cá này là nơi tập trung nhiều cá nhất vùng biển này trước đây và cũng là nơi trước đây chúng tôi đã từng lặn xuống sau vụ cá chết. Hai thợ lặn lần này cũng xuống nước mang theo hi vọng về những dấu hiệu hồi sinh của vùng biển này.

Bãi Cá có độ sâu khoảng 15m, gần gấp đôi bãi Rạn nên việc lặn xuống gặp nhiều khó khăn hơn. Cũng sau hơn mười phút, hai thợ lặn ngoi lên. Lần này, hai thợ lặn vẫn chung nỗi đau đáu về những “vết thương” vẫn còn trong lòng biển.

Nhưng nét mặt của họ đã có chút tươi hơn. Ông Đô đưa chúng tôi mở những đoạn phim trên máy ghi hình vừa đưa lên từ đáy biển. Theo những đoạn phim từ máy quay, lúc hai thợ lặn xuống sát điểm sâu nhất của đáy biển, xuất hiện một đàn cá liệt màu vàng với số lượng hàng ngàn con. Lên những điểm khác cao hơn vài mét, rải rác có những đàn cá tho, cá rô biển khác 
với số lượng ít hơn.

Và dù rất ít nhưng những hình ảnh từ máy quay cho thấy trong những hốc đá ở độ sâu trên 10m có những mầm cây thủy sinh màu xanh mới nhú lên bằng ngón tay.

Hai ngư dân đang chuẩn bị lặn tại khu vực biển Nhân Trạch, Quảng Bình - Ảnh: Quốc Nam

Còn đó nỗi lo...

Theo ông Đô, đây là những “tín hiệu” hiếm hoi mà ông có thể tạm lấy làm vui khi trở lại bãi Cá. “Lần trước lặn xuống không hề thấy bóng dáng của những con cá này. Đây là những loài cá nhỏ quen sống ở đáy biển. Nếu có thêm những loài cá mà tui hay bắn ở vùng này như cá hanh, cá mú nữa thì ngư dân vùng ni mới vui 
được” - ông Đô nói.

Thợ lặn Trương Đô và Nguyễn Hướng bỗng trở nên trầm ngâm khi thuyền quay mũi chạy từ bến Cá vào bờ. Liên tục rít thuốc lá, ông Đô nói tuy đã nhìn thấy cá trở lại sống ở vùng biển này nhưng vẫn thấy lo lắm. “Hôm qua xem tivi thấy người ta thông báo các mẫu cá biển ở Hà Tĩnh vẫn còn nhiễm độc.

Có khi mô cá ở đây cũng còn độc nhưng mà lượng độc chưa đủ để cá chết ngay được?”, ông Đô quay qua anh Hướng. Đáp lại câu hỏi này, anh Hướng chỉ nhìn vào bãi cát dài phía làng với những chiếc thuyền nan đang xếp kề nhau như người ta phơi cá trên bờ.

Theo ông Đô, thật ra mấy tháng nay nhóm thợ lặn của ông cũng thỉnh thoảng đi lặn sò, ốc mỡ ở vùng biển Thanh Trạch cách đó khoảng chục cây số. Những loại ốc này chỉ sống ở khoảng trăm mét tính từ bờ. Mới mấy hôm trước nhóm ông đi lặn được mấy chục ký ốc này bán cho các mối. Số tiền vài trăm ngàn từ tiền bán ốc cũng giúp gia đình các thợ lặn ở vùng này có bữa cơm 
bữa cháo qua ngày.

Nhưng không phải thợ lặn nào trong thôn cũng trụ lại được với nghề này sau sự cố nghiêm trọng của biển. Theo thợ lặn Nguyễn Hướng, thôn này có truyền thống lâu đời về nghề lặn, nhưng nay gần một nửa thợ lặn của thôn không còn tiếp tục theo nghề lặn nữa. Hiện mỗi người đã một phương, lăn lộn nghề khác kiếm tiền nuôi gia đình.

Quốc Nam/Tuổi Trẻ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trở lại đáy biển Nhân Trạch: Cá đã về dù biển chưa lành vết thương cũ