Triều Tiên đang chuẩn bị cho một cuộc duyệt binh lớn vào ngày 10.10, nhưng các chuyên gia cảnh báo màn phô trương sức mạnh quân sự này có thể dẫn đến tình trạng "siêu lây nhiễm coronavirus" tai hại.
Đảng Lao động của ông Kim Jong-un sẽ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập vào ngày 10.10 bằng một cuộc duyệt binh lớn.
Các đối thủ nước ngoài lo ngại Triều Tiên sẽ ra mắt tên lửa và vũ khí mới tại sự kiện này sau nhiều tháng ngừng bắn. Thế nhưng, các chuyên gia đã đặt câu hỏi liệu việc phô trương sức mạnh quân sự có thể gây ảnh hưởng đến cuộc chiến chống COVID-19 của Triều Tiên vì cuộc diễu hành có thể làm lây lan coronavirus trong dân chúng và cả cho ông Kim Jong-un.
Theo các nhà quan sát, Triều Tiên có thể trình làng các tên lửa hạt nhân mới trong cuộc duyệt binh như tạo ra “điều gì đó lớn lao” tại sự kiện này.
Màn trình duyệt binh lớn sẽ diễn ra tại Quảng trường Kim Nhật Thành của Bình Nhưỡng, song khoảng cách và không khí ngột ngạt giữa các binh sĩ có thể dẫn đến sự bùng phát COVID-19.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Triều Tiên đang tập dượt cho cuộc duyệt binh trong đội hình chật hẹp và không gian chật chội.
Harry Kazianis, Giám đốc cấp cao về Nghiên cứu Hàn Quốc tại Trung tâm Vì lợi ích Quốc gia (Mỹ), đã đặt câu hỏi rằng liệu sự kiện có an toàn trong bối cảnh đại dịch hay không.
“Một sự kiện như vậy cực kỳ rủi ro ở chỗ, nếu chỉ vài người dương tính với COVID-19 trong đám đông, họ có thể tạo ra tình trạng giống như siêu lây truyền khiến hàng ngàn người khác có nguy cơ bị nhiễm bệnh.
Nếu kịch bản như vậy xảy ra, Triều Tiên có rất ít khả năng ngăn chặn thương vong hàng loạt do hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ kém cỏi - một trong những hệ thống tệ nhất trên hành tinh.
Tôi cho rằng cuộc duyệt binh này là sai lầm lớn của chế độ Kim và có thể quay lại ám ảnh họ trừ khi áp dụng các biện pháp phòng ngừa COVID-19 nghiêm ngặt. Song như bản chất của cuộc duyệt binh để phô trương sức mạnh quân sự với toàn thế giới, điều đó có vẻ khó xảy ra. Rõ ràng khẩu trang và tên lửa không phù hợp với nhau", Harry Kazianis nói.
Bất chấp những lo ngại, ông Kim Jong-un đã nhiều lần khẳng định Triều Tiên không ghi nhận trường hợp nào nhiễm coronavirus nào.
Tháng 7.2020, nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố cuộc chiến chống đại dịch của đất nước "thành công rực rỡ" và nói rằng đã "ngăn chặn sự xâm nhập của vi rút ác tính, duy trì tình hình ổn định".
Ông Kim Jong-un được cho đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "cảnh giác tối đa mà không thả lỏng trên mặt trận chống dịch" và nói thêm rằng coronavirus vẫn hiện diện ở các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên - KCNA nói thêm: “Ông Kim nhiều lần cảnh báo rằng việc áp dụng các biện pháp chống dịch một cách vội vàng sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng không thể tưởng tượng và không thể cứu vãn được”.
Song vào tháng 9.2020, ông Kim Jong-un đã ra lệnh thực hiện "bắn giết" dọc theo biên giới Triều Tiên tới Trung Quốc.
Robert Abrams, chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, cho biết: “Họ đã đưa SOF (lực lượng tác chiến đặc biệt) của Triều Tiên ra khỏi đó… Các lực lượng tấn công, họ đã có lệnh bắn giết.
Quân đội Triều Tiên bây giờ chủ yếu tập trung vào việc hồi phục sức khỏe và giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm COVID-19”.
Các chính sách biên giới nghiêm ngặt của ông Kim Jong-un đã dẫn đến cái chết của một người Hàn Quốc hôm 22.9. Cụ thể hơn, quân đội Triều Tiên đã bắn chết quan chức ngành ngư nghiệp Hàn Quốc trong vùng biển của họ như biện pháp phòng tránh COVID-19.
Ông Kim Jong-un đã đưa ra một lời xin lỗi hiếm hoi tới nước láng giềng phía nam và gọi đó là “sự việc đáng tiếc, lẽ ra không nên xảy ra”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi lời xin lỗi đến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nói thêm rằng ông hiểu "hơn ai hết áp lực và khó khăn" cần phải có để vượt qua đại dịch cùng thiệt hại do bão gần đây.
Hôm 30.9, trang Express đưa tin Liên Hợp Quốc tuyên bố Triều Tiên đã tăng cường phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình với "tốc độ dữ dội". Bất chấp đại dịch COVID-19 và các lệnh trừng phạt, Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong công nghệ hạt nhân của mình.
Triều Tiên cũng tìm cách tránh các lệnh trừng phạt từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) để nhập khẩu dầu mỏ và xuất khẩu than.
Bản báo cáo từ UNSC đánh giá hiệu quả của các biện pháp trừng phạt và liệu Triều Tiên có từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không.
Báo cáo cho biết: “Kể từ đầu năm 2020, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã tiếp tục phát triển chương trình tên lửa đạn đạo của mình với tốc độ dữ dội. Triều Tiên có thể đã phát triển các thiết bị hạt nhân thu nhỏ để lắp vào đầu của tên lửa đạn đạo. Triều Tiên tiếp tục vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an thông qua việc nhập khẩu bất hợp pháp các sản phẩm dầu mỏ tinh chế thông qua việc chuyển tàu sang tàu và giao hàng trực tiếp, xuất khẩu than bất hợp pháp qua đường biển. Hai đến ba tháng là đủ để xây dựng lại một trong các đường hầm, thiết lập lại cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ thử nghiệm và lắp đặt thiết bị thử nghiệm”.