Các nhà khoa học Úc và Indonesia đang thử nghiệm một kỹ thuật mà họ tin rằng sẽ giúp xóa sổ bệnh sốt xuất huyết tại “điểm nóng” Đông Nam Á cũng như tại nhiều nơi khác trên thế giới.

Triển vọng xóa sổ sốt xuất huyết tại Đông Nam Á

Cẩm Bình | 12/10/2020, 09:49

Các nhà khoa học Úc và Indonesia đang thử nghiệm một kỹ thuật mà họ tin rằng sẽ giúp xóa sổ bệnh sốt xuất huyết tại “điểm nóng” Đông Nam Á cũng như tại nhiều nơi khác trên thế giới.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định số ca mắc sốt xuất huyết toàn cầu tăng đáng kể trong thập kỷ qua – từ 2,4 triệu năm 2014 lên 4,2 triệu năm 2019. Khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh.

dengue00.jpg
Trong tế bào của hơn 60% số loài côn trùng toàn hành tinh đều có vi khuẩn Wolbachia, nhưng muỗi vằn truyền sốt xuất huyết lại không - Ảnh: Getty Images

Để góp phần đối phó dịch bệnh, đội ngũ nghiên cứu đại học Monash (Úc) tham gia Chương trình Chống muỗi thế giới (WMP) đã hợp tác cùng đồng nghiệp ở tổ chức Tahija và đại học Gadjah Mada (Indonesia) tiến hành tiêm vào muỗi vằn - loài vật mang vi rút gây sốt xuất huyết - một loại vi khuẩn tự nhiên tên Wolbachia.

Wolbachia ngăn cản côn trùng lây truyền vi rút mà không làm giảm quần thể muỗi, ảnh hưởng hệ sinh thái. Qua 3 năm, mới đây các nhà khoa học công bố kết quả một cuộc thử nghiệm tại thành phố Yogyakarta.

dengue01.jpg
Mẫu muỗi đã tiêm Wolbachia - Ảnh: SCMP

Đội ngũ nghiên cứu chọn ngẫu nhiên 12 khu vực ở Yogyakarta thực hiện thử nghiệm. Muỗi đã tiêm Wolbachia được thả trong thời gian 7 tháng, lai tạo với quần thể địa phương truyền vi khuẩn cho phần lớn muỗi trên địa bàn.

Sau đó các nhà khoa học theo dõi số ca mắc sốt xuất huyết trên toàn thành phố, trường hợp xuất hiện dấu hiệu/triệu chứng mắc bệnh cung cấp thông tin địa chỉ cùng lịch sử di chuyển.

Kết quả thống kê 2 năm sau cho thấy tỷ lệ mắc sốt xuất huyết ở khu vực thả muỗi tiêm Wolbachia giảm 77% - số ca bệnh thấp hơn khu vực chỉ áp dụng phương pháp phòng chống thông thường (xử lý nước đọng vốn là nơi muỗi đẻ trứng, phun thuốc diệt côn trùng).

Thả muỗi vào cộng đồng đòi hỏi phải nhận được sự tin tưởng lớn từ người dân. May mắn là người dân Yogyakarta đồng ý hợp tác giúp đỡ.

Giám đốc WMP tại châu Đại Dương Cameron Simmons cho biết: “Nơi chúng tôi thực hiện thử nghiệm vốn quen sống chung với sốt xuất huyết. Nhiều thành viên trong cộng đồng lẫn tình nguyện viên từng mắc hoặc có người thân mắc bệnh. Phương pháp thông thường được thực hiện lâu nay nhưng số ca sốt xuất huyết vẫn tăng. Chúng tôi nhận thấy một khi người dân hiểu rõ kỹ thuật Wolbachia cũng như những gì chúng tôi cố gắng đạt được, họ sẽ là thành phần ủng hộ mạnh mẽ nhất”.

Dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở hầu hết quốc gia châu Á lẫn Mỹ Latin, chịu trách nhiệm cho không ít số ca nhập viện và tử vong của trẻ em lẫn người lớn. Tình hình ngày càng nghiêm trọng do dân số đô thị gia tăng (muỗi có cơ hội kiếm ăn, sinh sản) và biến đối khí hậu (khiến muỗi mở rộng phạm vi hoạt động sang phía bắc). Một số nguyên nhân khác là quy hoạch đô thị kém, thiếu nước máy, hoạt động đi lại cùng giao thương ngày càng phát triển,…

Trước Yogyakarta, WMP vào 10 năm trước từng thả đợt muỗi tiêm Wolbachia đầu tiên tại bang Queensland miền bắc nước Úc. Giới chức y tế địa phương năm ngoái tuyên bố nơi đây về cơ bản không còn sốt xuất huyết.

Hai thử nghiệm ở Yogyakarta và Queensland cho thấy kỹ thuật Wolbachia rất có triển vọng. WMP hiện đang triển khai dự án tương tự ở một số thành phố thuộc Mexico, Brazil, Colombia.

Bài liên quan
Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm
Theo CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đang có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển vọng xóa sổ sốt xuất huyết tại Đông Nam Á