Dạo tuần báo Văn Nghệ Giải Phóng (Văn Nghệ TP.HCM sau này) còn đặt tòa soạn ở ngôi biệt thự nằm ở góc đường Cao Thắng-Nguyễn Thị Minh Khai Q3 tôi thường ghé đó chơi với Diệp Minh Tuyền, Chim Trắng và Nguyễn Chí Hiếu. 

Trang Thế Hy, người vay cuộc sống bằng nợ nước mắt

Một Thế Giới | 08/12/2015, 17:53

Dạo tuần báo Văn Nghệ Giải Phóng (Văn Nghệ TP.HCM sau này) còn đặt tòa soạn ở ngôi biệt thự nằm ở góc đường Cao Thắng-Nguyễn Thị Minh Khai Q3 tôi thường ghé đó chơi với Diệp Minh Tuyền, Chim Trắng và Nguyễn Chí Hiếu. 

Lúc đó tôi đã đăng thơ, truyện ngắn ở đây và thường uống cà phê vào buổi sáng với 3 người trong tổ Thơ báo VNGP ở quán cà phê nằm xéo bên kia đường, cách tòa soạn một cái ngã tư. Một lần đang uống cà phê thì thấy một người đàn ông gầy ốm, gương mặt khắc khổ, tóc muối tiêu xơ rơ gần như không chải, áo sơ mi ngắn tay bỏ ngoài quần, đi dép lẹp xẹp bước vào. 
Ông tới ngồi cùng bàn với chúng tôi, kêu ly cà phê sữa nóng, ngồi bắt tréo chân, móc thuốc lá sợi ra nhồi vào tẩu châm lửa bập bập, nhả khói, dáng điệu chậm rãi, ung dung nhìn những vòng khói xám bay qua đôi mắt sáng của mình, không nói gì. Anh Diệp Minh Tuyền giới thiệu tôi với người đàn ông đó và bảo đó là anh Tư Trang Thế Hy. Không bắt tay, không cười, chỉ thoáng liếc nhìn người đối diện và gõ cái tẩu thuốc vào cạnh bàn cọc cọc. Đó là tính cách của nhà văn Trang Thế Hy, còn gọi là Tư Sâm.
Trang The Hy, nguoi vay cuoc song bang no nuoc mat-hinh-anh-1

Bàn cà phê hôm ấy có 5 người thì hết 4 người quê Bến Tre: Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền, Trang Thế Hy và tôi chỉ còn Nguyễn Chí Hiếu quê Long An. Tôi được dịp may quen với nhà văn Trang Thế Hy từ hôm ấy, lúc đó anh Trang Thế Hy trong tổ Văn của tuần báo VNGP. Thời gian sau, khi thân hơn một chút, có lẽ vì là tình đồng hương nên một hôm anh Trang Thế Hy mời tôi tới căn phòng trên lầu 3, tòa nhà nằm ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Nguyễn Đình Chiểu ăn cơm trưa, tòa nhà này dành cho cán bộ,nhân viên của tuần báo VNGP ở, và ở đây tôi gặp hầu như đủ mặt "anh tài", từ Nguyễn Quang Sáng, Văn Lê, Đinh Quang Nhã, vợ chồng anh Lư Nhất Vũ-Lê Giang. Nói ăn cơm trưa là nói cho có lệ, chứ thật ra là một bữa nhậu. Bữa nhậu hôm ấy chỉ có 3 người: Gia chủ Trang Thế Hy, Diệp Minh Tuyền và tôi. Vì là thời bao cấp nên chỉ có rượu đế và mấy món nhậu do chính anh Trang Thế Hy chế biến. Hôm ấy tôi được biết thêm, nhà văn Trang Thế Hy thích đi chợ mua thức ăn mỗi ngày và chế biến món nhậu không thua gì đầu bếp trứ danh.

Từ ngày quen với nhà văn Trang Thế Hy tôi mới có dịp đọc nhiều truyện ngắn của anh và tìm hiểu thêm về một nhà văn đồng hương. Tôi rất thú vị khi biết anh Trang Thế Hy không chỉ viết văn mà còn viết báo trước năm 1975, khi tôi mới chập chững viết văn, làm báo thì anh đã là một cây bút tên tuổi của miền Nam. Anh ký nhiều bút danh như: Văn Phụng Mỹ, Phạm Võ, Triều Phong,Vũ Ái Văn, Văn Minh Phẩm….rất tiếc tôi lại không may mắn quen với anh thời kỳ này, có lẽ lúc đó tôi còn quá trẻ, nhưng truyện ngắn anh ký dưới bút danh Văn Phụng Mỹ thì tôi nhớ đã có đọc, tất nhiên với một người đi sau anh rất nhiều năm, gần như một thế hệ thì khi ấy tôi chưa có cảm nhận gì nhiều ngoài việc biết nhà văn Trang Thế Hy là một bổ sung đặc sắc cho giọng văn đặc sệt Nam Bộ cùng thời với những tên tuổi khác như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Quang Sáng, Trần Kim Trắc, Ngọc Linh, Sỹ Trung…
Trang The Hy, nguoi vay cuoc song bang no nuoc mat-hinh-anh-2

Thời gian về sau, có lẽ do bận bịu nhiều công việc khác nhau nên tôi không còn dịp gặp lại anh Trang Thế Hy nữa. Cho đến một lần tôi được biết anh Tư Sâm đã nghỉ hưu ở tuần báo VNTP.HCM và sau đó về quê ở ẩn, anh ít đi đâu ra khỏi nhà. Bạn bè, người thân quen muốn gặp anh chỉ có một cách duy nhất là đích thân tới tận ngôi nhà nhỏ của anh trong khu vườn dừa mà theo một nhà văn nào đó thuật lại lời anh Trang Thế Hy mô tả “Đêm nghe dừa rụng, ngày nhìn chuột rơi”. Đêm nghe dừa rụng thì tôi đã biết, vì dừa khô, dừa chuột khoét thường rụng ban đêm nhưng “ngày nhìn chuột rơi” là sao? Lúc đầu tôi không hiểu lắm về lối ví von này của nhà văn “Nợ nước mắt", nhưng một lần về quê, đi trong vườn  dừa nhà một người quen tôi thấy nhiều cây dừa được bọc một cái vòng bằng tôn lấp lánh ánh bạc cao ngang thân dừa. Hỏi ra mới biết đó là cái vòng chống chuột, vì trong vườn dừa rất nhiều chuột, để chống lại việc chuột leo dừa phá trái, người dân Bến Tre đã có sáng kiến cắt tôn làm những cái vòng rộng cỡ 20cm, ốp quanh thân dừa, chuột leo lên sẽ bị trợt chân té xuống gốc dừa.

Khi đã hiểu vì sao anh Trang Thế Hy mô tả nơi ẩn dật của mình lúc đã nghỉ hưu bằng cách ví von cũng rất ấn tượng kiểu Trang Thế Hy “Đêm nghe dừa rụng, ngày nhìn chuột rơi” thì rất tiếc lúc đó anh Tư Sâm đã yếu, một vài lần về Bến Tre tôi cũng có ý định ghé thăm anh nhưng lại không có người dẫn đường vì nghe đâu đường vào nhà anh rất khó, loanh quanh, chẳng dễ gì tìm. Kể cả một lần tôi quyết tìm nên tới tòa soạn báo Văn Nghệ Bến Tre định nhờ các anh Hồ Trường, Kim Ba, Nguyên Tùng cùng đi nhưng rất tiếc cả 3 anh lại đi vắng. Tôi đã quyết tự mình tìm ra đường đến nhà anh Trang Thế Hy nhưng lần đó lại đi lạc.

Trong số những nhà văn tên tuổi của Nam Bộ, anh Trang Thế Hy cũng có đóng góp rất lớn không chỉ bằng trách nhiệm của một công dân, anh hoạt động cả hai thời kỳ, chống Pháp, đánh Mỹ mà còn bằng những tác phẩm văn học đặc sắc với tư cách là một nhà văn, đó là những tập tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, dịch thuật như:Nắng đẹp miền quê ngoại, Người yêu mùa thu, Vết thương thứ 13, Tiếng khóc và tiếng hát, Mưa ấm, Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác, Ngọt và đắng…Những tác phẩm này đều đã được NXB Trẻ mua độc quyền trước khi nhà văn mất. Truyện ngắn của Trang Thế Hy sử dụng ngôn ngữ đặc trưng Nam Bộ nhưng anh lại có một chỗ đứng rất riêng bằng một văn phong chậm rãi, phân tích đến chỗ thâm thúy nhất của nhân tình thế thái, có lúc đến sâu cay nhưng đọc thấy ngậm ngùi, nhân văn chứ không hằn học. Văn của Trang Thế Hy có phong vị riêng, tình yêu đôi lứa, không gian sống xã hội, ứng xử của con người, đạo và đời, quê hương đất nước…mỗi thứ đều có nét trữ tình, lãng mạn và đầy ẩn dụ kiểu “mưa ấm”, “nợ nược mắt”… càng đọc, càng ngấm.

Hôm nay, được tin nhà văn Trang Thế mất ở tuổi 91, ông tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29-10-1924 tại Châu Thành, Bến Tre. Dẫu biết là với một nhà văn, một người bình thường, sống đến tuổi này đã là thượng thọ. Và dẫu rằng, đời là cát bụi…sinh ra là đã vay cuộc sống này rất nhiều món nơ, trong đó có cả “Nợ nước mắt”. Nhưng với lòng ngưỡng mộ và tình đồng hương, tôi cũng hết sức bất ngờ và ngậm ngùi. Bài viết này được xem như nén nhang thơm thắp tiễn biệt tác giả “Nợ nước mắt” về nơi không còn nợ nước mắt. Và như anh Tư Sâm đã từng nói anh sẽ "đi chỗ khác chơi". Vâng, hết việc rồi thì đi chỗ khác chơi thôi. Thật nhẹ nhàng, không vướng lụy. Mong lắm thay!

Từ Kế Tường

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trang Thế Hy, người vay cuộc sống bằng nợ nước mắt