Theo Quyết định 479/QĐ-TTCP ngày 22.7.2020 của Tổng thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra một số mặt công tác, trong đó có công tác đào tạo, liên kết đào tạo và việc cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015-2019.

Trăm năm trước, đâu buộc phải có bằng cấp mới trọng dụng!

17/08/2020, 16:48

Theo Quyết định 479/QĐ-TTCP ngày 22.7.2020 của Tổng thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra một số mặt công tác, trong đó có công tác đào tạo, liên kết đào tạo và việc cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015-2019.

Tình trạng bằng cấp không thực chất rất đáng lo ngại - Tranh từ internet

Cũng có thể từ những bất ổn đã bộc lộ mà báo chí trong vài ba năm nay đề cập khi cho biết: Từ ngày 1.1.2015 đến 31.12.2015, chỉ riêng Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm KHXH) đã cho “ra lò” 165 tiến sĩ. Mổ xẻ cái hay cái dở từ đây khi được biết, nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là cứ 1 ngày 3 giờ 55 phút nơi đây đã có thể cho “ra lò“ 1 tiến sĩ thì quả thật là “choáng”.

Người ta có thể đặt nghi vấn, tại sao lại nhiều đến như vậy? Liệu có phải do xuất phát từ một chủ trương mang tính chiến lược chung của Nhà nước ta đồng ý đào tạo 9.000 tiến sĩ nên họ bị hối thúc phải làm nhanh? Nhất là khoản ngân sách đào tạo (dự chi những 12.000 tỉ đồng) thì cũng đã được tính toán đã khiến nơi đây cùng một số học viện nữa trên toàn quốc cùng tăng tốc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ cho đất nước. Nghĩa là “lò” nào “ấp" nhanh, "ấp" giỏi thì sẽ có nhiều tiền từ bầu sữa do ngân sách.

Tôi thấy việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ bằng tiền ngân sách cũng cần tính toán lại sao cho khoa học và căn cơ nhưng trên tinh thần tiết kiệm nhất có thể, tránh việc lợi dụng đi học bằng “tiền chùa” không cần chút nào cho công việc mình đang làm.

Chúng ta không thể chấp nhận việc chi từ ngân sách để đào tạo một tiến sĩ muốn theo học một ngành nào đó chẳng ăn nhập gì với công việc anh ta hiện đang làm ở cơ sở nếu đó không phải là chủ trương của lãnh đạo cơ sở muốn nhắm công việc tương lai nào đó cho người ta. Tóm lại là nhiều khi rất vênh váo đến không tài nào lý giải nổi. Số kinh phí đó lẽ ra để chi vào việc khác sẽ có tác dụng cho xã hội hơn.

Tôi cũng nghiệm ra một điều (trừ các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học thì khỏi bàn vì việc đào tạo để chuẩn hóa là cần thiết), những cơ quan hành chính của nhà nước nào ít việc thì càng có nhiều người xin đi học tại chức vì họ rất biết tranh thủ cơ hội vàng này để có cái mác hoành tráng, đặng giúp cho việc hoàn chỉnh một hồ sơ lý lịch đẹp như mơ, chờ cơ hội tiến thân.

Nhiều khi họ đi học về, học vị đó đâu có liên quan gì đến công tác họ đang làm nhưng đi học được là cứ đi.

Chuyện sính bằng cấp của các quan chức thời nay thật buồn bởi sao thấy ít sáng chế đến như vậy. Tôi đã thấy có biết bao người nông dân họ không được học hành gì nhưng lại sáng chế ra rất nhiều loại công cụ máy móc phục vụ cho nghề nông của mình, thậm chí có anh nông dân đi làm thuê ở nước ngoài, chủ phát hiện tài lẻ khi sản xuất máy nông cụ mà xin mời ở lại Israel rồi đối xử như một chuyên gia sáng chế.

Hoặc như ở Hải Dương, tuy chỉ mới học hết lớp 7 nhưng anh nông dân Phạm Văn Hát đã sáng chế được 40 loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Máy hoạt động hiệu quả với giá bán chỉ bằng từ 1/10 - 1/3 máy Nhật khiến khách nước ngoài như Nhật và Mỹ cũng phải bỏ tiền mua.

Tôi cảm phục họ bao nhiêu thì lại càng thấy buồn cho mấy ông kỹ sư nông nghiệp nhưng lại đi làm thạc sĩ hoặc tiến sĩ hoàn toàn trái nghề để rồi khi trở về công việc cũ đâu giúp họ giỏi thêm! Họ học là để chờ thời cơ thăng tiến sự nghiệp chính trị thì đúng hơn.

Rồi thì, để có thể đủ điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, tình trạng “làm đẹp” hồ sơ khoa học lâu nay người ta đòi hỏi phải có các bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Vậy là họ lần ra những đường dây mời chào, muốn được đăng thì nộp tiền.

Theo thông tin trên báo Thanh Niên ngày 15.8.2020 thì người ta rất dễ tìm ra những lời mời chào trên mạng. Chỉ cần bỏ ra 2-3 ngàn đô la các nghiên cứu sinh đã có thể được họ đăng cho một bài viết trên những tờ tạp chí không mấy ai đọc. Nó mang tính ngụy tạo, thiên về lợi nhuận nhiều hơn là phục vụ nghiên cứu. Tóm lại, để được đăng thì phải trả tiền.

Nếu đúng như báo Thanh Niên đưa liên tục 2 kỳ qua về chuyện thuê làm luận văn và bỏ tiền thuê đăng trên tạp chí nước ngoài thì quả là tai hại. Nhà nước bỏ tiền ra đào tạo để rồi nhận của dỏm về, không mấy giá trị.

Đây là điều mà trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các bộ ngành, địa phương cần hết sức tránh bởi sự lãng phí rất lớn từ ngân sách nhà nước.Thêm nữa, kinh phí đào tạo tiến sĩ thực thụ là không nhỏ.

Câu chuyện hài hước và chua chát mà chúng ta đều biết khi có ông tiến sĩ dỏm đi lòe khắp cả nước năm kia mà xấu hổ. Từ trường phổ thông mà anh ta từng học cho đến Hội Nhà báo Việt Nam, rồi chính Học viện Báo chí và Tuyên truyền đều bị mắc lừa một vố điếng người vì anh ta lên lớp với sinh viên rất oách.

Như vậy để thấy, trong khâu đào tạo tiến sĩ và cả sử dụng tiến sĩ từ nước ngoài về của chúng ta đều có những điều bất ổn, cần chấn chỉnh những lỗ hổng và truy xét kỹ càng hơn.

Nếu không như vậy, tình trạng thuê người làm luận văn, thuê in bài đăng tạp chí quốc tế sẽ gián tiếp sinh ra một lớp tiến sĩ kém chất lượng nếu không dùng từ giả dối, ngụy tạo bằng cấp cho đẹp lý lịch, hòng thăng tiến bản thân...

Tôi rất biết, mọi sự so sánh đều có thể khập khiễng và nó cũng còn tùy thuộc vào mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. Nhưng có lẽ cũng xin nêu một ví dụ nhỏ: Cách đây bốn, năm chục năm, rất nhiều người thầy nổi tiếng của thế hệ học trò chúng tôi (theo học ngành văn học Trường đại học Tổng hợp Hà Nội ), họ không hề có học vị tiến sĩ hay phó tiến sĩ, thậm chí chưa có bằng đại học. Thế nhưng trí tuệ những bậc đại thụ ấy thì rất uyên bác đến độ kính nể. Đó là các giáo sư Hoàng Như Mai, Đinh Gia Khánh đều mới chỉ đỗ tú tài; các giáo sư Đỗ Đức Hiểu, Bùi Duy Tân, Phan Cự Đệ, Hồ Tấn Trai, Nguyễn Lộc,Trần Đình Hượu... mới chỉ đỗ đại học... nhưng các thầy đã cho ra đời rất nhiều công trình khoa học có giá trị. Tuy không được trao học vị tiến sĩ nhưng sau đó họ đều được phong hàm giáo sư, phó giáo sư xứng đáng.

Chính các thầy đã đào tạo ra biết bao thế hệ cán bộ lãnh đạo làm rạng danh đất nước, có học trò của các thầy sau này được Đảng và Nhà nước tin tưởng trao trọng trách là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước.

Đó chính là giai đoạn xã hội ta không quan trọng hóa chuyện bằng cấp mà chỉ quan tâm đến thực lực thực tài, và các thầy đã được tin cậy để giao việc trồng người.

Nếu một xã hội đặt quá nặng chuyện bằng cấp nhưng lại không kiểm soát tốt thì hiện tượng gian dối bằng cấp càng nặng nề và tai hại cho đất nước, cho chế độ... Đồng thời, những tiến sĩ thực thụ, xứng đáng do họ có trình độ cũng cảm thấy buồn và như bị mang tiếng và bị xúc phạm trước một mặt bằng trí tuệ của đội ngũ trí thức nước nhà chưa cao, chưa chuẩn vì tiêu cực đang len lỏi vào.

Nếu nói rằng thời phong kiến xưa kia ở nước ta rất xem trọng bằng cấp, phải có bằng cấp thông qua các kỳ thi cử thì mới được bổ dụng làm quan, điều đó đúng nhưng thực ra cũng không phải các bậc vua chúa ngày xưa quá nguyên tắc như ta nghĩ.

Có một câu chuyện mà tôi được đọc trong sách vở và gia phả về cụ Nguyễn Xuân Phiêu (1859-1936), Thượng thư triều Nguyễn đã chứng minh điều đó.

Cụ Xuân Phiêu từng giữ chức Thượng thư Bộ Công năm 1916 (như chức bộ trưởng Công Thương bây giờ) mà không hề có học vị bằng cấp thi cử gì. Tất cả là do cụ quá giỏi về khoa học công nghệ mà các trường lớp đào tạo của Việt Nam hồi đó lại chưa có nên cụ không thể đi thi ở đâu được.

Do đây là nhân vật rất đặc biệt, cụ lại là người cùng làng Hành Thiện (tỉnh Nam Định) với tôi cho nên tôi có dịp tìm hiểu khá kỹ về cụ thông qua gia phả của dòng tộc và sử sách đã từng viết.

Tuy sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nho học, cha và anh đều là cử nhân và làm quan nhưng chàng trai Nguyễn Xuân Phiêu lại không có một bằng cấp, học vị gì.

Từ nhỏ ông đã ham tìm hiểu những kỹ thuật ứng dụng trong đời sống của phương Tây. Ông tỏ ra có năng khiếu về kỹ thuật thực hành đến kỳ lạ, khác người.

Năm 1881, ông được cha tiến cử với vua. Vua nể quan Thị lang Bộ Công (là cha ông) mà đặc cách nhận cho ông vào làm việc trong chính cơ quan của cha với chức Thừa biện Công bộ vì vua phát hiện ra ông đúng là có những khả năng khác người .

Ông làm việc rất mẫn cán và rất thông minh nên được vua Tự Đức phát hiện tiếp những khả năng tiềm ẩn nên cử đi học các khoa học kỹ nghệ của Tây Âu ở nước ngoài.

Trước khi ông đi học, vua Tự Đức khuyến khích rất sòng phẳng và thú vị: “Hễ học tập được kỹ nghệ một nước thì lấy lệ Cử nhân bổ dụng (tức là được tính tương đương), kỹ nghệ của hai nước thì lấy lệ Tiến sĩ bổ dụng, kỹ nghệ ba nước thì lấy lệ Hoàng giáp bổ dụng”.

Điều này chứng tỏ vua Tự Đức rất coi trọng kỹ nghệ Tây Âu mà dân mình thì chưa mấy ai được tiếp cận nó và sẽ cho bằng đặc cách như vậy chăng.

Đối với người Việt Nam thời đó, các môn kỹ thuật về công nghệ cao, chính xác của phương Tây đều được xem là mới lạ.

Chỉ có sau 6 tháng nghiên cứu thực tế tại Hồng Kông và Singapore, bằng trí thông minh hiếm có và sự chăm chỉ chịu khó học tập, ông Nguyễn Xuân Phiêu đã nắm được nhiều kỹ thuật mới lạ của phương Tây đến độ kinh ngạc.

Về nước, ông chế ra 2 khẩu súng (một khẩu kiểu của Anh, một khẩu kiểu của Pháp), mô hình chiếc tàu thủy Chaloupe, 1 cái đồng hồ kiểu Anh, rồi dâng lên vua để báo cáo kết quả học tập của mình.

Một người không có bằng cấp khoa học, chỉ bằng con đường tự học mà chế tạo được những vật tinh xảo không kém gì kỹ thuật châu Âu thì thật là một kỳ tài chỉ sau từng đó thời gian tìm hiểu.

Ông Nguyễn Xuân Phiêu xin vua cho thành lập các xưởng Bách công kỹ nghệ ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Biện Sơn để chế tạo vũ khí, đóng tàu thủy nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc bờ cõi. Thế nhưng đề nghị của ông không được triều đình chấp nhận vì đám quần thần ngày đó chỉ mải thơ phú mà xao lãng phát triển công nghệ, khoa học. Thậm chí họ còn muốn trị tội ông khi đề xuất những chuyện nói trên. Vua cũng biết đây là người tài nên không chấp nhận ý đám quần thần. Tuy nhiên vua Tự Đức không quyết liệt bảo vệ ông, không tạo điều kiện cho ông thực hiện các ý tưởng trên, chỉ phong cho ông chức Chủ sự Công bộ.

Đến năm 1886, ông Nguyễn Xuân Phiêu được giao nhiệm vụ mở xưởng đúc tiền niên hiệu Đồng Khánh.

Năm 1887 ông được phong làm Bang biện Nha đúc tiền Quốc gia.

Năm 1894 ông được cử ra Thanh Hóa mở Nha Thông Bảo (tức Nha đúc tiền) ở Cẩm Thủy và làm Bang tá nha này.

Năm 1901 triều đình triệu ông về Huế, giao trông coi việc đóng tàu và sửa chữa tàu. Đây chính là một phần việc ông từng đề xuất ngay khi về nước nhưng không được chấp nhận.

Ông phát huy sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được vua ban cho áo gấm có thêu hình 9 con rồng, lại sai ông chế tạo xe hơi và các đồ ngự dụng trong triều đình.

Năm 1906 ông làm Hộ lý Cục Nông Công kỹ nghệ.

Năm 1911 ông chuyển làm Hộ lý Trường Bách công. Có thể coi ông là hiệu trưởng đầu tiên của trường kỹ nghệ nước ta. Ông còn được triều đình tín nhiệm giao cho phụ trách sửa chữa các công trình trong Nội điện. Công việc hoàn thành mỹ mãn, vua thưởng cho ông 500 lạng bạc nhưng ông chỉ nhận 200 lạng đủ thanh toán tiền công cho thợ.

Năm 1915 ông phụ trách tu sửa điện Thái Hòa. Việc hoàn thành, ông được ban Nhị hạng kim khánh và được thăng Tham tri Bộ Công.

Năm 1916 (đời vua Khải Định) ông lại được thăng chức Thượng thư bộ Công.

Năm 1918 ông nghỉ hưu, mở trường dạy học ở quê. Nghỉ hưu rồi ông vẫn được vua ưu ái. Năm 72 tuổi ông còn được vua nhớ đến và mời về triều dự Chưởng yến.

Là người không có học vị, bằng cấp gì, vậy mà cụ Nguyễn Xuân Phiêu phấn đấu trở thành quan Thượng thư Bộ Công, có nhiều đóng góp thiết thực về kỹ nghệ phục vụ đất nước. Sự học của ông không câu nệ hình thức mà chủ yếu là con đường tự học, quan trọng nhất là thực học. Ông quả là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo và có lẽ hôm nay, chúng ta cũng không nên quá xem trọng bằng cấp mà phải thực tài. Điều mà chúng ta rút ra từ câu chuyện cũ nói trên, đó là việc thực học, không bằng cấp của cụ Nguyễn Xuân Phiêu còn hơn nhiều người thời nay quá sính bằng cấp mà không làm được việc trong các cơ quan nhà nước. Cứ nghĩ tới tình trạng thực chất bằng cấp bây giờ thì quả thực rất buồn.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trăm năm trước, đâu buộc phải có bằng cấp mới trọng dụng!