Thành phố Đường Sơn, trung tâm sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, đã ra lệnh kiểm soát giao thông khẩn cấp và xét nghiệm hàng loạt sau khi phát hiện 7 ca mắc COVID-19 mới tại địa phương.

TP làm thép lớn nhất Trung Quốc ngừng sản xuất, 6 quan chức cấp cao Cát Lâm mất việc

Sơn Vân | 21/03/2022, 09:46

Thành phố Đường Sơn, trung tâm sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, đã ra lệnh kiểm soát giao thông khẩn cấp và xét nghiệm hàng loạt sau khi phát hiện 7 ca mắc COVID-19 mới tại địa phương.

Văn phòng kiểm soát đại dịch của Đường Sơn cho biết tất cả các con đường trong thành phố, đường cao tốc, sẽ bị hạn chế giao thông vô thời hạn kể từ 20.3, chỉ các phương tiện như xe cứu thương, xe cứu hỏa và những phương tiện vận chuyển vật tư khẩn cấp mới được phép chạy.

Những người dân có nhu cầu đi lại do “hoàn cảnh đặc biệt” đã phải xin phép chính quyền địa phương.

Đường Sơn, thành phố 7,7 triệu dân ở tỉnh Hà Bắc, là khu vực sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc, diễn ra các đợt xét nghiệm COVID-19 hàng loạt khiến các công ty phải tạm dừng sản xuất, theo hãng tin Cailian. Trong khi một số công nhân lò cao được giữ lại, hầu hết nhân viên tại các công ty này phải về nhà cách ly.

Lệnh này được đưa ra khi Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) cho biết tổng số ca COVID-19 có triệu chứng mới lây truyền trong cộng đồng ở Trung Quốc đã giảm nhẹ xuống 1.656 từ 2.157 một ngày trước đó. Tuy nhiên, số ca COVID-19 không có triệu chứng trong cộng đồng đã tăng lên 2.177, từ 1.713 một ngày trước đó.

Trung Quốc chỉ tính các ca mắc COVID-19 có triệu chứng là trường hợp được xác nhận trong thống kê quốc gia.

tp-san-xuat-theo-lon-nhat-trung-quoc-ngung-lam-viec.jpg
Xét nghiệm hàng loạt ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, tỉnh Trung Quốc - Ảnh: Weibo

Tỉnh Cát Lâm phía đông bắc Trung Quốc lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm hơn 71% các ca COVID-19 có triệu chứng trong cộng đồng, với 833 trường hợp mới được ghi nhận ở thủ phủ Trường Xuân và 327 ca tại thành phố Cát Lâm. Tỉnh Cát Lâm đã ghi nhận 2 người chết do COVID-19 hôm 19.3. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, đây là 2 trường hợp tử vong đầu tiên do COVID-19 ở Trung Quốc kể từ 25.1.2021.

Đến nay, ít nhất 6 quan chức cấp cao của tỉnh Cát Lâm đã bị sa thải vì không kiểm soát được đợt bùng phát dịch. 8 người khác mất việc tại Thâm Quyến, trung tâm công nghệ phía nam Trung Quốc.

Các nhà chức trách trên toàn quốc đang chạy đua để ngăn chặn đợt lây nhiễm SARS-CoV-2 tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây hơn 2 năm.

24 triệu cư dân tỉnh Cát Lâm đã được lệnh phải ở nhà kể từ tuần trước, trong khi tất cả trường học ở Thượng Hải đã chuyển sang trực tuyến.

Tại Thâm Quyến, thành phố hơn 17 triệu dân giáp với Hồng Kông, lệnh phong tỏa kéo dài 7 ngày dự kiến ​​sẽ được dỡ bỏ hôm 20.3. Thế nhưng, các nhà chức trách nói sẽ gia hạn một số hạn chế COVID-19 trong 1 tuần nữa.

Chiều 20.3, văn phòng kiểm soát đại dịch của Thâm Quyến nói phương tiện giao thông công cộng, bao gồm cả tàu điện ngầm, sẽ hoạt động trở lại, nhưng quận Phúc Điền sẽ bị phong tỏa đến khi có thông báo mới.

Người dân được khuyến khích ở nhà và những người cần đi phương tiện giao thông công cộng, thăm các cơ sở công cộng hoặc đi vào các khu dân cư sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 48 giờ trước đó.

Văn phòng kiểm soát đại dịch của Thâm Quyến cho biết sau 3 vòng xét nghiệm hàng loạt, thành phố phần lớn đạt được dynamic clearance (chiến lược dựa vào chính quyền địa phương để dập tắt các đợt bùng phát dịch tại địa phương). Tuy nhiên, tình hình vẫn ở mức nguy cơ cao.

Trong tuyên bố riêng biệt, ủy ban y tế Thâm Quyến đã ghi nhận 48 ca mắc COVID-19 có triệu chứng tại địa phương cùng 17 ca không có triệu chứng, ngoài 20 trường hợp nhập cảnh, tất cả đều từ Hồng Kông.

Trong khi đó, tại khu tự trị Choang ở tỉnh Quảng Tây, người đàn ông được cho làm bùng phát dịch COVID-19 vào tháng trước đã bị bắt giữ vì cáo buộc vi phạm luật kiểm soát đại dịch, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã đưa tin.

Người đàn ông này từ Thâm Quyến trở về thành phố Bách Sắc ở Quảng Tây ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1.2022. Anh ta bị cáo buộc tham gia một số cuộc tụ tập và lây nhiễm SARS-CoV-2 cho hơn 270 người. Các báo cáo trước đó cho rằng anh đã xét nghiệm âm tính trước khi rời Thâm Quyến.

Tất cả 3,57 triệu cư dân Bách Sắc bị phong tỏa sau khi bùng phát dịch hồi tháng 2.2022, như một phần của chiến lược truy vết-xét nghiệm-cách ly nghiêm ngặt của Trung Quốc chống lại COVID-19.

Bắc Kinh đã cam kết tuân theo chiến lược dynamic zero COVID để ngăn chặn làn sóng Omicron đang lan nhanh ở đất nước.

Tại cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi các quan chức đặt kiểm soát COVID-19 là ưu tiên hàng đầu ngay cả khi phần lớn các nước trên thế giới mở cửa và sống chung với SARS-CoV-2.

Ủy ban Y tế Quốc gia đã cảnh báo chống lại sự tự mãn khi đất nước phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng trong việc ngăn chặn bệnh nhân nhập cảnh bối cảnh có sự gia tăng ca mắc COVID-19 toàn cầu được thúc đẩy bởi Omicron, biến thể có khả năng lây truyền cao nhưng gây bệnh ít nghiêm trọng hơn các chủng SARS-CoV-2 trước.

Các quan chức y tế đã nhiều lần khuyến cáo người cao tuổi đi tiêm vắc xin COVID-19. Zhang Wenhong, nhà dịch tễ học nổi tiếng ở Thượng Hải, cho biết tỷ lệ tiêm vắc xin “khá cao”, đặc biệt là ở những người lớn tuổi, sẽ là điều cần thiết nếu Trung Quốc đang tìm cách nới lỏng kiểm soát biên giới.

Không giống Mỹ, châu Âu hoặc thậm chí một số nước châu Á, nơi người cao tuổi là nhóm ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19, tỷ lệ tiêm chủng cho nhóm này vẫn ở mức thấp ở Trung Quốc, Zhang Wenhong nói.

Điều này xảy ra trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng trên toàn thế giới vì BA.2, biến thể dễ lây lan hơn BA.1 (Omicron ban đầu) và là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các ca COVID-19 gần đây ở nhiều nước, gồm cả Anh, Pháp và Đức.

Zhang Wenhong cảnh báo rằng ngay cả khi có tỷ lệ tiêm vắc xin cao và thuốc kháng vi rút tốt hơn, các quốc gia mở cửa biên giới vẫn có thể thấy sự gia tăng số ca tử vong do COVID-19.

Ông Zhang Wenhong nói: “Do tính lây lan cao của Omicron, số người chết sẽ tăng lên mặc dù tỷ lệ tử vong thấp và trên thực tế vẫn gây ra rủi ro tương đối cao”.

Mi Feng, người phát ngôn của Ủy ban Y tế Quốc gia, cho biết hơn 40% ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu đã được báo cáo ở các khu vực lân cận Trung Quốc, làm phức tạp thêm các nỗ lực trong nước để ngăn chặn vi rút.

Mi Feng nói: “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch là ưu tiên quốc gia. Kiên trì là chiến thắng".

Bài liên quan
Biến thể Omicron BA.2 lây quá nhanh, thách thức khả năng kiểm soát của Trung Quốc
Trung Quốc dường như đang gặp thách thức khó giải trong trận chiến ngăn chặn Omicron, nhưng vẫn chưa sẵn sàng bỏ chiến lược Zero-COVID

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP làm thép lớn nhất Trung Quốc ngừng sản xuất, 6 quan chức cấp cao Cát Lâm mất việc