Nhân viên y tế tại TP.HCM nghỉ việc gia tăng, trong đó có một số lượng lớn điều dưỡng. Điều lo lắng nhất chính là các sinh viên theo học ngành điều dưỡng đang ngày càng giảm mạnh. Nguy cơ TP thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực này tại các cơ sở y tế công lập.

TP.HCM thiếu trầm trọng điều dưỡng: Giải bài toán bằng cách nào?

Hồ Quang | 30/09/2022, 11:16

Nhân viên y tế tại TP.HCM nghỉ việc gia tăng, trong đó có một số lượng lớn điều dưỡng. Điều lo lắng nhất chính là các sinh viên theo học ngành điều dưỡng đang ngày càng giảm mạnh. Nguy cơ TP thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực này tại các cơ sở y tế công lập.

Người theo học điều dưỡng ngày càng giảm mạnh

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong thời gian qua, nhất là sau đại dịch COVID-19, số lượng điều dưỡng tại các bệnh viện công lập nghỉ việc rất nhiều. Theo yêu cầu, 1 bác sĩ phải có tối thiểu 3 điều dưỡng, nhưng hiện nay, tỷ lệ này ở TP chỉ từ 1,5 đến 2 điều dưỡng/bác sĩ.

tphcm-thieu-tram-trong-dieu-duong-giai-bai-toan-bang-cach-nao-hinh-anh(1).png
Nhân viên điều dưỡng tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) tiêm thuốc cho bệnh nhân - Ảnh: PV

Trong khi đó, tình hình sinh viên đăng ký theo học ngành điều dưỡng tại các trường trên địa bàn TP giảm sâu.

Cụ thể, tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trong năm năm 2021 có 2.300 người có nguyện vọng nộp đơn đăng ký học điều dưỡng thì đến năm 2022 này chỉ còn 781 người có nguyện vọng nộp đơn đơn đăng ký học điều dưỡng, giảm đến 66%.

Điều này đang “báo động đỏ” tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng vốn đang thiếu trầm trọng như hiện nay.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhân viên điều dưỡng nghỉ việc cũng như ngành điều dưỡng “mất giá”, Sở Y tế cho rằng, công việc của người điều dưỡng thường khá vất vả, áp lực công việc ngày càng cao, môi trường làm việc luôn có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, trong khi thu nhập thì thấp, không đảm bảo cuộc sống gia đình

Bên cạnh đó, các điều dưỡng trung cấp đang gặp khó khăn trong việc học tập để nâng chuẩn trình độ lên cao đẳng, đại học theo quy định của Bộ Y tế. Mặt khác, kinh phí đào tạo cho chương trình cử nhân, cao đẳng điều dưỡng đều khá cao, mỗi năm học phải mất từ 35 – 40 triệu đồng, nhưng khi ra trường, công việc vất vả, lương thấp, không có chế độ ưu đãi nên càng ngày số lượng người nộp đơn vào các trường đào tạo điều dưỡng càng giảm.

Sự thiếu hụt điều dưỡng hiện nay cộng với tình trạng nghỉ việc và người theo học ngành điều dưỡng giảm, Sở Y tế nhận định tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện sẽ càng trầm trọng hơn khi số nhân lực được tuyển dụng mới không đủ về số lượng lẫn chất lượng để bù đắp lại số đã nghỉ việc.

Cần có “trợ lý điều dưỡng” để giảm tải công việc

Để giảm quá tải, cực nhọc cho các nhân viên điều dưỡng, bà Võ Ngọc Diệp – Trưởng phòng điều dưỡng, Bệnh viện Hùng Vương đề nghị, nên bổ sung loại hình nhân viên y tế “trợ lý điều dưỡng” nhằm hỗ trợ gánh vác một phần công việc của người điều dưỡng trong công tác chăm sóc, vệ sinh người bệnh. “Tại các bệnh viện quá tải” trợ lý điều dưỡng” sẽ là cứu cánh giúp giảm tải công việc và áp lực của những điều dưỡng”, bà Diệp nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Nguyễn Cẩm Lệ - Trưởng phòng điều dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 1 mong muốn có chế độ hỗ trợ, vận động con em nhân viên y tế đăng ký theo học ngành điều dưỡng bằng cách hỗ trợ một phần học phí, bệnh viện cam kết tiếp nhận các em sau khi tốt nghiệp.

Chia sẻ về điều này, TS Trần Thị Châu – Chủ tịch Hội điều dưỡng TP.HCM, cho biết ngành y tế TP cần có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành điều dưỡng để thu hút tuyển sinh; hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao tay nghề. Đồng thời, các bệnh viện lại đặt hàng cho các trường tuyển sinh và đào tạo những nhóm nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của bệnh viện.

Theo Sở Y tế, trước tình hình biến động về nhân lực của hệ thống y tế công lập, TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành y tế như: hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP; cho phép y tế bổ sung nhân lực chuyên môn (bác sĩ, điều dưỡng) đã nghỉ hưu có nhiều kinh nghiệm và có sức khỏe tốt cho hệ thống y tế cơ sở; cho phép bổ sung chức danh bảo vệ, hộ lý cho các trạm y tế; triển khai “chương trình thí điểm thực hành lâm sàng tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế dành cho bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh đa khoa”, đảm bảo các trạm y tế được bổ sung từ 1 đến 2 bác sĩ thực hành tổng quát, bác sĩ đến thực hành tại các trạm y tế nhận được kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Thành phố.

Riêng đối với nguy cơ thiếu hụt nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện công lập, Sở Y tế cho biết đã kiến nghị UBND TP có cơ chế, chính sách giúp tăng thu nhập cho đội ngũ điều dưỡng. Trước mắt, ưu tiên giải quyết thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND cho tất cả điều dưỡng đang công tác tại các cơ sở y tế công lập thuộc TP, bao gồm cả diện hợp đồng chuyên môn.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng kiến nghị UBND TP có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 1.1.2026; gia hạn thời gian chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với những trường hợp đã được tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 31.12.2030. Đồng thời cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe tiếp tục đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp để làm những công việc không đòi hỏi chuyên môn cao.

Bài liên quan
Du lịch TP.HCM thu về hơn 173.500 tỉ đồng trong 11 tháng năm 2024
Sở Du lịch TP.HCM vừa có báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu về du lịch TP.HCM tháng 11 và 11 tháng năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM thiếu trầm trọng điều dưỡng: Giải bài toán bằng cách nào?