TP.HCM muốn bảo tồn nguyên trạng 2 nhịp cầu (trong đó có 1 nhịp quay) và 1 tháp canh phía quận Thủ Đức của cầu Bình Lợi. Việc này nhằm để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch.

TP.HCM muốn ‘giải cứu’ cầu Bình Lợi gần 120 tuổi

Phan Thị Diệu | 06/08/2019, 14:51

TP.HCM muốn bảo tồn nguyên trạng 2 nhịp cầu (trong đó có 1 nhịp quay) và 1 tháp canh phía quận Thủ Đức của cầu Bình Lợi. Việc này nhằm để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch.

Ngày 6.8, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận phương án bảo tồn nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi.

Cụ thể, TP.HCM muốn bảo tồn nguyên trạng 2 nhịp cầu (trong đó có 1 nhịp quay) và 1 tháp canh phía quận Thủ Đức. Việc này nhằm lưu giữ lại dấu tích của cầu đường sắt Bình Lợi gắn với không gian sông nước, để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch.

Đối với các kết cấu cầu Bình Lợi đề nghị bảo tồn, TP.HCM sẽ bố trí nguồn kinh phí thực hiện công tác bảo tồn và phân cấp cho cơ quan, đơn vị có chức năng thực hiện việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng, vận hành khai thác.

Bộ Giao thông vận tải cần bàn giao lại cho TP.HCM quản lý phạm vi khu vực cầu đường sắt Bình Lợi cũ (phía bờ quận Bình Thạnh) sau khi hoàn thành tháo dỡ công trình để nghiên cứu xây dựng bến thủy nội địa phục vụ giao thông vận tải bằng đường thủy.

Trước mắt, trong thời gian chờ phân cấp cho đơn vị chức năng thực hiện quản lý, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ làm đầu mối, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện đầy đủ các thủ tục để tiếp nhận quản lý các hạng mục bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi nói trên.

Cầu sắt Bình Lợi (nối quận Thủ Đức với quận Bình Thạnh) là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn. Cầu dài 275 m gồm 6 nhịp với với kết cấu vòm thép được xây dựng hoàn thành vào tháng 2.1902. Ngoài phục vụ đường sắt còn có đường bộ dành cho xe 2 bánh.

Cầu có kết cấu vòm thép, các thanh thép liên kết bằng đinh tán rivê. Bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh có một tháp canh. Trên vách tường hướng ra bờ sông còn rõ ô đắp chữ nổi "Binh Loi Octobre 1948" (Bình Lợi, tháng 10.1948).

Theo Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM, cầu đường sắt Bình Lợi có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển Sài Gòn - TP.HCM và của ngành đường sắt Việt Nam. Do đó, việc bảo tồn nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi (gồm phần đầu cầu và một nhịp cầu quay tiếp giáp bờ sông Sài Gòn thuộc quận Thủ Đức) và một tháp canh (bờ sông quận Thủ Đức) là cần thiết.

Những năm trở lại đây, giao thương đường thủy phát triển, các tàu thuyền chở hàng hóa từ sông Sài Gòn hướng đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… ngày một lớn trong khi tĩnh không cầu thấp khiến tàu thuyền qua lại khó khăn. Trước tình hình trên, năm 2015, TP.HCM đã trình Chính phủ dự án “cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc”. Dự án này gồm 2 hạng mục chính là xây mới cầu đường sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền và nạo vét luồng sông Sài Gòn.

Tổng mức đầu tư của dự án là 1.300 tỉ đồng, chi phí xây dựng trên 838 tỉ đồng, được thực hiện theo hợp đồng BOT. Trong đó, phần quan trọng nhất là thi công mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu hiện nay từ 1,5m lên 7m. Sau khi công trình hoàn thành sẽ cho phép sà lan trên 300 tấn lưu thông từ Bình Dương về các cảng ở TP.HCM, giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

Dự kiến, vào cuối tháng 8.2019, cầu sắt Bình Lợi mới sẽ thông xe tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam, giúp tàu bè có trọng tải lớn lưu thông thuận lợi từ TP.HCM đi Bình Dương, Bình Phước.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM muốn ‘giải cứu’ cầu Bình Lợi gần 120 tuổi