Trong tuần qua, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM như: COVID-19, sốt xuất huyết, sởi… tăng cao, trong đó bệnh COVID-19 tăng hơn 20%, bệnh sởi tăng cao gấp 2 lần, bệnh sốt xuất huyết tăng hơn 17%...
Thông tin Y học

TP.HCM: Hàng loạt dịch bệnh truyền nhiễm bất ngờ gia tăng

Hồ Quang 22/08/2024 20:30

Trong tuần qua, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM như: COVID-19, sốt xuất huyết, sởi… tăng cao, trong đó bệnh COVID-19 tăng hơn 20%, bệnh sởi tăng cao gấp 2 lần, bệnh sốt xuất huyết tăng hơn 17%...

Bệnh COVID-19 tăng 20%

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) trong tuần qua - tuần thứ 33 (từ ngày 12.8 đến 18.8), TP.HCM ghi nhận 3 ca mắc mới COVID-19, tăng 20% so với trung bình 4 tuần trước (3 ca). Tuần 33 không ghi nhận ca nặng.

tphcm-hang-loat-dich-benh-truyen-nhiem-bat-ngo-gia-tang-hinh-anh.png
Bệnh nhi mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM ) - Ảnh: PV

Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến tuần 33, số ca mắc tích lũy là 459 ca, giảm 88,1% so với cùng kỳ năm 2023 (3.849 ca). Trong đó có 15 ca nặng và chưa ghi nhận ca tử vong do COVID-19.

Tại TP, biến thể gần đây nhất được ghi nhận và theo dõi là JN.1 (biến thể thuộc nhóm đáng quan tâm theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới) và chưa ghi nhận thêm biến thể mới xuất hiện.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc HCDC hiện bệnh COVID-19 trên thế giới đang gia tăng, nhất là tại Hàn Quốc. Tại TP.HCM, bệnh COVID-19 vẫn đang trong tầm kiểm soát, chưa có biến chủng mới mà các nước trên thế giới có nhưng vẫn chưa thể nói trước điều gì.

“Ngành y tế TP sẽ thực hiện các giải pháp như theo dõi sát số trường hợp mắc COVID-19 nhập viện, số trường hợp nặng phải nhập khoa hồi sức cũng như tiếp tục giám sát các biến thể COVID-19. Đồng thời, các bệnh viện sẽ luôn trong tình trạng sẵn sàng để tiếp nhận và điều trị các trường hợp COVID-19 cần nhập viện theo các tình huống giả định và kịch bản ứng phó”, ông Tâm cho biết.

Ông Tâm khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng như: đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi tập trung đông người…, hoặc khi có triệu chứng hô hấp; thường xuyên rửa tay và tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; tiêm vắc xin phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế; thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở… “Người cao tuổi, có bệnh lý nền, thai phụ … khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời”, ông Tâm nói.

Bệnh sởi tăng gấp đôi

Trong khi đó, các dịch bệnh truyền nhiễm khác như: sởi, đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, tay chân miệng… trong tuần qua cũng đang gia tăng.

Cụ thể, trong tuần qua, TP ghi nhận 299 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 17,8% so với trung bình 4 tuần trước (254 ca). Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 33 là 5.753 ca.

Số ca sốt phát ban nghi sởi là 100 ca, tăng hơn gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước. Cụ thể, trong 100 ca sốt phát ban nghi sởi có 17 ca xác định phòng thí nghiệm (17%), 61 ca lâm sàng (61%) và 22 ca loại trừ (22%). Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến hết ngày 21.8.2024 là 353 ca trong đó có 188 ca xác định phòng thí nghiệm, 165 ca lâm sàng.

“So sánh với tuần 24, số ca sởi ghi nhận trong tuần 33 tăng gấp 4,3 lần (tuần 24 có 18 ca sởi trong đó 7 ca dưới 9 tháng, 10 ca từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi và 1 ca trên 5 tuổi). Bên cạnh đó, bệnh có sự dịch chuyển từ trẻ thuộc độ tuổi tiêm chủng (9 tháng đến dưới 5 tuổi) sang trẻ chưa đủ tuổi tiêm chủng (dưới 9 tháng tuổi) và trẻ trên 5 tuổi”, ông Tâm cho biết.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo tất cả các đơn vị y tế triển khai kiểm soát dịch sởi trong cộng đồng gồm các hoạt động như: giám sát phát hiện và khoanh vùng sớm ổ dịch sởi; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động tiêm chủng, rà soát lập danh sách trẻ để mời tiêm chủng vắc xin sởi, đảm bảo tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin an toàn, hiệu quả, nâng tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi cho trẻ em từ 1 tuổi đến 5 tuổi đạt trên 95%.

Ngoài ra, bảo vệ các trẻ em thuộc nhóm nguy cơ mắc sởi nặng gồm các hoạt động như rà soát và tổ chức tiêm chủng tại bệnh viện cho các trẻ này; tập huấn chỉ định dự phòng sau phơi nhiễm cho trẻ; tăng cường công tác phân luồng, kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện.

84% bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ do quan hệ đồng giới nam

Đối với bệnh Mpox (bệnh đậu mùa khỉ) theo HCDC trong năm 2023-2024 TP ghi nhận 156 ca mắc, 6 ca tử vong, cao nhất tại khu vực phía nam. Riêng năm 2024, TP có 49 ca bệnh đậu mùa khỉ, không có ca tử vong.

“Toàn bộ các ca mắc đậu mùa khỉ tại TP.HCM đều là nam giới, tuổi trung bình là 32 tuổi (nhỏ nhất là 18 tuổi và lớn nhất là 53 tuổi). Độ tuổi ghi nhận nhiều nhất là 30 – 39 tuổi (46%), trong đó có 84% ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đáng lưu ý có 55% là người sống chung với HIV và 7% đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV”, ông Tâm thông tin.

Theo ông Tâm hiện nay bệnh đậu mùa khỉ tại TP vẫn đang được kiểm soát thông qua các hoạt động giám sát chủ động tại cửa khẩu và cộng đồng. Thành phố chưa ghi nhận thay đổi về dịch tễ học của bệnh. Dòng vi rút gây bệnh hiện vẫn là clade IIb, là dòng gây dịch cho các nước trên thế giới, chưa phát hiện clade Ib (là dòng mới của Mpox). Dịch vẫn lây chủ yếu trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới hoặc lưỡng tính, qua hành vi quan hệ tình dục không an toàn.

Ngành y tế TP vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống dịch bệnh, thực hiện giải trình tự gen một số mẫu bệnh phẩm để giám sát sự biến đổi của vi rút gây bệnh. Đồng thời, tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu; giám sát chủ động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, lưu ý lồng ghép giám sát, dự phòng với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh Mpox. Rà soát cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng, chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch.

“Biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ tốt nhất là thực hành quan hệ tình dục an toàn. Ngoài ra, người dân che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh…”, ông Tâm khuyến cáo.

Bài liên quan
TP.HCM trước nỗi lo dịch bệnh truyền nhiễm trong trường học
Ngày 19.10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong trường học.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Hàng loạt dịch bệnh truyền nhiễm bất ngờ gia tăng