Tổng thống Joko Widodo nói chiến tranh tại Ukraine phải kết thúc, vì nó làm tăng vọt giá lương thực và nhiên liệu, điều đó gây nguy hiểm cho các nước đang phát triển như Indonesia.

Tổng thống Indonesia: Chiến tranh tại Ukraine gây nguy hiểm cho các nước đang phát triển

Bảo Vĩnh | 20/06/2022, 11:32

Tổng thống Joko Widodo nói chiến tranh tại Ukraine phải kết thúc, vì nó làm tăng vọt giá lương thực và nhiên liệu, điều đó gây nguy hiểm cho các nước đang phát triển như Indonesia.

Trả lời phỏng vấn của kênh CNBC, nhà lãnh đạo Indonesia nói: “Điều quan trọng nhất làm tôi lo ngại là giá cả lương thực. Vì thế, chúng ta mong muốn cuộc chiến ở Ukraine kết thúc, giải quyết thông qua đàm phán và đối thoại để chúng ta có thể tập trung vào vấn đề kinh tế. Nếu không, cuộc chiến đó sẽ không bao giờ kết thúc, và điều đó nguy hiểm cho các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển".

widodo.jpg
Tổng thống Widodo (bìa phải) trong chuyến thăm Nhà Trắng hồi tháng 5 - Ảnh: Getty Images

Tổng thống Indonesia sắp tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 do Đức tổ chức từ ngày 26 đến 28.6 tới. Hãng thông tấn TASS của Nga tuần trước đưa tin ông Widodo sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 30.6.

Ông Widodo giải thích: “Sau hội nghị các nước phát triển G7, tôi sẽ thăm nhiều quốc gia có liên quan vấn đề lương thực”, nhưng ông từ chối cho biết liệu ông sẽ thăm Nga hay Ukraine, vốn là hai nước sản xuất, xuất khẩu lúa mạch lớn nhất thế giới.

Indonesia là chủ tịch nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) trong năm nay, nên sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali trong hai ngày 15 - 16.11. Dù có những kêu gọi gạt Nga khỏi G20, Indonesia đã mời Tổng thống Putin đến dự hội nghị thượng đỉnh này. Ông Widodo cũng mời Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine. Hai nhà lãnh đạo Nga vàUkraine đã nhận lời mời.

Nga là thành viên G20 nhưng Ukraine thì không. Ông Widodo giải thích lý do mời ông Zelensky đến Bali: “Có một vấn đề ở đây, đó là cuộc chiến ở Ukraine. Trong nhóm G20, chúng ta cần mời Ukraine đến dự để chúng ta có thể giải quyết vấn đề này”.

Hồi tháng 4 có tin nhà lãnh đạo Indonesia từ chối lời đề nghị cung cấp vũ khí cho Ukraine của ông Zelensky, và Indonesia chỉ đồng ý viện trợ nhân đạo. Theo CNBC, Indonesia nói việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine là “không thể chấp nhận được”, nhưng không gọi Moscow là phe xâm lược.

Chiến tranh tại Ukraine đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến giá lương thực tăng cao trên toàn cầu. Chương trình lương thực Liên Hợp Quốc đã cảnh báo một hậu quả của cuộc chiến, có thể 323 triệu người phải đối mặt với sự bất ổn lương thực nghiêm trọng trên thế giới (hiện là 276 triệu người).

Theo CNBC, hiện Mỹ và Trung Quốc tranh giành ưu thế ở khu vực Đông Nam Á, với Mỹ gọi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “trung tâm của một chiến lược lớn của Mỹ”, trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông.

Khi được hỏi liệu Indonesia có bị kẹt trong cuộc tranh chấp địa chính trị Mỹ - Trung hay không, Tổng thống Widodo nhấn mạnh Indonesia là “bạn thân” của cả Mỹ lẫn Trung Quốc, quan hệ thương mại của Indonesia với hai nước này vẫn tốt, và Mỹ - Trung đều là đối tác chiến lược của Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Quan hệ thương mại Mỹ - Indonesia đạt hơn 37 tỉ USD trong năm 2021, trong khi quan hệ thương mại song phương ở mảng dịch vụ ước tính đạt 2, 4 tỉ USD hồi năm 2020, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, ước tính đạt 124,34 tỉ USD trong năm 2021, theo Sứ quán Indonesia ở Trung Quốc dẫn số liệu thuế quan Trung Quốc.

Liên quan khối liên minh chiến lược Bộ tứ kim cương (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) hoặc thỏa thuận an ninh-hạt nhân AUKUS (Úc ký với Mỹ và Anh năm 2021) có nguy cơ chọc tức Trung Quốc, Tổng thống Indonesia cho biết: “Chúng tôi không muốn khu vực của chúng tôi trở thành nơi tranh chấp giữa các nước lớn. Chúng tôi muốn khu vực này hòa bình để chúng tôi có thể xây dựng đất nước và đạt đến thịnh vượng kinh tế. Chưa nói đến chiến tranh, sự tranh chấp sẽ không đem lại lợi ích cho bất kỳ nước nào”.

Về việc Úc quyết định mua tàu ngầm chạy bằng hạt nhân theo tinh thần thỏa thuận AUKUS, Indonesia bày tỏ “quan ngại sâu sắc về cuộc chạy đua vũ trang tiếp diễn và phô trương quyền lực trong khu vực”.

Khi được hỏi liệu quan hệ Indonesia - Úc sẽ không tốt do AUKUS, Tổng thống Widodo nói: “Quan trọng nhất, chúng tôi muốn Indonesia và Úc có quan hệ tốt hơn trong tương lai, trong đầu tư, thương mại và các lĩnh vực khác”.

Bài liên quan
Thủ tướng Anh vừa tới Kyiv lo chuyện Ukraine, người dân trong nước đã biểu tình vì lạm phát cao
Trong lúc Thủ tướng Anh Boris Johnson đang mải mê với việc duy trì ở châu Âu thì tình hình trong nước lại không ổn lắm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
3 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Indonesia: Chiến tranh tại Ukraine gây nguy hiểm cho các nước đang phát triển