Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Sắp tới các ban của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải gương mẫu, phải rất thẳng thắn, mạnh dạn và nhìn nhận nếu không tinh gọn bộ máy thì không thể phát triển được”.
Thành phố Huế phải trở thành một cực tăng trưởng của khu vực
Ngày 31.10, phát biểu tại tổ về đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng bộ máy nhà nước bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phát biểu định hướng một số nội dung liên quan đến tờ trình của Chính phủ về đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết nội dung này đã có quá trình chuẩn bị rất lâu.
Theo đó, trung ương đã bàn bạc và thống nhất cho rằng, quan trọng nhất là có đủ các căn cứ và tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương. Nhà nước cũng phải tính toán cơ cấu vùng, khu vực để thành phố Huế trở thành một cực tăng trưởng của khu vực.
“Hiện nay, chúng ta có 5 thành phố trực thuộc trung ương, nếu Quốc hội thông qua đề án này sẽ có 6 thành phố trực thuộc trung ương. Các thành phố này đều đóng vai trò dẫn đầu trong phát triển kinh tế - xã hội”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến tiêu chí rất quan trọng là triển vọng phát triển, khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương, thành phố Huế cần có cơ chế đặc thù, đặc biệt để phát triển đi đầu và dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội.
Về mục tiêu phát triển, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng cần quan tâm đến sự phát triển bền vững và hài hòa.
Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu thống nhất cho rằng thành phố Huế đủ điều kiện trở thành thành phố trực thuộc trung ương, nhưng còn một số hạn chế cần tiếp tục tìm giải pháp để hoàn thành các tiêu chí như quy hoạch, dân số, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa… để thành phố Huế thể hiện rõ vai trò dẫn đầu, là một cực tăng trưởng, cực đổi mới sáng tạo.
Các chính sách đặc thù được nêu trong đề án cũng nhằm điều kiện để đầu tư đổi mới sáng tạo, là những bước đi ban đầu thử nghiệm những chính sách mới, nếu làm tốt sẽ nhân rộng ra cả nước…
Chi thường xuyên, trả lương cao, chi đầu tư thấp
Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư cho biết có một số đại biểu quốc hội bày tỏ băn khoăn về mô hình chính quyền đô thị, bộ máy quản lý nhà nước làm sao hiệu lực, hiệu quả.
Tổng Bí thư khẳng định đây là vấn đề rất lớn, trung ương đang tập trung bàn thảo làm sao tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước; không hình thức để đảm bảo đúng thực chất, áp dụng không chỉ cho thành phố Hải Phòng mà của cả nước.
Tổng Bí thư cho hay Nghị quyết số 17-NQ/TW về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đã đánh giá, bộ máy quản lý nhà nước còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp và tinh gọn.
“Thời gian qua, chúng ta mới sáp nhập từ dưới lên, xã, huyện, một số bộ, ngành, vụ, cục, tổng cục. Trung ương tinh gọn thì địa phương sẽ tinh gọn, cách thức tiến hành như thế nào, đây là vấn đề rất lớn, phải tính đến”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: “Sắp tới các ban của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải gương mẫu, phải rất thẳng thắn, mạnh dạn và nhìn nhận nếu không tinh gọn bộ máy thì không thể phát triển được”.
Lấy dẫn chứng cho vấn đề này, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết khoảng 70% ngân sách dùng để chi trả lương, chi thường xuyên, như vậy tỷ lệ ngân sách dành cho chi đầu tư phát triển thấp. Trong khi các quốc gia khác chi trên 40% ngân sách cho trả lương và dành trên 50% ngân sách chi cho quốc phòng - an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội…
“Vì sao không thể tăng lương được, là vì tăng lương, ngân sách chi cho trả lương sẽ tăng lên đến 80 - 90%, không còn tiền ngân sách để cho các hoạt động khác”, Tổng Bí thư nói và đề nghị cần phải nhìn vào thực chất để tiếp tục tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tổng Bí thư nêu thực tế, có nhiều bộ ngành bộ máy tổ chức cồng kềnh, không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, dẫn tới cơ chế xin-cho làm mất thời gian của người dân và doanh nghiệp. Do đó, cần phân cấp, phân quyền, địa phương chịu trách nhiệm và những quan điểm này đã được cụ thể hóa thành chính sách, pháp luật, cần triển khai trong thực tiễn cuộc sống.