Khi một đứa bé năm tuổi dũng mãnh bước đi vào ngày đầu tiên tới lớp mẫu giáo, nó sẽ mang theo trong mình khoảng 25.000 giờ các băng ghi hai mặt. Một mặt là Cái Tôi Cha Mẹ của nó. Mặt kia là Cái Tôi Trẻ Em.

Tôi ổn – Bạn ổn: Giải quyết cảm giác Không Ổn cho trẻ trong độ tuổi đến trường

H.V | 20/09/2022, 19:19

Khi một đứa bé năm tuổi dũng mãnh bước đi vào ngày đầu tiên tới lớp mẫu giáo, nó sẽ mang theo trong mình khoảng 25.000 giờ các băng ghi hai mặt. Một mặt là Cái Tôi Cha Mẹ của nó. Mặt kia là Cái Tôi Trẻ Em.

Nó cũng có một chiếc máy tính có thể tắt các phản ứng và cho ra hàng ngàn ý tưởng tuyệt vời, nếu nó không hoàn toàn bị cuốn vào việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ cảm giác Không Ổn.

Nơi người giỏi sẽ giỏi hơn và người dở sẽ thành dở hơn

Một đứa trẻ “sáng sủa” là đứa trẻ đã học được cách sử dụng và tin tưởng Cái Tôi Người Lớn của mình và biết rằng Cái Tôi Cha Mẹ của nó ỔN, chúng sẽ duy trì thái độ như vậy ngay cả trong những lúc nó cảm thấy không ỔN. Đứa trẻ sẽ học được tài khéo léo dàn xếp của Cái Tôi Người Lớn, nó sẽ có sự tự tin, thứ được phát triển từ việc giải quyết thành công vấn đề, và nó sẽ cảm thấy tốt đẹp về bản thân.

Ở thái cực ngược lại là một đứa trẻ nhút nhát, người có 25.000 giờ băng ghi luôn phát lại dữ liệu hỗn độn của sự giám sát và chỉ trích chói tai, tạo ra nhịp điệu lặp đi lặp lại đều đều, KHÔNG ỔN, KHÔNG ỔN, KHÔNG ỔN. Đứa trẻ cũng có một máy tính tuyệt vời nhưng không được sử dụng nhiều.

Nếu đứa trẻ không thể sử dụng “chiếc máy tính” của mình, nhiều khả năng là vì nó chưa bao giờ nhìn thấy một người nào đó sử dụng, hoặc đã không có ai giúp nó học cách sử dụng. Nếu đứa trẻ học kém ở trường, nó sẽ bộc lộ sự than phiền về sự hạn chế của bản thân: “Tôi thật là ngu ngốc”, còn tuyên bố của cha mẹ nó sẽ là: “Nó đã không thể hiện hết tiềm năng của mình”. Vấn đề cơ bản là mức độ nghiêm trọng của vị thế TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN. Trường học là nơi mà xét về mặt học thuật thì “người giỏi sẽ thành giỏi hơn và người dở sẽ thành dở hơn”, trừ khi có những giáo viên thật sự có năng lực.

307126767_576446284229878_3522452497634090370_n.jpg

Ở một đứa trẻ thể hiện những vấn đề rõ ràng với trường học – hành vi phá hoại, trạng thái mơ màng, thành tích kém – ta có thể tin chắc rằng vị thế TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN là mối bận tâm xuyên suốt của nó.

Trường học là một môi trường cạnh tranh với quá nhiều mối đe dọa đối với Cái Tôi Trẻ Em, và ngay từ đầu đã có quá ít cơ hội cho những thành tựu để làm giảm thiểu cảm giác Không Ổn ở đứa trẻ.

Những năm học đầu tiên có thể là sự khởi đầu của một mô hình các tương giao mang tính kiểm tra định kỳ, mà theo cảm nhận của đứa trẻ là sự nhấn mạnh vị thế Không Ổn của nó, với sự góp sức của cảm giác vô tích sự và tuyệt vọng. Khía cạnh thật sự cấp bách của tình huống này là tất cả đời sống đều có tính cạnh tranh, bắt đầu từ đời sống trong gia đình và trải rộng đến toàn bộ đời sống trường học và thế giới trưởng thành của đời sống xã hội.

Các cảm xúc và kỹ thuật liên quan đến việc đương đầu với vị thế Không Ổn mà những đứa trẻ đã thiết lập trong môi trường gia đình và trường học có thể tồn tại xuyên suốt đến những năm trưởng thành và có thể phủ nhận những thành quả cùng sự hài lòng dựa trên ý thức chân chính về tự do định hướng số phận mình.

Giáo dục hành vi qua mô hình P-A-C

Lời khuyên của tôi dành cho các bậc cha mẹ có con đang gặp khó khăn trong trường học là hãy học về mô hình P-A-C, tức là mô hình Cái Tôi Cha Mẹ (P – Parent) - Cái Tôi Người Lớn (A - Adult) và Cái Tôi Trẻ Em (C - Child) một cách nghiêm túc và bắt đầu xử lý các tương giao với con cái dưới dạng Cái Tôi Người Lớn – Cái Tôi Người Lớn, nếu cần hãy tìm đến sự hỗ trợ của trị liệu. Họ phải luôn ghi nhớ ảnh hưởng to lớn của cảm giác Không Ổn.

Nguyên tắc là: Khi hoài nghi, hãy vỗ về. Điều này sẽ giúp đứa trẻ đang sợ hãi, lo lắng cảm thấy được xoa dịu trong khi Cái Tôi Người Lớn tiếp tục đương đầu với thực tế của tình huống. Tuy nhiên, thường thì những thực tế này không được làm rõ cho đứa trẻ. Tiến sĩ Warren Prentice, Giáo sư Giáo dục tại Đại học Sacramento State và là thành viên của Hội đồng Viện Nghiên cứu Phân tích Tương giao đưa ra giả thuyết là khi một đứa trẻ mang về nhà một bảng điểm ghi “cố gắng hơn nữa” nó sẽ hiểu thông điệp này như một tuyên bố chung là BẠN KHÔNG ỔN.

Điều đứa trẻ cần biết là “cố gắng cái gì hơn nữa”. Còn lời phê “quá chậm” sẽ bao hàm câu hỏi “nhanh như thế nào mới phải?”. Prentice cho rằng đứa trẻ cần phải được giúp đỡ để xác định những lĩnh vực mà nó đang hoặc có thể làm tốt, và điều này không thể được thực hiện bằng một bài kiểm tra viết, vì chính phương tiện này gợi lên băng ghi cũ: “Mình không làm được, vậy còn cố gắng làm gì?”.

Việc đó được thực hiện bằng cách lắng nghe và trò chuyện với đứa trẻ. Ông nói, nếu một đứa trẻ đang gặp khó khăn trong trường học thì thật vô nghĩa khi giả định rằng một kỳ học hè hay kỳ nghỉ cuối tuần với mọi thứ chẳng có gì khác có thể giúp được nó, trừ khi có một vấn đề đặc biệt được tách ra và giải quyết. Cái Tôi Cha Mẹ nói “Hãy làm nhiều hơn nữa” thì Cái Tôi Người Lớn sẽ hỏi “Làm cái gì nhiều hơn nữa?”.

306508749_385632670270027_1176616074054067649_n.jpg

Sau một bài nói chuyện về Phân tích Tương giao cho một nhóm các nhà giáo dục, tôi được nghe rằng “Chúng ta phải đưa nó vào trường học”. Tôi hoàn toàn đồng ý. Nhiều phụ huynh cũng đồng ý. Trong số 66 phụ huynh được hỏi, có đến 94% phụ huynh tán thành đưa chương trình Phân tích Tương giao vào trường trung học phổ thông và 85% muốn nó được dạy ở trường trung học cơ sở và tiểu học.

Giáo dục được dự báo là phương thuốc tốt nhất cho các căn bệnh của thế giới. Tuy nhiên, những căn bệnh đó đều gắn chặt với hành vi. Do đó, giáo dục hành vi thông qua một hệ thống dễ hiểu như mô hình P-A-C có lẽ là điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm để giải quyết những vấn đề đang bao vây, đe dọa hủy diệt chúng ta. Những nhiệm vụ liên quan gần như vẫn vượt tầm hiểu biết, nhưng theo một cách nào đó, tại một số thời điểm, chúng ta phải tiến hành một kiểu cắt đứt nào đó với cuộc hành quân không nao núng của các thế hệ hướng đến sự điên rồ hoặc các hình thức tự hủy khác, những thứ vốn bắt nguồn từ thời thơ ấu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tôi ổn – Bạn ổn: Giải quyết cảm giác Không Ổn cho trẻ trong độ tuổi đến trường