Nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum nhường đất cho các dự án thủy điện, phải rời bỏ nương rẫy, mất đất canh tác, kể cả một phần văn hóa bản địa.
Viễn cảnh cuộc sống tái định cư tươi đẹp chỉ là cam kết trên giấy đối với nhiều buôn làng do chủ đầu tư, các cơ quan liên quan đẩy dân, chính quyền địa phương vào thế khó. Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội sau thị sát nhấn mạnh: Sẽ kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ và truy cứu trách nhiệm.
Tha hương làm thuê
70 hộ dân người Xê Đăng, làng Đắk Tăng, xã Đắk Tăng (huyện Kon Plông, Kon Tum) phải di dời và nhường nương rẫy cho dự án Thủy điện Thượng Kon Tum. Nơi ở mới, họ nhận được ít đất ở, đủ xây căn nhà nhỏ và 1 sào đất ruộng bạc màu không thể canh tác, khốn khó bủa vây.
Anh A Dép (làng Đắk Tăng) ngao ngán: “Thiếu đất nương rẫy, nhiều người phải lưu lạc đi làm thuê kiếm sống, sinh tồn. Khu rẫy cũ, tôi nuôi đủ cả gia đình, giờ tại khu mới không trồng được cây gì”. Cách đó không xa, 88 hộ dân ở làng Vương và làng Xô Luông, xã Đăk Nên (huyện Kong Plông, Kon Tum) nhường đất cho Thủy điện Đăk Đrinh và được “cam kết” được cấp lại 1 ha đất/hộ. Thủy điện đã vận hành gần 5 năm, nhưng dự án cấp 88ha đất rẫy cho bà con vẫn chưa thấy đâu. Nguyên do cũng chỉ vì Cty thủy điện Đăk Đrinh chưa có vốn bố trí.
Ông Đặng Thanh Nam - Phó Chủ tịch huyện Kon Plông (Kon Tum) - cho biết, chủ đầu tư Thủy điện Đăk Đrinh còn nợ huyện 85 tỉ đồng tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cũng như tái định cư, định canh. “Người dân đến nơi mới chưa được hỗ trợ, chưa có đất sản xuất thì họ rất bức xúc. Thủy điện đẩy địa phương vào thế khó, bởi chủ đầu tư và các bộ, ngành không xem xét giải quyết thì dễ mất an ninh trật tự, gây thêm khó khăn cho địa phương”,ông Nam bức xúc.
Người dân buôn Jú, xã Krông Năng, huyện Krông Pa (Gia Lai) cũng đang quay quắt thiếu ăn, thiếu đói vì nhường đất cho dự án thủy điện Sông Ba Hạ. Chủ tịch huyện Krông Pa (Gia Lai) - Tô Văn Chánh nói, thủy điện Sông Ba Hạ khiến 1.800ha đất bị thu hồi, bình quân, mỗi hộ phải “hy sinh” 4ha đất sản xuất.
“Do thiếu đất, thiếu các hạng mục thủy lợi, đời sống của bà con gặp muôn vàn khó khăn”,ông Chánh nói.
Người dân xã Krông Năng (huyện Krông Pa) chỉ được nhận tiền đền bù chứ không được bố trí đất sản xuất.
“Sống gắn bó với nông nghiệp nhưng lại thiếu đất là nguyên nhân dẫn tới Krông Năng thuộc diện xã nghèo nhất huyện và tỉnh. Bí bách quá thì đi làm thuê, số khác phát rừng làm rẫy” - Phó Chủ tịch UBND xã Krông Năng - ông Nông Đức Công lắc đầu.
Chỉ còn cách kiến nghị Thủ tướng
Toàn Tây Nguyên có khoảng 190 công trình thủy điện, đồng nghĩa, số hộ phải di dời lên đến hàng nghìn và số buôn làng phải xóa sổ, để chuyển nơi ở mới là hàng trăm. Tại Kon Tum, có khoảng 6.000 hộ dân với hơn 27.000 nhân khẩu đã phải di chuyển, dời đến các khu tái định cư để nhường đất cho nhiều dự án thủy điện.
Thị sát các dự án tái định cư thủy điện tại Tây Nguyên, Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế. Theo ông Nguyễn Mạnh Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội: “Khu vực núi mà xây tái định cư là kiểu “nhà phố”, tư liệu sản xuất của họ ở rất xa, nương rẫy ở xa. Nhà ở theo kiểu phố 400m2 hoặc 200m2 thì rất chật chội và không phù hợp với văn hóa của người dân”.
Ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội - cho biết, sẽ có ý kiến với Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan để xử lý, tháo gỡ. “Hội đồng Dân tộc sẽ theo sát việc này, đánh giá, làm rõ trách nhiệm các bên. Để thảm trạng trên xảy ra, đó là liên quan đến trách nhiệm, thậm chí làm khó tỉnh” - ông Thành ý kiến.
Tại Tây Nguyên, người dân sẵn sàng nhường đất cho các dự án. Ngỡ rằng đời sống sẽ khá hơn, hoặc ít ra cũng ngang bằng, thì nhiều buôn làng đang đối diện với thiếu đói. Công trình ánh sáng nhưng cuộc sống người dân vì dự án lại “tối mặt” vì mất sinh kế.
Theo Đình Văn (Lao Động)