Liên quan đến việc Hà Giang cấp sổ đỏ khu dinh thự họ Vương (Sa Phìn) cho Phòng văn hóa thông tin huyện Đồng Văn khiến người nhà họ Vương phản đối, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam về vấn đề này.
- Thưa ông, khu nhà Vương (vốn thuộc sở hữu của vua Mèo Vương Chí Sình (Hà Giang), sau thừa kế cho các con) được công nhận Di tích Kiến trúc nghệ thuật, tuy nhiên, hiện sổ đỏ khu dinh này lại được cấp cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn. Dưới góc độ pháp luật, ông nhìn nhận việc này thế nào? Theo ông, Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn có đủ tư cách pháp nhân để đứng tên sở hữu không?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Tôi thấy câu chuyện này như một sự kiện hy hữu, tức nó xảy ra ngoài khuôn khổ thực tế thông thường và cả ngoài sự tưởng tượng của con người trong một xã hội có kỷ cương và pháp luật.
Đây không chỉ là vi phạm, mà vấn đề trước hết ở chỗ nó bộc lộ sự hạn chế về trình độ nhận thức pháp luật, ở mức độ rất sơ đẳng, cũng như coi thường quyền của người dân và xảy ra ở cấp uỷ ban tỉnh.
Làm sao mà các cán bộ, công chức nhà nước lại không phân biệt nổi hai phạm trù quản lý hành chính về di sản văn hoá và quyền sở hữu tài sản về dân sự?
Logic của cách hành xử này có lẽ rất thô sơ: Tôi là chính quyền, thấy tài sản của anh có giá trị cần quan tâm vì lợi ích chung, tôi công nhận và biến nó thành của tôi. Còn một logic ngược lại của cách hành xử văn minh phải là: Tôi là chính quyền, thấy cái tài sản của anh có giá trị cần quan tâm vì lợi ích chung, tôi công nhận và có trách nhiệm giúp anh bảo vệ nó.
Tóm lại, nói theo ngôn ngữ luật pháp, UBND tỉnh Hà Giang đã vi phạm cùng một lúc cả luật hành chính và luật dân sự, đặc biệt Luật Di sản văn hoá và Luật Đất đai.
Còn sự việc Phòng văn hóahuyện đứng tên Sổ đỏ thì xin thưa, có thể nói ngay là cơ quan này vừa không có tư cách pháp nhân, vừa không có thẩm quyền.
- Thưa ông, theo quy định của pháp luật thì việc thu hồi đất đai có di tích, cụ thể ở đây là Di tích Kiến trúc nghệ thuật được thực hiện như thế nào? Có được quốc hữu hóa hay không?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Câu hỏi đầu tiên là di tích kiến trúc nghệ thuật ấy có chủ hay vô chủ. Nếu có chủ rồi, dù đó là chính quyền, một tổ chức hay cá nhân thì quyền sở hữu ấy không bị động chạm gì, tức nhà nước không có quyền thu hồi.
Luật Di sản văn hoá được ban hành từ năm 2001 là để nhằm mục đích bảo vệ di sản chứ không phải quốc hữu hoá di sản. Một di sản sau khi được công nhận thì không chỉ nhà nước có trách nhiệm đầu tư, hỗ trợ và giám sát việc bảo vệ mà chủ sở hữu di sản cũng có trách nhiệm quản lý và bảo vệ. Nếu bất kỳ ai vi phạm thì đều có thể bị xử phạt về hành chính hay thậm chí hình sự.
Còn vấn đề đất đai và thu hồi đất có di sản lại thuộc phạm trù khác, do Luật Đất đai điều chỉnh. Tuy nhiên, nguyên tắc là dù đất đai có thuộc sở hữu toàn dân thì quyền sở hữu với di sản là các vật và công trình trên đất cũng không bị ảnh hưởng, nó vẫn được công nhận và bảo vệ.
- Sở TN-MT tỉnh Hà Giang viện dẫn những văn bản quy phạm pháp luật sau để chứng minh rằng việc cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn là đúng. Đó là Quyết định 3316/QĐ-UBND ngày 11.11.2006 của UBND tỉnh Hà Giang về quản lý di tích lịch sử, văn hóa đã được nhà nước xếp hạng; Khoản 1, Điều 98 Luật Đất đai năm 2003 quy định đất có di tích lịch sử - văn hóa – danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng thì phải bảo vệ nghiêm ngặt; Khoản 1, Điều 54 Nghị định 181/2004/NĐ-CP về việc thi hành Luật Đất đai quy định: Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích.
Theo ông, Sở TN-MT viện dẫn những quy định này để cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn có đúng hay không? Hậu duệ họ Vương cũng rất thắc mắc và phản đối vì sao khu nhà Vương được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật nhưng lại dẫn các văn bản quy định về quản lý di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Trước hết cần khẳng định rằng mọi việc liên quan đến quyền nói chung và và quyền sở hữu nói riêng của người dân đều phải được quyết định trên cơ sở văn bản luật chứ không phải văn bản hành chính do một cấp chính quyền như UBND tỉnh ban hành.
Theo đó, quyết định của UBND tỉnh Hà Giang nói trên chỉ có giá trị thi hành nội bộ giữa các cơ quan thuộc UBND mà không thể áp dụng với tài sản của gia đình Vua Mèo Vương Chí Sình trong trường hợp này.
Còn về Điều 54 của Nghị định 181 về thi hành Luật Đất đai 2003 thì ngay chính tại Điều 54 cũng nói rằng nếu di sản văn hoá thuộc sở hữu tư nhân thì cấp sổ đỏ cho tư nhân, và chỉ khi di sản không rõ chủ sở hữu thì mới cấp sổ đỏ cho cơ quan quản lý di sản, đó là UBND.
Tôi cho rằng gia đình họ Vương không phải thắc mắc gì với chính một cơ quan đã làm sai bởi có mấy khi họ chấp nhận việc sai đâu. Việc tự nhận sai đối với một cơ quan nhà nước sẽ là cả một vấn đề bởi nó kéo theo việc quy kết trách nhiệm cá nhân rất phức tạp. Do đó, hãy tiếp cận cơ quan hành chính cấp trên hoặc Toà án để phán xử và giải quyết vụ việc này.
Luật sư Kiều Anh Vũ, Công ty Luật KAV Lawyers cho biết, theo thông tin được công bố hiện nay thì có thể thấy rằng việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và khoản 1 Điều 54 Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn Luật này, cụ thể: “Đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh”.
Tuy vậy, ngay chính khoản 2 Điều 54 Nghị định 181/2004/NĐ-CP cũng quy định rất rõ: “Đất có di tích lịch sử - văn hoá mà di tích lịch sử - văn hoá đó thuộc sở hữu của tư nhân thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho chủ sở hữu tư nhân”. Ngay cả trường hợp thuộc cộng đồng dân cư thì khoản 3 Điều này cũng quy định: “Đất có di tích lịch sử - văn hoá của cộng đồng dân cư thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho cộng đồng dân cư”.
Điều 5 Luật Di sản văn hóa cũng quy định Nhà nước công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật. Điều 14 Luật này cũng khẳng định tổ chức, cá nhân có các quyền sở hữu hợp pháp di sản văn hóa.
Như vậy, ông Vũ cho rằng nếu dinh thự “vua Mèo” thuộc sở hữu tư nhân (hoặc cũng có thể thuộc sở hữu của cộng đồng dân cư họ Vương – cần làm rõ thêm) hàng trăm năm nay rồi thì mặc dù dinh thự này được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia thì đó vẫn thuộc sở hữu tư nhân (hoặc của cộng đồng dân cư họ Vương).
Do đó, theo ông Vũ,Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được cấp cho những chủ sở hữu này chứ không thể cấp cho cá nhân, tổ chức nào khác. Việc cấp “sổ đỏ” cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn là có dấu hiệu không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng với nguồn gốc dinh thự này cũng như không đúng với các căn cứ xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng đất theo quy định.
Cũng theo luật sư này, việc trùng tu hay sử dụng dinh thự này vào những mục đích khác phải tôn trọng quyền sở hữu của những người liên quan, không thể quốc hữu hóa hay cưỡng chế mang tính mệnh lệnh – hành chính được.