Nhắn tin trúng thưởng, giả danh người thân nhờ chuyển tiền rồi chiếm đoạt… là một trong số những thủ đoạn lừa đảo phổ biến.

Tỉnh táo nhận diện, tránh sập bẫy trước những thủ đoạn lừa đảo phổ biến

Nhã Thanh | 10/11/2021, 19:30

Nhắn tin trúng thưởng, giả danh người thân nhờ chuyển tiền rồi chiếm đoạt… là một trong số những thủ đoạn lừa đảo phổ biến.

Công an TP.Hà Nội đã có cảnh báo về một số hình thức phổ biến mà kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, điển hình là hình thức kết bạn, làm quen trên mạng xã hội. Theo Công an TP.Hà Nội, với hình thức này, người nước ngoài sẽ sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo... để kết bạn rồi làm quen với người bị hại nhằm tạo sự tin tường.

Khi xây dựng được lòng tin với các bị hại, chúng tiến hành thông báo gửi quà là tiền mặt hoặc tài sản có giá trị rất lớn qua đường hàng không, yêu cầu bị hại nộp tiền để nhận được quà. Khi người bị hại không còn khả năng tiếp tục chuyển tiền, bọn chúng xóa ngay tài khoản Facebook, Zalo... và các số điện thoại đã sử dụng để liên lạc.

Đáng chú ý, hình thức lừa đảo nhắn tin trúng thưởng cũng rất phổ biến khi kẻ xấu lợi dụng mạng xã hội Facebook, Zalo... để gửi tin nhắn cho người bị hại, thông báo trúng thưởng tài sản có giá trị lớn. Sau đó yêu cầu người bị hại muốn làm thủ tục nhận thưởng thì phải nạp tiền qua thẻ điện thoại, hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.

nhan-dien-mot-so-thu-doan-lua-dao-pho-bien.jpg
Người dân nên cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo - Ảnh: Internet

Ngoài ra, theo Công an TP.Hà Nội, kẻ lừa đảo còn giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án. Cụ thể, chúng sẽ gọi điện cho bị hại và tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo về việc có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng hoặc liên quan đến các vụ án...

Sau đó, chúng nối máy cho bị hại nói chuyện với một số người khác giả danh cán bộ đang công tác tại các cơ quan tư pháp. Lúc này, chúng thông báo người bị hại có liên quan đến vụ án đang điều tra, nếu không thực hiện đúng theo nội dung đưa ra sẽ bị khởi tố. Điều này làm người bị hại hoang mang, lo sợ dẫn đến việc cung cấp thông tin cá nhân cho kẻ xấu.

Tiếp theo, bọn chúng yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào các tài khoản đã được chỉ định hoặc hướng dẫn bị hại tải ứng dụng giả mạo để cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, cung cấp mã OTP chuyển tiền với vỏ bọc xác minh, điều tra. Cuối cùng, chúng chiếm quyền sử dụng tài khoản của bị hại và chuyển tiền đến nhiều tài khoản khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cùng với đó, Công an Hà Nội còn cảnh báo thủ đoạn giả danh người thân nhờ chuyển tiền rồi chiếm đoạt; kinh doanh đa cấp qua các sàn giao dịch tiền ảo, sàn ngoại hối… hoặc đầu tư đào tiền kỹ thuật số.

Điển hình như việc kẻ lừa đảo sẽ lập ra các website đầu tư tài chính, các sàn giao dịch nhị phân (Ugreengx, Wefinex, Fxtradingmarket…) rồi sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia.

Một thời gian sau, khi người tham gia muốn rút tiền lãi đầu tư, chúng yêu cầu phải nộp thêm các khoản phí vay vốn ban đầu, các khoản tiền chênh lệch để thực hiện rút tiền hoặc thông báo dừng hoạt động để bảo trì hoặc lỗi không truy cập được, khách hàng không đăng nhập được để rút tiền hoặc bị mất hết tiền trong tài khoản.

Theo Công an TP.Hà Nội, người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn nêu trên, tránh “mắc bẫy của đối tượng xấu”. Đặc biệt, phía Công an Hà Nội nhấn mạnh: “Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương. Công an không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra”.

Bài liên quan
Nhắn tin lừa đảo người dân tiếp nhận tiền trợ cấp COVID-19
Ngày 30.10, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ra cảnh báo người dân về hiện tượng nhắn tin lừa đảo người lao động về việc nhận trợ cấp COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tỉnh táo nhận diện, tránh sập bẫy trước những thủ đoạn lừa đảo phổ biến