Theo TS Đặng Triều Nhân, Viện trưởng Viện nghiên cứu ĐBSCL, điểm nghẽn của chuỗi liên kết chuỗi giá trị lúa gạo trong Đề án án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân chưa hiểu nhau, ai cũng vì quyền lợi của mình.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Tìm giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo

Văn Kim Khanh 25/10/2024 14:55

Theo TS Đặng Triều Nhân, Viện trưởng Viện nghiên cứu ĐBSCL, điểm nghẽn của chuỗi liên kết chuỗi giá trị lúa gạo trong Đề án án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân chưa hiểu nhau, ai cũng vì quyền lợi của mình.

Ngày 25.10, tại Hậu Giang đã diễn ra hội thảo “Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Hậu Giang” (gọi tắt là Đề án).

Khai mạc hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết hội thảo tập trung các nhà khoa học nông nghiệp, ngành nông nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và sẽ đi sâu vào những vấn đề thực tế, bài học kinh nghiệm để Hậu Giang cũng như các tỉnh ĐBSCL thực hiện tốt hơn Đề án.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, tỉnh Hậu Giang đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ triển khai diện tích thực hiện Đề án là 28.000ha, tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT); đến năm 2030 sẽ tăng lên đạt diện tích 46.000ha, thực hiện tại 6/8 đơn vị cấp huyện.

hthg-5.jpg
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên phát biểu tại hội thảo - Ảnh: H.G

Ngày 12.12.2023, Hậu Giang được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chọn là tỉnh đầu tiên tổ chức lễ phát động Đề án. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ với ngành hàng lúa gạo tỉnh Hậu Giang mà còn với toàn khu vực ĐBSCL.

Trong năm 2024, tỉnh Hậu Giang cũng đã và đang triển khai thực hiện các mô hình điểm cấp tỉnh, huyện với tổng diện tích 180ha, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: Tưới nước ướt khô xen kẽ, "1 phải 5 giảm", sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP... Mặc dù, chỉ mới được triển khai thí điểm tại một số HTX trên địa bàn tỉnh, nhưng tỉnh đã bước đầu đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Từ nguồn kinh phí tài trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), tài trợ dự án GIC, tỉnh cũng tổ chức 25 lớp tập huấn cho nông dân về quản lý, tái sử dụng phụ phẩm rơm rạ; 15 lớp huấn luyện nông dân HTX về kinh doanh (FBS) và 15 lớp nâng cao năng lực cho HTX tham gia đề án.

Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, Hậu Giang cũng đã ghi nhận một số khó khăn cụ thể như bị hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Diện tích đất nông nghiệp nói chung, cụ thể là diện tích đất trồng lúa Hậu Giang đa số là vùng phèn, trũng, do đó cũng gặp khó khăn trong việc áp dụng triệt để quy trình ngập khô xen kẽ. Theo kế hoạch, khi dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Bộ NN-PTNT triển khai đầu tư đến đâu, tỉnh sẽ đầu tư đồng bộ để tạo ra một vùng sản xuất khép kín, đáp ứng các tiêu chí của Đề án.

Các mô hình thí điểm tham gia Đề án đã thực hiện. Tuy nhiên, việc kêu gọi doanh nghiệp vào liên kết chặt chẽ, bền vững, từ sản xuất đến tiêu thụ vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc đo đếm phát thải, chi trả tín chỉ carbon nên cũng hạn chế việc tham gia của nông dân; việc xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo phát thải thấp và tăng trưởng xanh chưa đạt kết quả.

Vai trò của doanh nghiệp trong việc tham gia Đề án chưa được quy định cụ thể, kể cả các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, doanh nghiệp bao tiêu lúa gạo, doanh nghiệp về tín chỉ carbon…

PGS-TS Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp - phân tích những thuận lợi và khó khăn của ĐBSCL khi đi vào thực hiện đề án. Theo đó, thực hiện Đề án là một cuộc chuyển đổi lớn cho nông dân ĐBSCL, tổ chức chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, hiện đại. Sự chuyển đổi này thành công sẽ có tác dụng rất lớn đối với nền nông nghiệp Việt Nam, góp phần vào việc bảo vệ môi trường thế giới.

TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ), cho rằng việc xử lý rơm cho hợp lý để phát triển Đề án là rất quan trọng. Đốt rơm, lấy rơm đi khỏi ruộng và chôn xuống ruộng ngập nước… xử lý thành phân hữu cơ. Đây là vấn đề phải tính toán cho khoa học.

hthg-13.jpg
Cánh đồng thực hiện Đề án ở Hậu Giang - Ảnh: H.G

Ông Nguyễn Tiến Định, Trưởng phòng kinh tế và hợp tác trang trại (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn - Bộ NN-PTNT), cho rằng: "Vai trò tổ chức, hợp tác trong việc thực hiện Đề án là yếu tố căn bản. Ngoài ra, quy trình kỹ thuật canh tác để giảm phát thải là rất quan trọng. Việc tổ chức sản xuất lúa phải có liên kết tiêu thụ sản phẩm, thỏa thuận cung cấp vật tư nhưng phải thực hiện trước khi bắt tay sản xuất. Mục đích thực hiện đề án là cải thiện sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là một cuộc cách mạng xanh trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam".

TS Đặng Triều Nhân, Viện trưởng Viện nghiên cứu ĐBSCL, cho rằng điểm nghẽn trong chuỗi liên kết là ai cũng muốn lợi cho mình. Nông dân thì năng lực có hạn, hiểu biết kinh doanh không nhiều, nếu vào tổ hợp tác, HTX phải có lợi hơn thì họ mới vào. HTX muốn thu hút nông dân để tạo chuỗi làm ăn nhưng có những quy định mà nông dân cần phải đáp ứng, ví dụ như góp vốn điều lệ. Còn về doanh nghiệp, họ cũng cân đo đong đếm quyền lợi để không bị thiệt thòi. Cần phải tìm ra cách làm để hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân thì điểm nghẽn này mới giải quyết được.

hthg-1.jpg
Thiết bị bay phục vụ nông nghiệp được trưng bày tại hội thảo - Ảnh: H.G

Kết thúc hội thảo, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, nhận định: “Các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp và hợp tác xã tại hội thảo có ý nghĩa quan trọng, giúp cho ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, góp phần thực hiện đề án tại Hậu Giang. Trong thời gian tới, Hậu Giang sẽ tiếp tục tổ chức sản xuất lại một cách bài bản, đồng bộ, tiếp tục xây dựng các cánh đồng lớn, hình thành hợp HTX, tổ hợp tác hay tổ chức của nông dân. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia Đề án ký kết hợp đồng liên kết với các HTX, đào tạo tập huấn, chuyển giao cho nông dân trồng lúa và HTX biện pháp canh tác bền vững. Thông qua việc xây dựng các chuỗi liên kết bền chặt và ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ từng bước hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh theo chủ trương của Chính phủ”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo