Bộ Công Thương cho biết đang tiến hành đánh giá, xác định hành vi bán phá giá thép cán nóng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài; tác động của nhập khẩu đến ngành sản xuất trong nước.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Khi nào có kết quả điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc, Ấn Độ?

Tuyết Nhung 23/10/2024 20:47

Bộ Công Thương cho biết đang tiến hành đánh giá, xác định hành vi bán phá giá thép cán nóng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài; tác động của nhập khẩu đến ngành sản xuất trong nước.

Thời gian qua, hiện tượng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu ồ ạt (chủ yếu từ Trung Quốc) vào Việt Nam, đang gây tác hại lớn đến thị trường cũng như đe dọa hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

thep.jpg
Thời gian qua, thép cán nóng ồ ạt vào Việt Nam với số lượng lớn - Ảnh: Internet

Số liệu của Tổng cục Hải quan trong 9 tháng năm 2024, thép HRC từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam tới 8,8 triệu tấn và vẫn có xu hướng tăng. Chỉ tính riêng tháng 9.2024, lượng thép HRC nhập khẩu đạt đến 1,2 triệu tấn, bất chấp lệnh điều tra chống bán phá giá.

Trao đổi với báo chí về diễn biến mới nhất trong cuộc điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngành sản xuất thép cán nóng trong nước hiện nay bao gồm 2 doanh nghiệp có công suất vào khoảng 7,6 triệu tấn/năm. Sản phẩm thép cán nóng sản xuất trong nước bên cạnh đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa, một phần còn dành cho xuất khẩu sang một số thị trường khác, với tỷ lệ 50-50. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu thép cán nóng của thị trường Việt Nam theo đánh giá vào khoảng 13 triệu tấn/năm. Như vậy nhập khẩu thép cán nóng vẫn là nguồn bổ sung cho nhu cầu của thị trường trong nước.

Vừa qua, trên cơ sở các yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm thép cán nóng, có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc (mã vụ việc AD20), nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa sản xuất trong nước.

Theo quy trình điều tra, dựa trên những thông tin và dữ liệu do các bên liên quan cung cấp, Cục Phòng vệ thương mại đã tiến hành đánh giá, xác định hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ra nước ngoài, cũng như tác động của hàng hóa nhập khẩu đến ngành sản xuất trong nước, bao gồm cả những diễn biến về sự gia tăng lượng thép cán nóng nhập khẩu trong thời gian gần đây.

"Cục Phòng vệ thương mại đã gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan, đề nghị trả lời. Đến nay, thời hạn dành cho các bên trả lời bản câu hỏi đã kết thúc, Cục Phòng vệ thương mại đang tiếp nhận và tổng hợp lại các thông tin, dữ liệu do các bên liên quan cung cấp. Theo thống kê sơ bộ, riêng đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài đã gửi hơn 20 bản trả lời câu hỏi về cục, chưa kể các bản trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu. Đây là khối lượng công việc rất lớn và dữ liệu tương đối khổng lồ được tiếp nhận", ông Trung cho hay.

Ông Trung cũng cho biết, trên cơ sở thông tin và dữ liệu ban đầu thu thập được, sẽ là căn cứ quan trọng để cơ quan điều tra xác định liệu ngành sản xuất thép trong nước có chịu thiệt hại hay không, mức độ thiệt hại (nếu có) đến từ đâu. Trong trường hợp có đủ bằng chứng để sơ bộ xác định sản phẩm trong nước chịu thiệt hại đáng kể, do hàng hóa nhập khẩu bán phá giá, cơ quan điều tra phòng vệ thương mại sẽ kiến nghị Bộ Công Thương xem xét việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời, nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất trong nước.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay việc nhập khẩu có sự tăng vọt, kim ngạch có dấu hiệu giảm, tức là giá có những dấu hiệu cho thấy phải tiến hành điều tra. Đây là quy định cần thực hiện theo quy trình điều tra pháp luật về áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

"Bộ Công Thương cũng phải cân nhắc về tổng nhu cầu, sản xuất trong nước chưa đáp ứng thì phải nhập khẩu nhưng nhập khẩu ồ ạt gây tổn hại sản xuất trong nước và ngăn cản sản xuất trong nước thì phải có công cụ bảo vệ. Biện pháp được Bộ Công Thương đang tiến hành là điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá, đây cũng là một phần trong các điều khoản khác để điều tiết và đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay.

"Chậm nhất theo quy trình và thời hạn quy định, sang tháng 11 sẽ phải có kết quả điều tra sơ bộ. Trong trường hợp kết quả cho thấy có hội tụ đầy đủ các yếu tố gây thiệt hại đến ngành sản xuất thép cán nóng trong nước, Bộ Công Thương sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời, thông qua chính sách thuế nhập khẩu tạm thời", Thứ trưởng Tân khẳng định.

Bài liên quan
Phó thủ tướng yêu cầu rà soát việc gia tăng nhập khẩu thép cán nóng
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng để chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi nào có kết quả điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc, Ấn Độ?