Khách giục lấy hàng nhưng hàng về chậm, thậm chí không có hàng để giao khiến nhiều tiểu thương điêu đứng những ngày cuối năm.

Tiểu thương điêu đứng vì hàng Trung Quốc về nhỏ giọt

Tuyết Nhung | 09/01/2022, 17:37

Khách giục lấy hàng nhưng hàng về chậm, thậm chí không có hàng để giao khiến nhiều tiểu thương điêu đứng những ngày cuối năm.

Hàng nhập từ Trung Quốc về nhỏ giọt

Với chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc thì không chỉ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị tắc nghẽn mà ngay cả hàng hóa Trung Quốc về Việt Nam cũng gặp khó khăn không kém, khiến nhiều tiểu thương "điều đứng" vì không có hàng để bán dịp Tết Nguyên đán 2022.

cua-khau.jpg
Hàng Trung Quốc về Việt Nam khó khăn vì Trung Quốc siết chặt cửa khẩu biên giới - Ảnh: Internet

Chị Hương, một người chuyên bán đồ đồng trên phố Hàng Đồng (Hà Nội), buồn bã chia sẻ, mọi năm vào thời điểm này là có nhiều mẫu mã, số lượng hàng lớn để bán cho khách trước Tết Nguyên đán. Năm nay tắc biên hơn 1 tháng nên hoạt động mua bán trầm lắng vì gần như không nhập được hàng để bán dịp tết.

Thậm chí, có những sản phẩm đặt hàng đối tác Trung Quốc làm từ đầu năm nay không thể lấy được. Trước kia khi được thông quan bình thường, khoảng 15 ngày là nhập được hàng, đồ đồng thường nhập lâu hơn các mặt hàng khác vì trọng lượng và đặc thù sản phẩm. Ở thời điểm hiện nay, tắc biên thì phải chờ đến cả tháng cũng chưa chắc đã nhập được.

Theo chị Hương, hàng từ Trung Quốc vẫn về được Việt Nam nhưng bị siết chặt, khó khăn hơn trước rất nhiều vì chính sách "Zero Covid" của quốc gia này đang thực thi rất nghiêm ngặt ở các cửa biên giới. Số lượng hàng chị đặt không được giao về đúng hẹn vì bị giới hạn số kg. Vì vậy, nhiều mẫu sản phẩm đã phải hủy vì không giao được về trước Tết Nguyên đán.

"Giờ khách đặt hàng tôi không dám nhận vì không biết khi nào mới có hàng để giao. Tôi bảo khách phải chờ qua tết xem tình hình như thế nào vì Trung Quốc nghỉ tết sớm và dài hơn mình", chị Hương nói

Cùng cảnh, chị Tâm, một chủ cửa hàng quần áo ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, nguồn hàng từ Trung Quốc về cả tháng qua rất khan hiếm. Trước đây chỉ mất từ 5 - 7 ngày là hàng Trung Quốc về, giờ mất gần 1 tháng mà hàng cũng chỉ về nhỏ giọt. Chị Tâm dự tính cuối năm nhập lượng lớn hàng về để bán trước và sau Tết Nguyên đán nhưng với tình hình tắc biên hiện nay thì kế hoạch dự trữ hàng rất khó khăn và sẽ gặp nhiều rủi ro.

"Hiện giờ, tôi gần như chưa nhập được mẫu quần áo mới để bán trong những ngày gần Tết Nguyên đán, cửa hàng giờ chỉ toàn mẫu cũ. Khách đặt hàng hỏi suốt mà chưa có mẫu đã báo trước đó về đúng hẹn. Với tình hình biến động như hiện nay đúng là chết dở, bạn bè tôi nhập hàng Trung Quốc đã chuyển hết tiền cho đối tác rồi giờ chờ lấy hàng mà không được. Tiền mất mà hàng chưa về được, nhiều người điêu đứng", chị Tâm than thở.

Trong bối cảnh số lượng lớn hàng nhập từ Trung Quốc về Việt Nam vẫn còn mắc kẹt, nhiều câu hỏi đặt ra đó là "giải pháp hiệu quả khi hàng tắc biên là gì?", đại diện tư vấn của một công ty chuyên về logistics cho biết, các doanh nghiệp, tiểu thương cần nắm rõ quy trình, cơ chế thông quan mới nhất của Nhà nước, từ đó chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, thủ tục thông quan. Điều này sẽ giúp việc thông quan nhanh chóng, chính xác hơn. Đồng thời, cần đẩy nhanh việc đóng hàng hoặc căn chỉnh thời gian nhập hàng trước dịp tết. Quá trình đóng hàng xong càng nhanh thì lưu thông sẽ càng nhanh.

"Đặc biệt, các đơn vị cần đẩy mạnh sử dụng hình thức vận chuyển chính ngạch. Đây sẽ là giải pháp tối ưu, an toàn, tránh tình trạng tắc biên lâu và hàng hoá được vận chuyển với số lượng lớn hơn nhiều so với việc vận chuyển tiểu ngạch", vị này nhấn mạnh

Cần một cuộc trao đổi cấp cao giữa Việt Nam - Trung Quốc

Bán hàng dịp tết là thời điểm mong chờ nhất năm đối với các doanh nghiệp, tiểu thương, vì có người bán hàng một tháng trước tết cũng bằng doanh thu cả năm "dầm mưa dãi nắng". Giờ đây khi những ngày Tết Nguyên đán đang cận kề, nhiều người vẫn hi vọng cơ quan chức năng Việt Nam có thể hành động vào cuộc một cách dứt khoát để cửa khẩu hai bên được thông quan hoàn toàn.

Ban IV mới đây đã có công văn hỏa tốc đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số biện pháp cấp bách liên quan tới vấn đề "ùn tắc tại các cửa khẩu đường bộ Việt - Trung". Cụ thể, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét tiến hành một cuộc trao đổi cấp cao hơn giữa hai bên để cùng nhận diện nút thắt. Từ đó, 2 bên cùng nhau đưa ra giải pháp phù hợp với mục tiêu là khẩn trương giải phóng lượng hàng hóa và xe tồn tại các cửa khẩu, đưa hoạt động xuất nhập khẩu hai nước dần trở lại bình thường trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Ngoài ra, Ban IV cũng đề xuất Chính phủ xem xét giao các địa phương có các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc khẩn trương rà soát, khảo sát, thiết lập vùng đệm đối với hàng hóa trao đổi với Trung Quốc để quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh COVID-19 nhằm phát hiện sớm và cách ly người/vật mắc COVID-19 ngay tại đầu vùng đệm.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tỉnh, TP tăng cường khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản và trái cây tươi trên địa bàn thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, trong đó đặc biệt lưu ý lịch nghỉ Tết nguyên đán của phía Trung Quốc để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

Đồng thời trao đổi ngay với bạn hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác (như Cao Bằng) nhằm giảm ùn ứ tại Lạng Sơn; hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác, như đường biển mà hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang làm rất tốt.

Tiếp tục chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch như Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến cáo, mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,...

Bài liên quan
Mỹ có thể không áp thêm thuế với hàng Trung Quốc nữa
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16.11 cho biết ông có thể không khởi động thêm kế hoạch đánh thuế hàng nhập khẩu Trung Quốc nào nữa, vì Bắc Kinh vừa gửi một danh sách liệt kê những biện pháp mà nước này sẵn sàng thực hiện để chấm dứt cuộc chiến thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiểu thương điêu đứng vì hàng Trung Quốc về nhỏ giọt