VEPR nhận định Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc nhằm để nước này lách lệnh trừng phạt của Mỹ.

Việt Nam có nguy cơ trở thành "điểm trung chuyển" của hàng Trung Quốc

Lam Thanh | 11/02/2021, 10:07

VEPR nhận định Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc nhằm để nước này lách lệnh trừng phạt của Mỹ.

Cán cân thương mại năm 2020 thặng dư 19,95 tỉ USD

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 4 và năm 2020 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho hay cán cân thương mại hàng hóa trong quý 4 ước tính thặng dư 3,68 tỉ USD.

tam-nhap-tai-xuat-2.jpg
Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc

Trong đó khu vực kinh tế trong nước thâm hụt 4,07 tỉ USD, khu vực FDI (kể cả dầu thô) thặng dư 7,75 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa quý 4 đạt mức tăng trưởng tốt, đạt 80,05 tỉ USD, tăng 16,36% (KNXK quý 3 tăng 11,22%).

Trong đó, xuất khẩu tới từ nhóm doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng chủ yếu đạt 66,67 tỉ USD, tăng 43% (chiếm 83% tổng kim ngạch). Xuất khẩu từ khu vực trong nước giảm 49%, đạt 13,38 tỉ USD.

Tổng kim ngạch nhập khẩu quý 4 ước tính đạt 76,37 tỉ USD, tăng 15,72, (KNNK quý 3 tăng 2,26%). Cụ thể, nhập khẩu của khu vực FDI tăng 63%, chiếm 77% kim ngạch nhập khẩu (quý 4/2019 chỉ chiếm 55%).

Năm 2020 chứng kiến thặng dư thương mại đạt 19,95 tỉ USD- mức thặng dư cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây nhờ vào xuất khẩu tăng mạnh trong khi nhập khẩu giảm nhẹ (năm 2019 thặng dư 8,6 tỉ USD, năm 2018 là 5,6 tỉ USD, năm 2017 là 2,7 tỉ USD).

Khu vực trong nước thâm hụt 13,92 tỉ USD, giảm 46,3% (năm 2019 thâm hụt 25,91 tỉ USD, tăng 1,2%). Khu vực có vốn đầu tư FDI thặng dư 33,87 tỉ USD, giảm 5,5% (năm 2019 thặng dư 35,85 tỉ USD, tăng 9,26%).

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2020 ước tính đạt 282,65 tỉ USD, tăng 7,44% so với năm trước (năm 2019 KNXK đạt 264,3 tỉ USD, tăng 8,4%).

Nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện ước tính đạt 51,18 tỉ USD, giảm 0,4% so với năm trước. Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước tính đạt 3,12 tỉ USD, tăng 24,1%; Xuất khẩu gạo đạt 20,3 tỉ USD, tăng 11,2%. Nhóm hàng thủy sản đạt 8,41 tỉ USD, giảm 1,5%.

Tỷ trọng xuất khẩu vẫn thuộc FDI

Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực FDI. Giá trị xuất khẩu của khu vực FDI đạt 202,9 tỉ USD, chiếm 72% tổng KNXK, tăng 12%, cao hơn so với năm trước (năm 2019, chiếm 69% KNXK, tăng 3%).

KNXK khu vực trong nước đạt 79,76 tỉ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch tăng 3%, thấp hơn so với năm 2019 (năm 2019 chiếm 31%, tăng 19%).

Thị trường xuất khẩu khó khăn, giá xuất khẩu bình quân của nhiều mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước khiến kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản năm 2020 đều giảm so với năm trước. Riêng mặt hàng gạo đạt hơn 3 tỉ USD, tăng 9,3 % nhờ vào nhu cầu dự trữ gạo của các nước trên thế giới tăng do dịch bệnh.

Tính chung năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 262,7 tỉ USD, tăng 3,23% so với năm trước.

Về cơ cấu nhập khẩu hàng hóa năm 2020, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước tính đạt 63,97 tỉ USD, tăng 24,6% so với năm trước; nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 37,25 tỉ USD, tăng 1,4%; Nhóm điện thoại các loại và linh kiện tăng 13,9%...

Mỹ là thị trường xuất siêu lớn nhất

Xét về thị trường xuất nhập khẩu, trong năm 2020, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 77 tỉ USD, tăng 25,6% so với năm trước.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,18 tỉ USD, tăng 11,57%.

Mỹ là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam đạt 63,36 tỉ USD, tăng 34,76%. Việt Nam xuất siêu sang EU 20,3 tỉ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc 35,28 tỉ USD; từ ASEAN 6,9 tỉ USD...

VEPR cho rằng thặng dư thương mại ngày càng cao với Mỹ khiến quốc gia này quyết định điều tra Việt Nam về vấn đề thao túng tiền tệ trong cuộc họp ngày 16.12.2020.

Vào ngày 30.12.2020, Bộ thương mại Mỹ đã kết luận mặt hàng lốp xe xuất khẩu từ Việt Nam không bán phá giá và sẽ không bị áp mức thuế 22,03%.

Chính phủ Mỹ hiện vẫn đang điều tra việc nhập khẩu và sử dụng gỗ của Việt Nam do cho rằng có thể xảy ra việc dùng gỗ phi pháp trong hàng xuất sang Mỹ gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp và lao động Mỹ.

Các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ có thể sẽ được áp dụng dưới hình thức thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu dựa trên trên mức độ thao túng tiền tệ của Việt Nam.

Nguy cơ trở thành nơi tạm nhập tái xuất của Trung Quốc

VEPR nhận định Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc nhằm lách lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.

Do các mặt hàng xuất khẩu nhiều sang Mỹ chủ yếu là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (22,59 tỉ USD).

Trong khi Việt Nam lại nhập khẩu nhiều các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ Trung Quốc (35,47 tỉ USD).

Vì thế, tất cả những con số thống kê nêu trên về sự tăng trưởng đột ngột của nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ cho cùng một số loại mặt hàng (như linh kiện điện tử) nhiều khả năng chỉ chỉ thuần túy là tạm nhập tái xuất, hoặc chỉ thực hiện gia công lắp ráp để xuất khẩu chứ không phải do khu vực sản xuất trong nước mở rộng.

VEPR khuyến nghị Chính phủ nên có các chính sách thắt chặt các quy định về nguồn gốc của các nguyên liệu đầu vào công nghiệp nhập khẩu.

Cùng với đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của khu vực trong nước như vải, dệt may giày dép đều giảm sút do nhu cầu xuất khẩu hoặc tiêu thụ co hẹp.

Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI trên tổng KNXK tăng (chiếm tới 72%) trong khi của khu vực trong nước lại giảm cho thấy khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đang tận dụng các cơ hội từ các hiệp định FTA tốt hơn so với khu vực trong nước; đồng thời cũng thích ứng tốt hơn trong bối cảnh kinh tế đầy khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

So với các năm trước có thể thấy Việt Nam chưa có nhiều tiến triển trong việc đa dạng hóa thị trường thương mại. Thương mại quốc tế vẫn chủ yếu thuộc về khu vực FDI. Giá trị gia tăng thấp do chủ yếu là gia công, lắp ráp hoặc phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu.

Rủi ro tăng cao khi có thặng dư thương mại lớn với một thị trường lớn (Mỹ) mà Việt Nam chưa có FTA.

Vào ngày 15.11.2020, hiệp định RCEP được kí kết bao gồm 15 thành viên với kì vọng trở thành khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới (quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu).

Việc chỉ cần sử dụng một bộ quy tắc xuất xứ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu hang hóa sang các nước thành viên.

Ngành dệt may của Việt Nam cũng được hưởng lợi lớn từ bộ quy tắc xuất xứ của hiệp định này do nguyên liệu đầu vào chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc gia tăng cạnh tranh thương mại trong thị trường nội địa là điều không thể tránh khỏi khi hiệp định có hiệu lực

Bài liên quan
Chứng khoán châu Á chao đảo vì Mỹ áp thuế 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc
Chứng khoán châu Á chứng kiến một phiên sáng chao đảo vì thông tin Mỹ áp thuế 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam có nguy cơ trở thành "điểm trung chuyển" của hàng Trung Quốc