Loài khủng long bị tuyệt diệt cách đây 65 triệu năm vì một đợt biến đổi khí hậu nhanh chóng sau vụ va chạm giữa Trái đất với một tiểu hành tinh khổng lồ.
Những đợt cháy rừng sau vụ va chạm với thiên thạch khổng lồ đã tạo ra một lớp bụi mù khổng lồ bao bọc Trái đất, khiến ánh sáng Mặt trời không thể chiếu tới mặt đất và nhiệt độ giảm tới 10 độ C trên toàn cầu.
Hầu hết các nhà sinh vật học tin rằng loài khủng long đã bị tuyệt diệt vì một vụ va chạm giữa Trái đất với một tiểu hành tinh khổng lồ. May mắn cho họ là nhiều vết tích của vụ "thảm sát" sinh học này vẫn còn tồn tại.
Các nhà khoa học tin rằng một tiểu hành tinh có đường kính khoảng 9,6 km đã đâm sầm vào bán đảo Yucatan của Mexico 66 triệu năm trước, gây ra một sự tàn phá tương đương với một cuộc chiến tranh nhiệt hạch, khiến 3/4 sinh vật sống trên Trái đất bị tiêu diệt.
Tiểu hành tinh tên Chicxulub đã tạo một đợt sóng thần khổng lồ sau vụ va chạm với Trái đất, kích hoạt những trận động đất và làm những ngọn núi lửa phun trào mạnh ngay khi vừa mới va chạm với Trái đất. Nhưng đó chỉ mới là sự khởi đầu của đợt "thảm sát" sinh học nhanh chóng diễn ra sau đó.
Một lượng lớn đất đá đã bay từ mặt đất vào khí quyển, chúng cô đặt thành những hạt nhỏ xíu và rơi trở lại mặt đất. Nhưng khi rơi xuống, những hạt bụi ma sát với không khí và đám mây bụi này đủ sức nóng để tạo thành ngọn lửa. Theo nghĩa đen, đám mây bụi nóng rực nướng cháy toàn bộ bề mặt Trái đất cùng với những động vật, thực vật có mặt trong vùng ảnh hưởng.
Nói cách khác, khủng long sống xa bán đảo Yucatan bị thiêu sống bởi đám mây rực lửa đang rơi xuống đầu chúng. Một lớp hạt bụi cháy này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, theo các nhà địa chất học.
Đó chưa phải là tất cả. Những sinh vật còn sống sẽ bị đày đọa vì hiện tượng Trái đất đột ngột suy giảm nhiệt độ, điều mà chúng ta ngày nay có thể tạo ra và gọi là "mùa đông hạt nhân" nếu xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu.
Nguyên nhân của điều này là đám cháy rừng khổng lồ tạo ra một lớp bụi mù đầy bồ hóng, bao phủ toàn bộ mặt đất, không cho ánh nắng mặt trời chiếu đến Trái đất. Nhiệt độ nhanh chóng giảm mạnh 10 độ C ở đất liền và 6,67 độ C ở trên biển.
Ông Charles Bardeen thuộc Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ cho biết nhiệt độ thấp này kéo dài trong 7 năm và có nơi lên đến 15 năm, trong một nghiên cứu về tác động của Chicxulub tới khí hậu của Trái đất sau vụ va chạm. Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
Ông Bardeen và các đồng sự từ NASA và Đại học Colorado Boulder đã dùng siêu máy tính để tính toán những phản ứng mà khí hậu Trái đất thể hiện sau vụ va chạm với tiểu hành tinh khổng lồ. Nhóm nhà khoa học cho biết tác động này tương tự với một cuộc chiến hạt nhân toàn cầu.
Thiên Hà