Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài khẳng định mẩu giấy ghi chữ “Lão Phật gia” kèm số báo danh của một thí sinh không liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
Ngày 14.10, TAND tỉnh Hà Giang mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ gian lận thi cử tại Hà Giang. Theo đó, làm rõ chi tiết Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã thu một mẩu giấy ghi chữ “Lão Phật gia” kèm số báo danh của một thí sinh, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT) khẳng định mẩu giấy này không liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
Lời khai của bị cáo Hoài thể hiện “Lão Phật gia” lànguyên Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Giang, đã nghỉ hưu từ năm 2012. Mẩu giấy này có từ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do “Lão Phật gia” nhờ xem điểm”. Cũng trong phiên tòa, Nguyễn Thanh Hoài nhiều lần khẳng định không hề nhận tiền và cũng không được hứa hẹn, không bị ép buộc khi thực hiện việc nâng điểm thi cho các thí sinh.
“Việc bị cáo nhờ bị cáo Vũ Trọng Lương (Phó trưởng phòng Khảo thí) hoàn toàn là tình cảm chứ không phải là nhiệm vụ”, bị cáo Hoài nói. Việc nâng điểm này phụ thuộc vào môn xét tuyển vào trường đại học mà thí sinh đã đăng ký. Những người nhờ bị cáo nâng điểm cũng chỉ nhờ những môn nằm trong tổ hợp xét tuyển vào đại học. Ngoài ra có 3-4 trường hợp nhờ nâng điểm để chống trượt tốt nghiệp.
Bị cáo Vũ Trọng Lương được áp giải đến tòa - Ảnh: T.A
Nâng điểm vì tình cảm
Theo lời khai của bị cáo Vũ Trọng Lương, trong số 93 thí sinh được Nguyễn Thanh Hoài chỉ đạo sửa bài thi để nâng điểm tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Hoài đã 3 lần đưa danh sách cho Lương.
Trong đó, lần đầu tiên Hoài đưa cho Lương một chiếc usb lưu danh sách toàn bộ các thí sinh tham dự kỳ thi này của tỉnh Hà Giang, trong phần bôi vàng là những thí sinh được nhờ nâng điểm. Hai lần sau, Hoài gửi tin nhắn và email danh sách bổ sung cho Lương, Lương tiếp nhận và lưu riêng trong file excel do Hoài gửi lần trước.
Tại tòa, Vũ Trọng Lương khai ngoài danh sách các thí sinh, không có nội dung nào khác được lưu trong usb. Ngoài 93 thí sinh được Hoài chuyển cho Lương, Lương còn tự ý sửa bài thi và nâng điểm thi cho 14 thí sinh khác do người quen của Lương nhờ. Theo lời khai của bị cáo Lương, 14 trường hợp bị cáo nâng điểm đều vì mục đích tình cảm, bạn bè, người thân và đồng nghiệp.
Nói về quá trình sửa bài thi và nâng điểm thi cho các thí sinh, bị cáo Lương cho biết sau khi tổ chức chấm thi xong thì các bài thi mới được chuyển về Sở GD-ĐT, trước đó các bài thi để tại Trường chuyên THPT tỉnh Hà Giang. “Để mở được cửa vào phòng chứa bài thi phải có tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, ít nhất là có mặt bị cáo Hoài và bị cáo Chính (Triệu Thị Chính, Phó giám đốc Sở GD&ĐT)”, bị cáo Lương khai.
Trước khi mở cửa, Hoài đưa cho bị cáo Lương 1 chìa khóa cửa và 1 túi chứa chìa khóa các hòm chứa bài thi trắc nghiệm. Vũ Trọng Lương thừa nhận “biết hành vi của bị cáo là vi phạm pháp luật, bị cáo rất ân hận về những hành vi mình đã làm”.
Nhã Thanh
Trong vụ án này, VKS truy tố các bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT) và Vũ Trọng Lương (Phó trưởng phòng Khảo thí) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Hai bị cáo Phạm Văn Khuông (Phó giám đốc Sở GD-ĐT) và Lê Thị Dung (Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang) bị truy tố tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, quy định tại Điều 366 Bộ luật Hình sự.
Riêng bị cáo Triệu Thị Chính (Phó giám đốc Sở GD-ĐT) bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, quy định tại Điều 358 Bộ luật Hình sự.