Veronika Honkasalo, một thành viên của Liên minh Cánh tả có trụ sở tại Helsinki, tiếp tục phản đối việc Phần Lan gia nhập NATO. Nếu chính phủ quyết định xin gia nhập NATO, bà dự định sẽ bỏ phiếu chống.
Nghị sĩ Honkasalo nói với KU vào thứ Tư, ngày 11.5: “Ở đây chúng ta phải thực hiện một phân tích sâu rộng dựa trên thông tin rất không chắc chắn, Không có chuyên gia nào có thể dự đoán tương lai một cách chắc chắn, vì vậy đó sẽ là trách nhiệm của các nghị sĩ của chúng ta”.
Bà Honkasalo nói rằng Phần Lan đã có một đường lối chính sách an ninh dựa trên sự không liên kết, vốn được tạo ra để chống lại các cuộc xung đột và khủng hoảng. Theo Honkasalo, bây giờ là lúc để đánh giá xem tình hình hiện tại có đến mức cần thiết phải thay đổi đường lối đó một cách mạnh mẽ hay không.
Nghị sĩ Honkasalo nhấn mạnh rằng không liên kết không giống như trung lập: “Quyết định xuất khẩu vũ khí, theo tôi là một bước đi đúng hướng, mang tính lịch sử. Kết quả là chúng tôi không còn trung lập nữa. Theo quan điểm của tôi, không liên kết quân sự là một vấn đề riêng biệt”, Honkasalo phân tích.
Về lâu dài, Honkasalo coi vũ khí hạt nhân là một khía cạnh tiêu cực của tư cách thành viên NATO. Bà cho rằng: “Hiệu quả răn đe dựa trên vũ khí hạt nhân, là một phần trong học thuyết thành văn của NATO. Bằng cách gia nhập NATO, chúng ta đã tham gia một hệ thống vũ khí hạt nhân. Đáng ra, chúng ta nên thúc đẩy mạnh mẽ việc giải trừ hạt nhân và không tham gia một liên minh quân sự có các hoạt động cốt lõi gồm vũ khí hạt nhân và răn đe hạt nhân.
Bà Honkasalo nhắc lại rằng 86 quốc gia đã ký Công ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc và 60 quốc gia đã phê chuẩn nó. Nghị sĩ liên minh cánh tả nói: “Chưa có quốc gia NATO nào làm được điều đó. Tôi nghĩ câu hỏi quan trọng là liệu một quốc gia NATO có thể giải trừ vũ khí hạt nhân hay không”.
Một mối quan tâm khác của Honkasalo là liên quan đến sự phát triển của Mỹ, bà cho rằng: “Mỹ thực hiện quyền lực đáng kể trong NATO, nhưng sự phát triển dân chủ của họ là rất bấp bênh trong tương lai. Chúng ta không biết ai sẽ được bầu làm tổng thống tiếp theo ở đó, và có thể chính sách lợi ích an ninh của Mỹ rất khác so với của Phần Lan”.
Honkasalo suy nghĩ và nhấn mạnh các đảm bảo an ninh trong điều 5 của NATO. Bà nói: “Việc kích hoạt Điều 5 không bắt buộc tất cả các quốc gia thành viên NATO phải tham gia bảo vệ quốc gia thành viên bị tấn công, nhưng tất cả các quốc gia đều có nghĩa vụ cung cấp một số viện trợ. Chúng ta không thể chắc chắn nội dung sự trợ giúp đó sẽ như thế nào. Tất cả chúng ta đều biết rằng cuối cùng thì mỗi quốc gia vẫn phải chịu trách nhiệm về quốc phòng của mình”.
Bà Honkasalo nói rằng cả những người ủng hộ NATO lẫn những người phản đối và các chuyên gia trong lĩnh vực này đều tin rằng Phần Lan phải chuẩn bị cho những ảnh hưởng và rủi ro quy mô lớn, khó lường từ Nga khi NATO đưa ra quyết định này.
Bà nghị sĩ liên minh cánh tả phát biểu: “Chúng ta cũng có biên giới phía đông rất căng thẳng với Nga. Đó sẽ là một phần vĩnh viễn trong chính sách an ninh quốc phòng của chúng ta. Tôi hầu như không thấy bất kỳ phản ánh nào về việc chuyện biên giới phía đông căng thẳng sẽ có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống hàng ngày của người dân sống trong khu vực đó”.
Tuy nhiên, phản biện của bà `Honkasalo khá nhỏ nhoi trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy khoảng 3/4 dân số Phần Lan ủng hộ quyết định gia nhập NATO.
Ngày 12.5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cùng Thủ tướng nước này Sanna Marin đã ra một tuyên bố chung, xác nhận mong muốn được trở thành một phần của NATO.
Một cơ quan chính phủ đặc biệt bao gồm hai quan chức hàng đầu của Phần Lan và một số thành viên trong nội các dự kiến nhóm họp vào cuối tuần này để viết đơn gia nhập chính thức, sau đó đơn này sẽ được đệ trình lên quốc hội Phần Lan để thông qua.
Các cơ quan lập pháp của mỗi đồng minh NATO cũng sẽ cần phải thông qua việc Phần Lan trở thành thành viên. Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto cho biết quá trình này sẽ không thể hoàn tất trước tháng 10 và có thể kéo dài tới 12 tháng