Tỉnh Tiền Giang đang triển khai xây dựng nhiều công trình ngăn mặn, trữ ngọt ven sông Tiền. Trong những ngày cuối năm, lực lượng lao động của các nhà thầu đang bám công trường với tinh thần khẩn trương để sớm chặn dòng, ngăn nước mặn.

Tiền Giang: Cuộc chạy đua trước Tết trên các công trình ngăn mặn

Mỹ Tho | 31/12/2022, 11:55

Tỉnh Tiền Giang đang triển khai xây dựng nhiều công trình ngăn mặn, trữ ngọt ven sông Tiền. Trong những ngày cuối năm, lực lượng lao động của các nhà thầu đang bám công trường với tinh thần khẩn trương để sớm chặn dòng, ngăn nước mặn.

Anh Dương Thanh Nhã, cũng như các công nhân tại công trình thi công cống ngăn mặn tại đầu kênh Rạch Gầm (xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, Tiền Giang), trong những ngày này không nghỉ Tết dương lịch mà đang lao động rất khẩn trương để đẩy nhanh tiến độ công trình. Công việc giai đoạn “nước rút” rất vất vả nhưng anh em công nhân làm việc rất khí thế, chạy đua với thời gian.

Anh Nhã giải thích: “Tôi làm cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 40 từ đầu công trình cho đến giờ, thi công phần bê tông cốt thép. Công việc phù hợp với sức mình, làm ngày 2 ca. Gần Tết dương lịch anh em phải cố gắng hơn để có thu nhập ăn Tết. Nhà tôi ở Hóc Môn (TP.HCM), tôi với gia đình có việc thì điện thoại  liên lạc”.

z4002373288471_82b76506c3139ebd38afd4ca8f90c057.jpg
Thi công công trình cống ngăn mặn Nguyễn Tất Thành - Ảnh: Mỹ Tho

Tại địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có 6 công trình xây dựng cống ngăn mặn trữ ngọt tại các đầu kênh ven sông Tiền, thuộc địa bàn huyện Châu Thành và Cai Lậy do tỉnh đầu tư, triển khai thi công từ năm 2021 và năm nay. Trong đó, 2 cống đầu kinh Rạch Gầm và Phú Phong (huyện Châu Thành) quy mô lớn nhất. Cả 2 cống này có khẩu độ cống ngang 50 mét; 4 cống còn lại khẩu độ mỗi cống 10 mét. Đặc biệt, 2 cống lớn, mỗi cống có 3 tháp với độ cao hơn 20 mét để vận hành cửa cống.

Các công trình này được thi công trong điều kiện thủy triều lên, nước chảy xiết và các phương tiện thủy vẫn lưu thông bình thường. Nền đất cứng nên thi công cũng rất khó khăn. Để đảm bảo ngăn dòng, ngăn mặn vào trước Tết Quý Mão, các nhà thầu phải huy động tối đa nhân lực, thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo an toàn và công trình đạt chất lượng cao.

Ông Trịnh Bá Kiên, Chỉ huy trưởng công trình của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 40, một trong các nhà thầu thi công cống ngăn mặn, chia sẻ: "Từ trước đến giờ tôi làm công trình này là khó nhất vì địa chất tại đây quá cứng. Máy móc thiết bị của công ty tôi rất lớn nhưng do đất cứng nên đóng rất chậm, phải tăng máy móc, thiết bị. Ví dụ trước đây một công trình chỉ có một giàn đóng cọc, bây giờ đóng chậm nên phải thuê lên 3 giàn để đóng. Công trình này gần xong rồi, rất an toàn. Hiện bên tôi làm việc rất khẩn trương để đến Tết âm lịch xong rút quân".

z4002373282724_adfc6b7bf1a08646acaa7c112df41784.jpg
Kinh Nguyễn Tấn Thành - Ảnh: Mỹ Tho

Trong những ngày trước và sau Tết dương lịch 2023, các công trình thủy lợi ngăn mặn của tỉnh Tiền Giang có đến hơn 100 công nhân, cán bộ kỹ thuật bám công trường. Đến nay, 2 cống Phú Phong và Rạch Gầm đạt tiến độ hơn 70% khối lượng công trình; riêng 4 cống Hai Tân, Mù U, Cái Sơn, Cây Còng do mới thi công nên tiến độ đạt 20%.

Chủ trương của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang là đối với 2 cống Phú Phong, Rạch Gầm phải đóng cửa ngăn dòng trước Tết cổ truyền để làm chức năng ngăn mặn khi nước mặn có nguy cơ xâm nhập sâu.

Ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp - PTNT tỉnh Tiền Giang, đơn vị chủ đầu tư các dự án này cho biết thêm: “Hai cống lớn đến thời điểm này cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra, dự kiến trong tháng 1.2023 sẽ lắp cửa xong hết để đảm bảo công tác ngăn mặn nếu có diễn ra. Tết dương lịch chúng tôi cũng làm luôn và chỉ nghỉ Tết Nguyên đán. Chúng tôi đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ và làm quyết liệt theo chỉ đạo của UBND tỉnh”.

z4002373466970_7eeeb5b119853ae3253006acec0cae50-1-.jpg
Công trình cống ngăn mặn sông Rạch Gầm - Ảnh: Mỹ Tho

Ngoài 6 cống ngăn mặn được tỉnh Tiền Giang đầu tư hơn 860 tỉ đồng sẽ hoàn thành vào giữa năm 2023 và đầu năm 2024, tại địa bàn tỉnh Tiền Giang còn đang thi công dự án ngăn mặn có quy mô lớn tại kinh Nguyễn Tấn Thành (xã Bình Đức - Song Thuận, huyện Châu Thành). Cống ngăn mặn này do Ban Quản lý đầu tư xây dựng Thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT) đầu tư với nguồn kinh phí gần 500 tỉ đồng, được khởi công vào tháng 11 năm nay.

Đây là công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt có quy mô lớn đứng hàng thứ 2 khu vực ĐBSCL. Công trình sẽ hoàn thành trong 18 tháng với phần cống có kết cấu bằng bê tông cốt thép chiều rộng thông nước 40 mét; cửa van bằng thép, đóng mở bằng xi lanh thủy lực, cao trình ngưỡng cống -5,5m. Đặc biệt, phần âu thuyền có kết cấu bằng bê tông cốt thép rộng thông nước 12m. Ngoài ra, còn có các hạng mục phụ trợ như nhà, đường quản lý, hệ thống quan trắc, giám sát tự động.

Hiện các đơn vị thi công công trình này cũng rất khẩn trương để sớm ngăn dòng trước Tết cổ truyền; giúp tỉnh Tiền Giang không phải chi khoảng 20 tỉ đồng/năm để xây đập dã chiến ngăn mặn như các năm trước đây.

z4002373427563_03c0e36bdebb9db5ec0a0904589a9ca5.jpg
Công nhân trên công trình ngăn mặn Tiền Giang - Ảnh: Mỹ Tho

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Tiền Giang, các công trình ngăn mặn trên hoàn thành sẽ có chức năng ngăn mặn, trữ ngọt, chống triều cường, phục vụ cho hàng chục nghìn hecta vườn cây ăn trái chuyên canh của khu vực phía tây tỉnh. Ngoài ra, công trình còn cung cấp nước sinh hoạt mùa khô cho trên 1 triệu người dân các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp. Đây là những công trình, dự án rất có ý nghĩa giúp tỉnh Tiền Giang và các địa phương lân cận thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay và thời gian tới.

Có thể nói, không khí lao động trên các công trình ngăn mặn ở địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện nay rất khí thế, khẩn trương. Các anh em cán bộ kỹ thuật, công nhân đều không nghỉ Tết dương lịch mà quyết tâm bám trụ trên công trường, hăng say lao động với năng suất cao để công trình sớm được hoàn thành, phục vụ đời sống dân sinh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền Giang: Cuộc chạy đua trước Tết trên các công trình ngăn mặn