Phần lớn các trường đang chú trọng vào cơ sở vật chất hào nhoáng và chiến lược truyền thông rầm rộ. Việc này có thể thu hút người học trong ngắn hạn nhưng chắc chắn không thể thay thế cho chất lượng đào tạo và sự phát triển bền vững...
Từ năm 2011 đến nay, số lượng sinh viên vào ĐH đang giảm dần trong toàn hệ thống vì nhiều lý do: học phí tăng, chất lượng giảm, triển vọng việc làm u ám. Hiện tượng này cho thấy lòng tin của xã hội đối với tấm bằng ĐH đã giảm sút nghiêm trọng.
Lương cao là có người tài?
Việc mở rộng tự chủ ở trường công sẽ đặt các trường công vào một vị trí năng động hơn, tăng cường sự cạnh tranh có tính chất thị trường hơn. Bởi lẽ, khi ngân sách nhà nước cấp cho các trường giảm đi, cũng đồng nghĩa với việc nhà trường phụ thuộc vào nguồn thu học phí nhiều hơn và sẽ phải cạnh tranh để giành sinh viên. Trong lúc đó, trường ngoài công lập (NCL) vốn đã khó khăn, nay càng thêm khó trong bối cảnh trường công được mở rộng tự chủ (nghĩa là có thêm lợi thế cạnh tranh và ưu thế so với trường tư).
Bối cảnh đó đòi hỏi các trường phải chủ động thay đổi, cả trường công lẫn trường tư. Do bản chất hướng tới thị trường và phụ thuộc vào thị trường, các trường NCL nhận ra điều này rất nhanh và là những người năng động nhất với việc cải thiện hoạt động. Họ biết rằng có một thời bằng cấp là mục tiêu chủ yếu của người học và là sản phẩm chính mà các trường đem lại, cái thời ấy đã qua rồi.
Nhiều trường ý thức được tầm quan trọng của tài năng và đang cạnh tranh giành người tài bằng những điều kiện lương bổng hấp dẫn. Một vài trường tư đang trả lương cho giới quản lý cấp cao ở mức rất cạnh tranh, thậm chí không thua kém mức lương của các CEO trong những doanh nghiệp nước ngoài. Hầu như lương cao là chiến lược duy nhất của họ để thu hút người tài. Nhưng liệu điều đó có tạo ra được sự ưu tú của các trường?
Theo quan điểm của người viết bài này, câu trả lời là không! Nguồn lực là điều rất quan trọng, tài năng là điều rất quan trọng, đúng thế. Nhưng điều còn quan trọng hơn thế nữa là cái đã nối kết những nguồn lực và tài năng ấy, tức là những nguyên tắc và giá trị thể hiện trong cấu trúc tổ chức và quan hệ công tác của nhà trường, là điều sẽ tạo ra hay xói mòn động lực làm việc tích cực của từng cá nhân.
Khác với những doanh nghiệp thông thường, trường ĐH là nơi mà các giá trị tinh thần là cột trụ sống còn, là lý do tồn tại và là sản phẩm chủ yếu của nó. Nếu các trường đối xử với giảng viên của mình như những người thợ dạy thì họ sẽ xử sự như những người thợ dạy, soạn bài như một việc bất đắc dĩ, lên lớp như để trả nợ quỷ thần, không cần biết đến kết quả đối với sinh viên...
Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực
Tình hình khó khăn trong tuyển sinh của các trường ngoài công lập mấy năm qua sẽ còn tiếp diễn và trong tương lai, chúng ta sẽ chứng kiến sự đào thải tự nhiên khi một số trường buộc phải đóng cửa hoặc sáp nhập do không tuyển được sinh viên. Bài toán luẩn quẩn hiện nay là khả năng chi trả của đại bộ phận dân chúng còn thấp nên khó lòng tăng học phí đại trà mà vẫn giữ được quy mô tăng trưởng; không thể tăng học phí thì cũng khó mà tăng cường chất lượng và đã không có chất lượng tốt thì càng không thể tăng học phí. Trong lúc đó, phân khúc của người giàu thì đã lọt vào tay những trường có yếu tố nước ngoài, là những người dày dạn kinh nghiệm trong việc tạo ra một môi trường quốc tế và vận hành các cơ sở đào tạo với các chuẩn mực được quốc tế chấp nhận.
Bởi vậy, bài toán sống còn đặt ra cho các trường ĐH Việt Nam hiện nay là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Điều đáng tiếc là nhiều trường tư quan niệm hiệu quả quản lý tài chính là giảm chi và tăng thu, mà không thấy rằng bài toán không chỉ là giảm chi bao nhiêu, mà chủ yếu là giảm chi như thế nào và phải tăng chi ở chỗ nào để có thể tạo ra uy tín, chất lượng cũng như nguồn thu trong tương lai. Điều này đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn và một chiến lược đúng đắn trong việc đo lường kết quả hoạt động.
Trong bối cảnh cạnh tranh giành tài năng, những trường có thể thu hút được người tài là những trường không chỉ trả một mức lương xứng đáng mà còn tạo ra được một môi trường khích lệ sự ưu tú, duy trì sự tin cậy và tinh thần cộng sự; một môi trường kích thích đổi mới, khuyến khích sáng tạo và ghi nhận sự đóng góp của các cá nhân. Một môi trường như vậy không mua được bằng tiền mà phải vun đắp và xây dựng với một sức mạnh lãnh đạo thích đáng và một quyết tâm không lay chuyển.
Trong bối cảnh cạnh tranh giành tài năng, những trường có thể thu hút người tài là những trường không chỉ trả một mức lương xứng đáng mà còn tạo ra được một môi trường kích thích đổi mới, khuyến khích sáng tạo và ghi nhận sự đóng góp của các cá nhân.
Phạm Thị Ly (theo Người lao động)