Số lượng ong đang giảm dần. Hơn một nửa số loài dơi ở Mỹ sụt giảm số lượng nghiêm trọng hoặc bị xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Các nhà khoa học quốc tế gần đây cũng tuyên bố loài bướm vua đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Thực phẩm của con người bị đe dọa bởi số lượng động vật giúp thụ phấn giảm

Cẩm Bình | 15/08/2022, 15:44

Số lượng ong đang giảm dần. Hơn một nửa số loài dơi ở Mỹ sụt giảm số lượng nghiêm trọng hoặc bị xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Các nhà khoa học quốc tế gần đây cũng tuyên bố loài bướm vua đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Ong, dơi và bướm đều là động vật giúp thụ phấn. Nếu không có chúng thì trái cây, rau củ cùng nhiều thực vật khác không được thụ phấn - một vấn đề lớn đối với nguồn cung thực phẩm cho con người.

Theo chuyên gia động vật hoang dã Ron Magill thuộc sở thú Miami: “Cứ 3 miếng thức ăn chúng ta cắn thì có 1 miếng liên hệ trực tiếp với động vật giúp thụ phấn”. Khoảng 30% thực phẩm đến được trên bàn ăn là nhờ ong, dơi hoặc bướm.

Cục Quản lý thực phẩm, dược phẩm Mỹ (FDA) xác định táo, dưa, việt quất, bí ngô, bí đao, bông cải xanh, hạnh nhân nằm trong số thực phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất khi số lượng động vật giúp thụ phấn giảm. Đặc biệt, ong giúp thụ phấn cho khoảng 90 loại cây trồng thương mại.

“Tất cả đều được liên kết một cách phức tạp, bạn có thể đang ăn thực phẩm được thụ phấn trực tiếp, cũng có thể là thực phẩm phụ thuộc vào động vật giúp thụ phấn. Đó là hiệu ứng domino”, chuyên gia Magill cho biết.

Lấy thịt gà và thịt lợn làm ví dụ. Lợn và gà đều ăn trái cây, rau củ hoặc thực vật phụ thuộc động vật giúp thụ phấn.

220812150918-01-food-risk-pollinators-climate-split-exlarge-169.jpg
Nhiều loại thực phẩm bị ảnh hưởng khi số lượng động vật giúp thụ phấn giảm - Ảnh: CNN

Khủng hoảng khí hậu làm hại đến các động vật giúp thụ phấn. Hạn hán gay gắt kéo dài hơn là tác động rõ ràng nhất, tuy nhiên nhiệt độ cao còn ảnh hưởng theo nhiều cách khác.

Chuyên gia Magill cho biết: “Bướm nằm trong số côn trùng nhạy cảm với nhiệt độ, nên chúng được xem như chỉ dấu cho biến đổi khí hậu”.

Khí hậu ấm hơn khiến thực vật nở hoa sớm hơn, không đúng thời gian bướm đẻ trứng và lột xác. Những bông hoa làm thức ăn cho bướm sẽ nở hết, chỉ còn lại rất ít ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản và tồn tại của chúng.

Bướm không kiếm được thức ăn thì thực vật cũng không được thụ phấn. Kết quả là cả hai thiệt hại.

Ngoài ra, với loài bướm như bướm vua có tập tính di cư đến nơi xa, thực vật nở hoa sớm có thể khiến chúng không có thức ăn trên đường di cư.

Một báo cáo năm 2019 của Liên Hợp Quốc cảnh báo trong vài thập niên tới có đến 1 triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng do khủng hoảng khí hậu thêm trầm trọng. Chuyên gia Magill đánh giá dự báo này đang xảy ra ở côn trùng.

Các nhà khoa học thuộc Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vào tháng trước đưa bướm vua vào danh sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng: “Biến đổi khí hậu tác động đáng kể đến loài bướm vua, là mối đe dọa phát triển nhanh chóng. Hạn hán hạn chế sự sinh trưởng của nhiều thực vật chi bông tai và làm tăng tần suất cháy rừng, nắng nóng cực đoan khiến di cư diễn ra sớm hơn trước khi thực vật chi bông tai nở hoa, thời tiết khắc nghiệt giết chết hàng triệu con bướm”.

220805085214-05-butterflies-bees-pollinators-climate-change-exlarge-169.jpg
Bướm nhạy cảm với nhiệt độ - Ảnh: CNN

Ong mật cũng bắt đầu cho thấy sự suy giảm đáng báo động từ năm 2006. Đại học Nông nghiệp Auburn cho biết từ tháng 4.2021 đến tháng 4.2022, người nuôi ong ở Mỹ mất khoảng 45% số ong.

Biến đổi khí hậu làm tăng số ký sinh trùng ong mật. Có nghiên cứu chỉ ra rằng ký sinh trùng giết chết ong phổ biến ở vùng khí hậu ấm hơn, nghĩa là nhiệt độ tiếp tục tăng có lợi cho ký sinh trùng phát triển và trở thành thảm họa.

Chuyên gia Magill lưu ý mặc dù thay đổi diễn ra dần dần, nhưng hậu quả cuối cùng với hệ sinh thái vẫn rất lớn, khi đến điểm giới hạn thì một số loài sẽ tuyệt chủng.

220805085207-03-butterflies-bees-pollinators-climate-change-exlarge-169.jpg
Ký sinh trùng ong mật phát triển nhờ nhiệt độ tăng cao - Ảnh: CNN

Ngoài bướm và ong, dơi cũng đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực. Một số nghiên cứu được Bộ Nông nghiệp Mỹ trích dẫn chỉ ra rằng dơi ăn nhiều sâu bệnh giúp tiết kiệm hơn 1 tỉ USD/năm chi phí thuốc trừ sâu và thiệt hại mùa màng, chủ yếu ở lĩnh vực trồng ngô.

Theo chuyên gia Magill: “Bạn sẽ không có rượu tequila nếu không có dơi. Chúng là động vật duy nhất giúp cây thùa - loài thực vật được dùng để sản xuất rượu tequila - thụ phấn”.

Dơi bị khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng giống như bướm và ong. Chuyên gia Magill cho biết: “Dơi cũng nhạy cảm với nhiệt độ. Đã có nhiều vụ dơi chết hàng loạt do nhiệt độ tăng cao trong khi khả năng làm mát của chúng rất hạn chế”.

Không chỉ giúp thụ phấn như bướm và ong, dơi còn là động vật phát tán hạt giống quan trọng giống như chim.

Số lượng động vật giúp thụ phấn giảm là vấn đề toàn cầu, nhưng mỗi cá nhân vẫn có thể góp phần giải quyết, chẳng hạn bằng cách trồng thực vật bản địa trong sân vườn, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và hóa chất...

Bài liên quan
Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo tối ưu hóa quy trình chế biến lương thực - thực phẩm
Ngày 23.11, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ TP.HCM tổ chức vòng thi bán kết và chung kết cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch - năm 2024, tại Trường Đại học Công Thương TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực phẩm của con người bị đe dọa bởi số lượng động vật giúp thụ phấn giảm