Khi công bố thỏa thuận mang tính bước ngoặt với OpenAI tại hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) hôm 11.6 để tích hợp ChatGPT vào iPhone, iPad và Mac, Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook và các cấp phó hàng đầu của ông đã im lặng về các điều khoản tài chính.
Vẫn chưa có câu trả lời về việc công ty nào sẽ trả tiền cho bên kia như một phần của sự hợp tác chặt chẽ mang lại lợi ích tiền tệ lâu dài cho cả hai. Song theo các nguồn tin tóm tắt về vấn đề này, quan hệ đối tác giữa Apple và OpenAI dự kiến sẽ không tạo ra doanh thu đáng kể cho cả hai bên vào thời điểm ban đầu.
Thỏa thuận này gồm việc đưa ChatGPT, chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) phản hồi các truy vấn thông tin bằng ngôn ngữ tự nhiên, vào Siri của Apple và các công cụ viết mới. Theo các nguồn tin của Bloomberg, Apple sẽ không trả tiền cho OpenAI như một phần của quan hệ đối tác. Các nguồn tin yêu cầu giấu tên vì điều khoản của thỏa thuận là riêng tư. Thay vào đó, Apple tin rằng việc thúc đẩy thương hiệu và công nghệ OpenAI tới hàng trăm triệu thiết bị của họ sẽ có giá trị ngang bằng hoặc lớn hơn các khoản thanh toán bằng tiền, các nguồn tin này cho hay.
Trong khi đó, Apple sẽ hưởng lợi từ việc được OpenAI cung cấp một chatbot tiên tiến cho người tiêu dùng, có khả năng lôi kéo họ dành nhiều thời gian hơn trên thiết bị hoặc thậm chí chi tiền để nâng cấp máy.
Đại diện của Apple và OpenAI từ chối bình luận.
Thỏa thuận với OpenAI là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Apple trong lĩnh vực AI. Apple đã vạch ra kế hoạch trong bài phát biểu quan trọng tại WWDC 2024, giới thiệu các tính năng AI cho iPhone, iPad và Mac. Các chức năng ngoài ChatGPT được gắn nhãn là Apple Intelligence, do nội bộ công ty thiết kế.
Ngay cả khi tiền không phải là yếu tố chính trong thỏa thuận Apple - OpenAI thì khoản thanh toán có thể sẽ xuất hiện sau này.
Theo cấu trúc hiện tại, mối quan hệ hợp tác đó có thể gây tốn kém với OpenAI, công ty cần trả tiền cho Microsoft để lưu trữ ChatGPT trên hệ thống điện toán đám mây Azure. Càng nhiều người sử dụng ChatGPT thì chi phí của OpenAI càng tăng. Việc tích hợp ChatGPT vào các thiết bị Apple, dù là tùy chọn với người dùng và chỉ giới hạn ở iPhone 15 Pro/Pro Max, dòng iPhone 16, iPad cùng MacBook dùng chip dòng M, có nguy cơ tăng thêm đáng kể ngân sách điện toán.
ChatGPT sẽ được cung cấp miễn phí trên các thiết bị Apple, nhưng OpenAI và đối tác vẫn có thể kiếm tiền nhờ người dùng miễn phí chuyển sang tài khoản trả phí. Các gói đăng ký của OpenAI khởi điểm ở mức 20 USD/tháng – khoản phí mang đến các tính năng bổ sung như khả năng phân tích dữ liệu và tạo ra nhiều loại hình ảnh hơn.
Hiện nay, nếu người dùng đăng ký gói tính phí của OpenAI trên iPhone và iPad thông qua ứng dụng ChatGPT thì quy trình này sẽ sử dụng nền tảng thanh toán của Apple. Nền tảng này theo truyền thống sẽ mang lại lợi ích cho nhà sản xuất iPhone (được hưởng một phần tiền).
Thỏa thuận giữa Apple với OpenAI không phải là độc quyền và nhà sản xuất iPhone đang thảo luận về việc cung cấp chatbot Gemini của Google như một tùy chọn bổ sung. Thỏa thuận đó dự kiến sẽ được thực hiện vào cuối năm 2024.
Apple cũng tổ chức các cuộc đàm phán với Anthropic với tư cách là đối tác chatbot tiềm năng, các nguồn tin quen thuộc về vấn đề này tiết lộ cho hãng tin Bloomberg.
Ý tưởng cuối cùng là cung cấp hàng loạt chabot AI cho người dùng, tương tự cách Apple có các tùy chọn công cụ tìm kiếm khác nhau trong trình duyệt Safari.
Theo các nguồn tin, Apple đặt mục tiêu kiếm tiền từ AI bằng cách đạt được các thỏa thuận chia sẻ doanh thu. Theo đó, Apple sẽ được hưởng một phần từ những đối tác AI kiếm tiền từ các kết quả trong chatbot trên nền tảng của mình.
Apple tin rằng AI có thể làm giảm dần hàng tỉ USD mà họ nhận được từ thỏa thuận tìm kiếm của Google vì người dùng sẽ ưa thích chatbot và các công cụ khác hơn là công cụ tìm kiếm. Apple sẽ cần tạo ra các thỏa thuận mới để bù đắp cho sự hụt đi này.
Các dịch vụ AI của Apple sẽ không gây tốn kém để cung cấp vì hầu hết chúng được xử lý trên chính thiết bị thay vì thông qua điện toán đám mây. Tuy nhiên, Apple đang tăng cường hoạt động của trung tâm dữ liệu để hỗ trợ các dịch vụ AI trực tuyến mới xử lý các tác vụ nâng cao hơn.
Để Apple Intelligence thành công, công ty sẽ cần mở rộng nó sang các ngôn ngữ và quốc gia khác. Đó có thể là một thách thức ở Trung Quốc, một trong những thị trường nước ngoài lớn nhất của Apple, nơi chatbot AI như ChatGPT và Gemini không khả dụng.
Theo các nguồn tin, Apple đang xem xét thỏa thuận với các hãng công nghệ lớn Trung Quốc như Baidu và Alibaba để cung cấp chatbot AI ở nước này. Hiện Apple Intelligence chỉ có sẵn bằng tiếng Anh (Mỹ), nhưng công ty đang hướng tới việc hỗ trợ nhiều ngôn ngữ hơn vào năm tới.
Hồi tháng 3, trang China Star Market đưa tin Apple chọn sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn Ernie của Baidu cho iOS 18, iPadOS 18 và macOS 15 tại Trung Quốc, sau khi tổ chức các cuộc đàm phán với các công ty Trung Quốc, gồm cả Alibaba và một hãng AI liên kết với Đại học Thanh Hoa.
China Star Market cho biết Apple sẽ sử dụng mô hình AI riêng bên ngoài Trung Quốc nhưng chuyển sang công nghệ của Baidu cho thị trường đại lục dựa trên những cân nhắc về tuân thủ luật.
Công bố hợp tác với OpenAI nhưng Apple đào tạo các mô hình AI nhờ Google trợ giúp
Trong tài liệu kỹ thuật được công bố sau WWDC 2024, Apple tiết lộ rõ rằng Google trợ giúp đắc lực cho hành trình của nhà sản xuất iPhone để bắt kịp các đối thủ ở lĩnh vực AI.
Để xây dựng các mô hình AI nền tảng (mô hình ngôn ngữ lớn), các kỹ sư Apple đã sử dụng khung phần mềm riêng với hàng loạt phần cứng, cụ thể là các bộ xử lý đồ họa (GPU) của mình và những bộ xử lý tensor (TPU) chỉ có trên nền tảng đám mây Google.
Khung phần mềm (framework software) là một cấu trúc được sử dụng để xây dựng phần mềm. Nó bao gồm các đoạn mã được viết sẵn cùng các thư viện, file hình ảnh và tài liệu tham khảo được đóng gói thành một gói. Gói này có thể sửa đổi để phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng dự án.
Nói cách khác, khung phần mềm giống như bộ khung cơ bản cho một ngôi nhà, mà bạn chỉ cần bổ sung nội thất theo mong muốn để hoàn thiện nó. Khung phần mềm giúp các nhà phát triển có thể:
- Tiết kiệm thời gian và công sức: Nhờ sử dụng các mã có sẵn, các nhà phát triển không cần phải viết lại mã từ đầu cho những chức năng cơ bản, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho việc phát triển phần mềm.
- Tăng tính nhất quán: Cung cấp một cấu trúc chung cho việc phát triển phần mềm, giúp đảm bảo tính nhất quán trong mã và giảm thiểu lỗi.
- Dễ dàng bảo trì: Việc sử dụng khung giúp cho việc bảo trì phần mềm dễ dàng hơn, vì các nhà phát triển có thể dễ dàng sửa đổi và cập nhật mã.
- Tăng khả năng tái sử dụng: Các thành phần của khung phần mềm có thể được tái sử dụng trong nhiều dự án khác nhau, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho các nhà phát triển.
Google đã sản xuất TPU trong khoảng 10 năm và công khai thảo luận về việc hai phiên bản chip thế hệ thứ 5 của mình có thể được sử dụng để đào tạo mô hình AI. Google cho biết TPU thế hệ thứ 5 cung cấp hiệu suất có thể cạnh tranh với chip AI Nvidia H100.
Tại hội nghị dành cho nhà phát triển I/O giữa tháng 5, Google thông báo TPU thế hệ thứ 6 sẽ ra mắt vào năm nay. Bộ xử lý này được thiết kế đặc biệt để chạy các ứng dụng AI và đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn. Google đã xây dựng nền tảng phần mềm và phần cứng điện toán đám mây xung quanh chúng.
Apple và Google không trả lời ngay lập tức khi được Reuters đề nghị bình luận về chuyện này.
Apple không thảo luận về mức độ phụ thuộc vào chip và phần mềm Google so với phần cứng từ Nvidia hoặc các nhà cung cấp AI khác.
Thế nhưng, việc sử dụng TPU thường yêu cầu khách hàng mua quyền truy cập chúng thông qua đơn vị đám mây của Google, tương tự cách mua thời gian tính toán từ Amazon Web Services hoặc Microsoft Azure.