Tesla có thể phải chịu mức thuế được tính toán đặc biệt với những chiếc ô tô điện được sản xuất tại Trung Quốc và nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU), như một phần trong quyết định tăng thuế với xe điện Trung Quốc của Ủy ban châu Âu.
Thế giới số

Tesla có thể chịu mức thuế đặc biệt với ô tô điện được sản xuất ở Trung Quốc và nhập khẩu vào EU

Sơn Vân 12/06/2024 22:40

Tesla có thể phải chịu mức thuế được tính toán đặc biệt với những chiếc ô tô điện được sản xuất tại Trung Quốc và nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU), như một phần trong quyết định tăng thuế với xe điện Trung Quốc của Ủy ban châu Âu.

Hôm 12.6, Ủy ban châu Âu, nhánh hành pháp của EU, đã áp dụng mức thuế cao hơn với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc lên tới 38,1%. Biện pháp thuế tạm thời này sẽ có hiệu lực từ ngày 4.7 nếu EU không đạt được giải pháp với chính quyền Trung Quốc. 4 tháng sau đó, các biện pháp chính thức sẽ được thực hiện.

"Vào thời điểm đó, Tesla có thể nhận được mức thuế suất được tính toán riêng biệt", Ủy ban châu Âu cho biết.

Hôm 12.6, Valdis Dombrovskis (Ủy viên Thương mại của EU) nói với đài CNBC rằng Tesla đã đưa ra lý lẽ để giảm thuế suất, điều mà ủy ban đang xem xét.

"Chúng tôi cũng có thể xem xét sâu hơn trong tình hình cụ thể của Tesla và các khoản trợ cấp mà công ty này nhận được cụ thể ở Trung Quốc. Điều đó thực sự có thể dẫn đến mức thuế chống trợ cấp khác nhau", ông nói.

Thuế chống trợ cấp là loại thuế bổ sung được áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu vào một quốc gia nhằm chống lại tác động tiêu cực của việc trợ cấp cho sản phẩm xuất khẩu từ nước khác. Nói cách khác, thuế chống trợ cấp được sử dụng để bù đắp cho lợi thế cạnh tranh mà các nhà sản xuất nước ngoài nhận được do được chính phủ của họ trợ cấp.

Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền hợp pháp của các nhà sản xuất ô tô nước này, sau khi EU quyết định tăng thuế xe điện Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc cáo buộc EU vi phạm quy định về thương mại toàn cầu qua động thái tăng thuế nêu trên.

Vào ngày 22.5, Bắc Kinh từng đe dọa đáp trả khi Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU cho biết thuế nhập khẩu với ô tô có động cơ lớn có thể tăng từ 15% lên 25%.

Sắp tới, EU sẽ đặt thuế quan 17,4% lên ô tô điện BYD, 20% với xe điện của Geely và 38,1% cho xe điện của SAIC. Đây đều là các hãng Trung Quốc bị cáo buộc sản xuất dư thừa ô tô điện và hưởng trợ cấp quá mức từ chính phủ nước này.

Theo hãng tin Reuters, cuộc điều tra chống trợ cấp của EU sẽ tiếp tục tới ngày 2.11. Đây là thời điểm các mức thuế cuối cùng sẽ được áp dụng và thường sẽ giữ trong 5 năm.

Việc EU áp dụng thuế ở các mức khác nhau với các công ty ô tô điện Trung Quốc xuất phát từ đánh giá của khối này về mức độ "hợp tác điều tra" của từng hãng. Mức 21% dành cho các công ty đã hợp tác và 38,1% là mức áp lên những đối tượng không hợp tác, ví dụ SAIC.

Động thái của châu Âu diễn ra sau khi Mỹ vào tháng 5 đã áp thuế hơn 100% với ô tô điện Trung Quốc.

Hôm 14.5, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố mức thuế quan mới với ô tô điện do Trung Quốc sản xuất, tăng gấp 4 lần mức thuế hiện tại từ 27,5% lên 102,5%, cũng như áp các mức thuế mới với pin năng lượng mặt trời, thép và nhôm. Các mức thuế mới sẽ tác động đến 18 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo tạp chí Time, hiện Trung Quốc xuất khẩu rất ít ô tô điện sang Mỹ nên khó có khả năng mức thuế mới sẽ có nhiều tác động trong ngắn hạn. Trong quý 1/2024, chỉ có một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc là Geely xuất khẩu ô tô điện sang Mỹ và hãng này chiếm chưa đến 1% thị phần.

Tuy nhiên, chính quyền Biden giải thích họ lo ngại về lâu dài, các khoản trợ cấp từ Bắc Kinh dành cho ngành công nghiệp ô tô điện có thể giúp phía Trung Quốc giành được thị phần lớn hơn ở Mỹ.

Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, gần đây đã đề cập đến khoản thuế của Mỹ. "Cả Tesla hay tôi đều không yêu cầu áp dụng những khoản thuế này. Tesla cạnh tranh khá tốt trên thị trường Trung Quốc mà không có thuế quan và không có sự hỗ trợ ưu đãi. Tôi ủng hộ việc không thu thuế", tỷ phú 52 tuổi người Mỹ nói vào tháng 5.

Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) là nơi đặt một trong những nhà máy sản xuất ô tô điện lớn nhất của Tesla. Vào năm 2023, Tesla đã giao 947.000 ô tô điện từ nhà máy ở Thượng Hải, với 600.000 chiếc được bán cho thị trường Trung Quốc và xuất khẩu số còn lại, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.

tesla-co-the-chiu-muc-thue-dac-biet-voi-o-to-dien-duoc-san-xuat-o-trung-quoc-va-nhap-khau-vao-eu.jpg
Tesla có thể phải chịu mức thuế được tính toán đặc biệt với những chiếc ô tô điện được sản xuất tại Trung Quốc và nhập khẩu vào EU - Ảnh: WSJ

Cuối tháng 2, Nhà Trắng cho biết Mỹ đang mở một cuộc điều tra về việc liệu ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc có gây ra rủi ro an ninh quốc gia hay không và có thể áp đặt các hạn chế do lo ngại về công nghệ ô tô “được kết nối”.

Nhà Trắng tuyên bố cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ là cần thiết vì các phương tiện "thu thập lượng lớn dữ liệu nhạy cảm về tài xế và hành khách, thường xuyên sử dụng camera và cảm biến để ghi lại thông tin chi tiết về cơ sở hạ tầng của Mỹ".

Vì các ô tô tự lái có thể "được điều khiển hoặc vô hiệu hóa từ xa", Bộ Thương mại Mỹ cũng sẽ xem xét các loại xe này.

Thời điểm đó, Tổng thống Joe Biden tuyên bố: “Các chính sách của Trung Quốc có thể làm thị trường Mỹ ngập tràn xe của họ, gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra dưới dưới sự quản lý của tôi".

Khi cuộc chiến về giá trong nước và tốc độ tăng trưởng chậm lại thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tìm người mua những chiếc xe điện giá cả phải chăng với đầy công nghệ ở nước ngoài, họ đang gặp phải các rào cản thương mại ở cả những nơi khác ngoài Mỹ và EU.

Brazil gần đây đã dỡ bỏ chính sách miễn thuế với ô tô điện nhập khẩu. Nga, đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh và là điểm đến lớn nhất cho xuất khẩu ô tô Trung Quốc kể từ cuộc chiến với Ukraine, cũng yêu cầu các hãng ô tô ở cường quốc châu Á này xem xét địa phương hóa sản xuất (hay sản xuất tại Nga).

Elon Musk thúc đẩy kế hoạch sử dụng dữ liệu ô tô điện ở Trung Quốc cho tham vọng AI của Tesla

Tesla đang thúc đẩy kế hoạch sử dụng dữ liệu từ Trung Quốc để phát triển hệ thống hỗ trợ lái ô tô điện của mình toàn cầu, những người có kiến thức về công việc này chia sẻ với Reuters.

Là một phần trong nỗ lực đó, Tesla đã triển khai kế hoạch cho một trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc để đào tạo thuật toán cần thiết cho các ô tô điện tự lái hoàn toàn, theo hai nguồn tin của Reuters.

Đến gần đây, Tesla đã tập trung vào nỗ lực đảm bảo được các cơ quan quản lý chấp thuận để chuyển dữ liệu do ô tô điện của họ tạo ra ở Trung Quốc khỏi nước này để phục vụ cho hệ thống Full Self Driving (FSD).

Chưa rõ liệu Tesla có tiến hành cả hai lựa chọn để xử lý dữ liệu lái tự động từ Trung Quốc là chuyển ra nước ngoài và xây trung tâm dữ liệu ở địa phương, hoặc triển khai hai kế hoạch song song như một biện pháp phòng ngừa.

Những nỗ lực này nhấn mạnh việc chuyển hướng của Tesla nhằm tạo đột phá trong lĩnh vực AI vào thời điểm nhu cầu ô tô điện đang chậm lại và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc.

Nỗ lực sử dụng đầy đủ hơn dữ liệu từ các ô tô điện ở Trung Quốc để phát triển AI cho việc hỗ trợ lái xe của Tesla diễn ra khi chính phủ Mỹ đang cố gắng hạn chế việc chuyển giao công nghệ AI từ các công ty Mỹ sang quốc gia châu Á này.

Tesla vẫn chưa thể cung cấp phiên bản đầy đủ của FSD (có giá tương đương gần 9.000 USD) tại Trung Quốc.

Thị trường rộng lớn hơn cho FSD ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của Tesla vào thời điểm gặp áp lực từ các đối thủ trong nước này, chẳng hạn BYD (hãng sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc).

Việc xây một trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc để phát triển FSD sẽ yêu cầu Tesla phải hợp tác với một đối tác nước này, theo hai nguồn tin của Reuters. Ngoài ra, hãng ô tô điện Mỹ còn gặp thách thức tiềm năng về tìm nguồn cung ứng phần cứng.

Tesla đã có các cuộc thảo luận với Nvidia về việc mua các bộ xử lý đồ họa (GPU) cho một trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc, theo một trong những người được thông báo về các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, chính quyền Biden đã cấm Nvidia và các công ty Mỹ khác xuất khẩu chip AI tiên tiến nhất sang Trung Quốc.

Nvidia từ chối bình luận về việc liệu hãng có đàm phán với Tesla hay không.

Chiến dịch tận dụng nhiều hơn dữ liệu từ Trung Quốc của Tesla đã được đẩy mạnh khi Giám đốc điều hành Elon Musk có chuyến đi gấp rút tới Bắc Kinh vào tháng trước và gặp các quan chức nước này, trong đó có Thủ tướng Lý Cường.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc, Elon Musk tìm cách để được cấp phép cho việc chuyển dữ liệu của Tesla ra nước ngoài, hai nguồn tin của Reuters cho biết. Khả năng Tesla đầu tư xây một trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc cũng được đề cập đến.

Elon Musk cũng thảo luận về khả năng Tesla cấp phép hệ thống FSD của mình cho các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc. Hồi tháng 4, tỷ phú này cho biết Tesla đang nói chuyện với một nhà sản xuất ô tô lớn khác về về việc cấp phép FSD nhưng không nêu tên.

Trung Quốc sở hữu đội ô tô được trang bị cảm biến lớn nhất có khả năng thu thập dữ liệu từ các thành phố đông đúc với mô hình giao thông phức tạp, khiến dữ liệu được tạo ra ở đây trở nên có giá trị với các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp AI. Trung Quốc cũng chính là thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Trước đây, Elon Musk phản đối ý tưởng Tesla xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Trung Quốc, cho rằng việc chuyển dữ liệu sang Mỹ là lựa chọn hiệu quả nhất.

Kể từ năm 2021, Tesla đã lưu trữ dữ liệu, mà các ô tô điện ở Trung Quốc của hãng thu thập, tại thành phố Thượng Hải. Trong thời gian đó, đội ngũ của Tesla ở Trung Quốc đã tìm kiếm sự chấp thuận từ các cơ quan quản lý để chuyển dữ liệu ra khỏi nước này.

Theo dự án thí điểm kéo dài một năm, các công ty ở khu vực Lingang của Thượng Hải, nơi đặt nhà máy Tesla, sẽ được phép chuyển một số dữ liệu nhất định mà không cần đánh giá thêm về bảo mật, Reuters đưa tin.

Một số nhà phân tích nói rằng Elon Musk đang cố gắng biến Trung Quốc thành bệ phóng cho ô tô điện tự lái giống như cách Tesla đặt cược vào nhà máy ở Thượng Hải năm 2019, giúp hãng này bứt phá trở thành nhà sản xuất xe điện cho thị trường đại chúng.

Bài liên quan
Cuộc chiến về giá ô tô điện Trung Quốc lan sang Đông Nam Á khi các hãng kiếm lợi nhuận cao hơn để bù lỗ
Cuộc chiến về giá giữa các hãng sản xuất ô tô điện Trung Quốc đang lan rộng ra thị trường nước ngoài. Hơn 12 công ty Trung Quốc tìm cách bán ô tô điện ở nước ngoài để tăng doanh số và theo đuổi lợi nhuận cao hơn để bù lỗ trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tesla có thể chịu mức thuế đặc biệt với ô tô điện được sản xuất ở Trung Quốc và nhập khẩu vào EU