Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương đánh giá tăng trưởng quý 2/2024 rất đột phá, tạo nền tảng tốt để có thể đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Thị trường và chính sách

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Tăng trưởng quý 2 rất đột phá

Lam Thanh 06/07/2024 18:58

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương đánh giá tăng trưởng quý 2/2024 rất đột phá, tạo nền tảng tốt để có thể đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Tăng trưởng nửa đầu năm rất tích cực

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương đánh giá kết quả tăng trưởng GDP quý 2 và 6 tháng đầu năm của năm 2024 là rất tích cực.

“Đây được đánh giá như là một tăng trưởng đột phá, tạo nền tảng khá tốt để có thể đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 01 của Chính phủ và cũng đúng theo mục tiêu của Nghị quyết 01 là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng duy trì kinh tế vĩ mô”, ông Phương nói.

Chính vì vậy, trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ KH-ĐT đã xây dựng 2 phương án kịch bản để trình Chính phủ, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành những tháng cuối năm. Trong đó, Bộ KH-ĐT đã tham mưu Chính phủ phương án cao hơn, đó là kịch bản 2 với dự kiến cả năm đạt 7%.

“Nếu theo phương án này, quý 3 và 4 lần lượt tăng khoảng 7,4-7,6%. Mặc dù trên 7% là mức cao nhưng chúng ta hoàn toàn có khả năng phấn đấu được trong bối cảnh chúng ta cố gắng khắc phục các yếu tố hạn chế như nêu trong báo cáo trình Chính phủ sáng nay”, ông Phương nói.

phuong-1.jpg
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương

Về khả năng thu hút FDI, theo ông Phương, đến nay tổng kết lại trong 6 tháng đầu năm, kết quả duy trì ở mức khá. Tổng vốn FDI đăng ký của 6 tháng đạt gần 15,2 tỉ USD, tăng 13,1%. Trong đó, FDI đăng ký mới là hơn 9,5 tỉ USD, tăng 46,9%. Đây là con số đáng lưu ý, bởi vốn đăng ký mới tức là dự án mới vào sẽ gia tăng năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỉ USD, tăng 8,2%, cũng là mức tăng trưởng khá. Trong đó cũng có ghi nhận rất nhiều dự án mới, quy mô lớn được đầu tư. Đối với kỳ vọng của 6 tháng cuối năm, Bộ KH-ĐT bày tỏ lạc quan.

Đánh giá của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước về triển vọng thu hút FDI, xu hướng tích cực vẫn được duy trì nhờ 3 yếu tố hết sức quan trọng:

Một là chiến lược đa dạng hóa thích ứng của các nhà đầu tư. Xu thế này chúng ta đã thực hiện sau đại dịch COVID, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đón nhận vốn đầu tư của thế giới.

Thứ hai là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở quý 1 cho thấy nhiều triển vọng và người ta sẽ kỳ vọng rất nhiều vào nền kinh tế có sức phục hồi lớn đang diễn ra, sẽ là yếu tố tốt để tác động đầu tư.

Cuối cùng là kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn từ bên ngoài liên quan đến vấn đề giá cả một số mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Phương, điều tra của Bộ KH-ĐT thấy rằng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn được tiếp tục đầu tư ở Việt Nam.

“Qua đó, chúng ta có thể kỳ vọng thu hút đầu tư vốn FDI cả năm 2024 vẫn cố gắng đạt khoảng 39-40 tỉ USD, tương đương hoặc cao hơn chút so với cùng kỳ năm 2023”, ông Phương nói.

Tiếp tục đề xuất hỗ trợ hàng chục nghìn tỉ đồng

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng mặc dù thực hiện các chính sách giãn, giảm, gia hạn thuế, phí sẽ tác động tới nguồn thu ngân sách, nhưng bộ tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách tài khóa trong thời gian tới, nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Trong nhóm các chính sách sẽ được ban hành thời gian tới, phải kể đến chính sách giảm thuế GTGT. Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian thực hiện giảm mức thuế GTGT đến hết năm 2024. Chính phủ đã trình Quốc hội tiếp tục kéo dài thời gian giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ 1.7.2024 đến hết ngày 31.12.2024.

Theo đó, dự kiến làm giảm ngân sách nhà nước thêm khoảng 24 nghìn tỉ đồng, tổng số giảm thu do thực hiện chính sách cả năm khoảng 47,5 nghìn tỉ đồng (bao gồm khoảng 23,5 nghìn tỉ đồng dự kiến giảm trong 6 tháng đầu năm).

phuong-2.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2024 theo Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính dự kiến ban hành thông tư tiếp tục giảm mức thu đối với khoảng 36 khoản phí, lệ phí, áp dụng từ ngày 1.7.2024 đến hết ngày 31.12.2024, dự kiến tác động giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 700 tỉ đồng.

Về chính sách giảm thuế xuất, nhập khẩu, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP. Dự kiến việc điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu này tác động giảm thu ngân sách nhà nước gần 590 tỉ đồng/năm.

Theo Bộ trưởng, mặc dù giảm thu ngân sách nhà nước liên quan đến việc miễn, giảm, hỗ trợ các loại thuế, phí, lệ phí nhưng không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm nay. Trong 5 tháng đầu năm, số thu ngân sách đạt 52,8% dự toán, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2023, trong khi tổng chi ngân sách đạt 31% dự toán, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Vì thế, trong nửa cuối năm nay, giả sử ngân sách có giảm thu do giảm thuế giá trị gia tăng và các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được ban hành, tăng chi để đẩy nhanh đầu tư công, thì cân đối thu - chi ngân sách vẫn bảo đảm, nợ công, nợ chính phủ vẫn rất an toàn.

"Mặc dù chúng ta thực hiện tốt các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí thì chúng ta vẫn phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu, từ đó kiểm soát lạm phát, ngăn chặn việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu một cách vô lý", bộ trưởng Phớc nêu.

Bài liên quan
Nhu cầu chip AI của Nvidia vẫn bùng nổ nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại khiến nhà đầu tư lo ngại
Nvidia hôm 20.11 dự báo mức tăng trưởng doanh thu chậm nhất trong 7 quý, không đáp ứng được kỳ vọng cao của một số nhà đầu tư đã biến hãng chip trí tuệ nhân tạo (AI) Mỹ này thành công ty có giá trị nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Tăng trưởng quý 2 rất đột phá