Tội phạm lừa đảo đưa nạn nhân vào “mê hồn trận”, đẩy họ vào sự hoang mang tột độ để buộc chuyển tiền cho chúng. Đến khi chuyển tiền xong thì mới biết bị lừa.
Nhân tình lãng mạng từ phương xa
Hằng ngày, chị Nguyễn Thị K (SN 1989, ngụ huyện Hóc Môn) thường có thói quen lên mạng để kết bạn. Ngày 6.6.2015, K nhận được điện thoại từ số 447031915534 của một người nước ngoài tự xưng tên là Alexander Graham (quốc tịch Anh, làm việc tại Liverpool) xin làm quen. K và Alexander Graham trò chuyện, nhắn tin qua lại mỗi ngày. Vẻ hào hoa, ga-lăng dù chỉ qua hình ảnh và lời nói của một thanh niên ở trời tây làm rung rinh trái tim mới lớn như K và làm cô gái vùng ngoại thành thổn thức bao đêm.
Ngày 21.6, Graham nhắn tin nói muốn gởi tặng K một số món quà gồm: một điện thoại iPhone, một iPad, một điện thoại Blackberry, hai túi xách hiệu LV, một đồng hồ vàng và một số đồ khác. Số quà này được gửi theo đường Malaysia về cho K.
Khoảng 10 giờ ngày 22.6, từ số điện thoại 60143778415, một người phụ nữ Việt Nam gọi cho K nói với K là hàng gửi về bị trục trặc phải đóng thuế với số tiền là 915 USD và K phải đổi ra tiền Việt gửi vào tài khoản số 4214945800253601 của Trần Thành Trung. 10 giờ ngày 22.6, cô gái mới lớn đến ngân hàng ACB (số 442 Nguyễn Thị Minh Khai, P5Q3) để chuyển vào tài khoản trên số tiền là 19,9 triệu đồng.
10 giờ ngày 23.6, K lại nhận được điện thoại từ số 60143778145 một người phụ nữ nói tiếng Việt nói với K là lô hàng gửi bị trục trặc vì phát hiện trong lô hàng có số tiền là 30.000 USD, K phải đóng thuế 10% nếu không đóng thì không nhận được hàng. K tiếp tục đến ngân hàng ACB gửi tiếp vào tài khoản trên số tiền là 65,206 triệu đồng. Sau đó, Graham tiếp tục điện thoại, nhắn tin nói K yên tâm hàng sẽ về.
|
Nhiều phụ nữ tin vào lời hứa ảo trên các trang mạng xã hội đã bị lừa. |
Ngày 26.6, Graham điện thoại cho K và nhắn tin kèm theo hóa đơn xác nhận là đã gửi quà và nộp phạt. Graham nói K gửi thêm 7.000 USD nữa thì sẽ nhận được quà. Ngày 19.7, Graham nói sẽ qua Việt Nam gặp K. Sau đó, K đã điện thoại nhưng không thể liên lạc được với tên Trần Thành Trung (đứng tên tài khoản 4214945800253601). Nghi ngờ bị lừa đảo nên ngày 26.6, K đến CA P5Q3 trình báo vụ việc bị lừa đảo mất 85,110 triệu đồng.
Việc cho thấy, đối tượng lừa đảo lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người bị hại, đánh vào tâm lý muốn giao lưu kết bạn, nhất là người nước ngoài… từ đó hướng nạn nhân thực hiện việc chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định để “nhận được quà gửi”. Sau khi lấy được tiền, chúng sẽ xóa bỏ tài khoản trong ngân hàng.
Độc chiêu "nợ tiền trước"
Lúc 16 giờ chiều 9.11, ông Nguyễn B (SN 1956, ngụ P2Q3) đến CA P6Q3 trình báo lúc 9 giờ sáng cùng ngày, ông đang ở nhà thì nhận được điện thoại bàn của một người phụ nữ báo ông nợ tiền cước, số tiền tổng cộng là 8,930 triệu đồng.
Ông B nói không nợ tiền, thì nghe hướng dẫn bấm tiếp số 0 để được giải thích. Sau đó, ông B bấm số 0 thì gặp một người phụ nữ tự xưng tên Lê Thị Kim Chi. Người này nói ông bị mạo danh số điện thoại 0438461314, sau đó hướng dẫn ông B gặp CA Hà Nội để CA Hà Nội có văn bản cho bên VNPT để ông B không đóng số tiền nợ cước trên.
Tiếp theo, Chi chuyển máy cho ông B gặp một người đàn ông tự xưng là “thiếu úy” Đinh Quốc Bảo. “Thiếu úy” Bảo nói đang điều tra đường dây nhân viên ngân hàng và một số cán bộ CA mua bán hồ sơ cá nhân để lừa đảo, trong đó ông B. nằm trong đường dây nói trên.
Sau đó, Bảo nối máy cho ông B gặp sếp của Bảo tên là Phong. Phong hướng dẫn ông B rút hết tiền trong sổ tiết kiệm và đổi ngoại tệ ra tiền Việt rồi chuyển khoản qua tài khoản số 000013078327 do Hoàng Quốc Việt, làm “thanh tra nhà nước” để kiểm tra, sau 24 giờ sẽ chuyển trả lại và trả cho ông B 200.000 đồng tiền phí.
Tin tưởng đây là tài khoản của cơ quan nhà nước nên ông B. đã đi rút tiền trong sổ tiết kiệm và chuyển vào tài khoản trên với số tiền 800 triệu đồng tại ngân hàng PV combank (số 19 Phạm Ngọc Thạch, P6, Q3). Sau khi chuyển tiền xong, biết mình bị lừa nên ông đến CA P6 Q3 trình báo.
Sau vụ ông B bị lừa 3 ngày, sáng 12.11, bà Dương Thị H (SN 1943, ngụ P3, Q3) có nhận được điện thoại báo nợ cước điện thoại là 8,920 triệu đồng từ một phụ nữ lạ mặt với lời lẽ đầy đe dọa.
Sau đó, đối tượng lừa đảo hướng dẫn bà H gọi điện thoại đến số 04108 để được tổng đài viên cho số điện thoại trực ban CA Hà Nội gặp “thiếu tá” Hùng. Viên “thiếu tá” nói với bà H là có kẻ gian đã lấy hồ sơ ngân hàng của bà H bán cho người nào đó để khai thác thông tin và hướng dẫn bà H gửi tiền.
Đến 10 giờ cùng ngày, bà H rút 46,766 triệu đồng tại ngân hàng Eximbank (số 619 Nguyễn Đình Chiểu, P2, Q3). Sau đó, người đàn ông tên Kiên điện thoại báo bà H đến ngân hàng xây dựng Việt Nam (số 426 Nguyễn Thị Minh Khai, P5, Q3) gửi 460 triệu đồng vào tài khoản 038001000024 (người nhận Nguyễn Tam Quyết) và hẹn chuyển trả lại tiền vào lúc 8 giờ ngày 13.11.
Đến ngày hẹn, người đàn ông tên Kiên gọi lại báo bà H đến ngân hàng VIB (51 Nguyễn Thị Minh Khai, P. Bến Thành, Q1) gửi tiếp vào tài khoản 037704060028135 (người nhận Vũ Văn Biên) số tiền 46 triệu đồng.
Đến tối nghi ngờ bị lừa, bà H đến CAP5Q3 trình báo. “Tổng số tiền mà bọn lừa đảo lấy của tôi là 506,011 triệu đổng. Đây là số tiền mà dành dụm cả đời mới có. Gia đình tôi trông mong vào số tiền này để sồng những ngày tuổi già” - nạn nhân H tâm sự.
8 giờ sáng ngày 17.11, bà Trần Thị Nên (SN 1943, ngụ đường Lê Văn Sỹ, P12Q3) nhận được điện thoại từ số 004 439424244 gọi đến nói bà Nên đang thiếu tiền cước điện thoại với số tiền là 8 triệu đồng, do một người ở Hà Nội dùng tên của bà nên mở tài khoản để sử dụng tiền của bà Nên.
Sau đó chuyển máy cho người khác và xưng là công an Hà Nội (tên Minh) nói với bà Nên là cần làm rõ để điều tra và yêu cầu bà Nên chuyền số tiền là 1,053 tỉ đồng vào tài khoản số 0251002420928 đứng tên Dương Thị Hương, xong việc sẽ trả lại cho bà Nên.
Bà Nên đến ngân hàng Vietcombank chi nhánh Kỳ Đồng (P9, Q3) chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản trên. Đối tượng này tiếp tục yêu cầu bà Nên chuyển tiếp 600 triệu đồng nữa nhưng bà Nên chưa chuyển và nghi ngờ mình bị lừa nên 14 giờ 17.11, bà Nên đến CAP9 trình báo. CAQ3 lập hồ sơ truy xét.
Chiêu thức lừa "xưa như trái đất"
Thiếu tá Lê Ngọc Lý - đội trưởng đội xây dựng phong trào, CA Q3 cho biết, những vụ lừa đảo kiểu này rộ lên từ cuối năm 2014. Đối tượng thường gọi đến số bàn rồi sử dụng tin nhắn thoại để nói chuyện với “con mồi”, thường là phụ nữ lớn tuổi.
Chúng thông báo cho chủ thuê bao là đang nợ cước điện thoại, muốn rõ thêm thì bấm phím số 0 để được hướng dẫn. Thông thường có người cúp máy thì không bị lừa nhưng vẫn có người bấm phím số 0, rồi được chỉ dẫn vào số ảo của trực ban CA Hà Nội. Từ đây, đối tượng nam bắt đầu câu “con mồi” và bắt đầu hành vi lừa đảo.
Bọn chúng thường có thông tin của “con mồi” là đang có một khoản tiền gửi trong ngân hàng. Đối tượng tự xưng là CA, Viện kiểm sát, tòa án, thanh tra… để hù “con mồi”. Hiện nay, bọn chúng còn dọa nạn nhân là “dính” vào mua bán ma túy, rửa tiền..., đề nghị chuyển tiền qua tài khoản của đối tượng để điều tra. Nghe xong, một số phụ nữ sợ hãi, đi chuyển tiền xong thì mới biết bị lừa.
Trung tá Lê Minh Lê - đội trưởng đội tham mưu, CA Q3 thông tin, trong tháng 11.2015 đã có ít nhất 4 vụ lừa đảo tương tự. Thủ đoạn, phương thức lừa đảo không mới dù các nhà mạng và CA đã tuyên truyền đến từng hộ dân.
CA Q3 khuyến cáo, khi cơ quan nhà nước có việc với người dân thì sẽ gửi giấy mời, không gọi điện thoại như các đối tượng vừa qua thực hiện. Trước tình hình đó, CA Q3 đang triển khai các biện pháp nghiệp vụ và phòng ngừa. Năm ngoái, đã xảy ra hơn mười vụ lừa đảo tại Q3, CA Q3 đã bắt được bảy đối tượng lừa đảo qua điện thoại, trong đó có một người Đài Loan (Trung Quốc). CA 14 phường trên địa bàn đã phát cảnh báo và tuyên truyền đến từng địa bàn.
Hà Tiên