Trong những ngày hè năm 2018, thế giới đang chứng kiến tình trạng thời tiết cực đoan ở khắp các châu lục. Nơi liên tục phải hứng chịu bão, nơi chịu cảnh nhiệt độ tăng cao bất thường.

Thời tiết cực đoan hoành hành khắp thế giới

Anh Tú | 24/07/2018, 06:57

Trong những ngày hè năm 2018, thế giới đang chứng kiến tình trạng thời tiết cực đoan ở khắp các châu lục. Nơi liên tục phải hứng chịu bão, nơi chịu cảnh nhiệt độ tăng cao bất thường.

Theo Reuters, Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết ngày 23.7 nắng nóng đẩy nhiệt độ lên tới 41,1 độ C tại thành phố Kumagaya, tỉnh Saitama. Đây là mức nhiệt kỷ lục trong bộ số liệu thống kê được tại các thành phố trên cả nước từ năm 1896, cao hơn nhiệt độ trung bình cùng kỳ 12 độ C.

Theo Kyodo News, từ ngày 9.7, ít nhất 44 người đã thiệt mạng. Riêng ngày 21.7, ít nhất 11 người chết do say nắng, chủ yếu là người cao tuổi. Tuần trước, giới chức cho biết thời tiết khắc nghiệt cũng khiến hơn 12.000 người phải nhập viện trong hai tuần đầu tháng 7, phần lớn trong giai đoạn ngày 9-15.7. Theo CNN ở Nhật lúc này thì chỉ còn đảo Hokkaido ở phía Bắc chưa bị ảnh hưởng của đợt nóng khủng khiếp. Việc nắng nóng như vậy khiến người ta rất quan ngại trước việc Nhật sẽ ứng phó ra sao khi chuẩn bị đăng cai Olympic mùa hè 2020.

Hàn Quốc cũng đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt dù ở mức độ thấp hơn Nhật. Theo hãng thông tấn Yonhap, nhiệt độ thấp nhất đo được lúc sáng 23.7 là 37 độ C tại thành phố Daegu, ở thành phố Incheon là 34 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ ghi nhận tại thủ đô Seoul là 35 độ C. Từ ngày 15 đến 17.7 tại Hàn Quốc đã có 237 người nhập viện vì nắng nóng.

Thời tiết nắng lên còn ảnh hưởng ở những vùng hàn đới. Các trạm ở phía bắc bán đảo Scandinavia vừa qua chịu nóng lên đến 32 độ C một cách bất thường. Ở Bắc Mỹ cũng có những trải nghiệm tương tự. Đầu tháng 7, Canada ghi nhận nhiệt độ lên đến 36,6 độ C và nóng bức được coi là nguyên nhân khiến 70 người tử vong ở Quebec. Ở Mỹ, nắng nóng ảnh hưởng lên tất cả các bang và riêng tại Dallas ghi nhận nhiệt độ cao trên 40 độ C. Lúc này, người ta thực sự lo ngại nắng nóng sẽ đẩy nhanh việc tan băng ở Bắc cực.

Trên CNN, chuyên gia khí hậu Katharine Hayhoe phân tích: “Nóng lạnh, khô ẩm là chuyện bình thường của khí hậu nhưng giờ đây, thay đổi khí hậu đang chống lại chúng ta. các đợt nắng nóng hay mưa lớn diễn ra dồn dập với cường độ ngày càng mạnh hơn trước đây”. CNN cũng ý tứ nhắc lại phát biểu của ông Donald Trump về việc không tin vào kịch bản Trái đất đang nóng dần lên. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo thế giới cần hành động trước khi lượng khí thải bơm vào khí quyển quá nhiều, hiệu ứng nhà kính lên cao và thời tiết trở nên khó kiểm soát.

Trong khi đó, Trung Quốc đang phải gồng mình chống chịu các cơn bão. Sáng 23.7, do ảnh hưởng từ bão Ampil tại Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Hồ Bắc đã có mưa to. Chính quyền Bắc Kinh phát lệnh cảnh báo màu xanh, mức cảnh báo thấp nhất trong 4 thang cảnh báo về thời tiết và kêu gọi người dân đề phòng lở đất tại khu vực miền núi.

Đây là cơn bão thứ 10 đổ bộ vào Trung Quốc từ đầu năm cho đến nay. Tại tỉnh Chiết Giang và Giang Tô, hơn 42.500 người đã đi sơ tán, hơn 28.000 tàu thuyền các loại đã trở về cảng tránh bão. Các tỉnh nội địa ở Trung Quốc cũng bị vạ lây từ bão do phải lũ lụt. Riêng ở tỉnh Cam Túc, trong tuần qua đã có 12 người thiệt mạng và 39 người bị thương do mưa lớn xối xả và lũ quét.

A.T
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thời tiết cực đoan hoành hành khắp thế giới