Trong một tuyên bố, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lên án một công ty bán vắc-xin phòng bệnh dại kém chất lượng là “vượt qua lằn ranh đạo đức”, và ông yêu cầu điều tra vụ bê bối này lập tức.

Công ty Trung Quốc bán vắc-xin phòng bệnh dại dỏm

Trần Trí | 23/07/2018, 13:28

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lên án một công ty bán vắc-xin phòng bệnh dại kém chất lượng là “vượt qua lằn ranh đạo đức”, và ông yêu cầu điều tra vụ bê bối này lập tức.

Trong tuyên bố trên trang web của chính phủ Trung Quốc khuya 22.7, Thủ tướng Lý cũng cho biết kẻ sai phạm sẽ bị giao công an xử lý, nói vụ bê bối này đã “vượt qua lằn ranh đạo đức”, và nhân dân cần một lời giải thích rõ ràng:

“Chúng ta sẽ quyết tâm bài trừ những hành vi hình sự và trái phép, gây nguy hiểm cho tính mạng người dân, kiên quyết trừng phạt kẻ phạm pháp theo luật, và kiên quyết, nghiêm khắc phê phán sự lơ là nhiệm vụ giám sát-quản lý”.

Vị Thủ tướng còn nói Hội đồng Bộ trưởng (chính phủ Trung Quốc) nên lập tức cử đoàn điều tra nhằm thật sớm tìm ra sự thật, và bất kỳ sai phạm nào sẽ bị xử lý nghiêm, bất kể ai dính líu.

“Ăn năn hối hận” nhưng cũng vẫn tiếc của tiếc tiền

Giới truyền thông nhà nước đưa tin Trường Sinh vào chiều 22.7 đã công khai xin lỗi và đã thu hồi vắc-xin phòng bệnh dại đang có mặt trên thị trường: “Chúng tôi rất ăn năn, có tội trước việc đã xảy ra, và chúng tôi xin lỗi tất cả những ai đã tiêm vắc-xin và các nhà điều tra”.

Công ty cũng cho biết “đã rút bài học sâu sắc”. Nhưng trong báo cáo về cổ phần chứng khoán lúc sáng 22.7, Trường Sinh nói việc ngưng dây chuyền sản xuất vắc-xin phòng bệnh dại sẽ tác động xấu đến nguồn tài chính của công ty, và một số cơ quan phòng chống dịch bệnh đã cấm sử dụng một số loại vắc-xin khác của công ty.

Cổ phần Trường Sinh “rớt” 10% giá trị hôm 20.7, đứng ở mức 14,5 Nhân dân tệ (2,14 USD). Công ty đã bị mất 40% giá trị từ ngày 13.7.

Trường Sinh “báo cáo láo” về quytrình sản xuất

Theo Reuters ngày 23.7, vụ bê bối này gây phẫn nộ trên mạng xã hội, là “cú tát” cơ quan quản lý dược Trung Quốc vốn chật vật “làm sạch” công nghệ dược phẩm Trung Quốc (lớn hàng thứ hai thế giới) và cổ động sản xuất vắc-xin trong nước.

Vụ bê bối bùng phát một tuần trước, sau khi Công ty kỹ thuật sinh vật Trường Sinh bị phát hiện vi phạm các tiêu chuẩn khi sản xuất vắc-xin phòng bệnh chó dại cắn người. Nhưng xem ra chưa có báo cáo nào về người bị bệnh dại sau khi được tiêm.

Cục quản lý thực phẩm-dược phẩm Trung Quốc (CFDA) ra tuyên bố tối 22.7, cho biết cuộc điều tra đã phát hiện Trường Sinh “báo cáo láo” về khâu sản xuất và quytrình kiểm soát chất lượng sản phẩm, cố tình thay đổi các thông số và dụng cụ, tức “vi phạm nghiêm trọng luật pháp và quyđịnh sản xuất dược phẩm”.

CFDA cho biết ngày 15.7 đã ra lệnh Trường Sinh phải ngưng sản xuất vắc-xin phòng bệnh dại, đồng thời cho biết số sản phẩm bị phát hiện đang được bán và tất cả các vắc-xin liên quan đều bị thu hồi.

Giấy phép kinh doanh, sản xuất vắc-xin này của Trường Sinh cũng bị CFDA thu hồi. Cục xác nhận các vắc-xin khác của công ty đang bán trên thị trường đã được kiểm tra, không phát hiện vấn đề gì về chất lượng. Cục cũng kiểm tra các mẫu vắc-xin mà Trường Sinh đang giữ.

Nhiều báo nhà nước kêu gọi trừng phạt mạnh và siết chặt hơn khâu kiểm tra sản xuất vắc-xin. Nhân dân nhật báo có bài bình luận ngày 22.7, nêu các công ty dược phẩm nên giữ gìn nguyên tắc đạo đức, coi trong sự sống của đồng bào hơn là hám lợi.

Trong bài xã luận sáng 23.7, báo China Daily cảnh báo vụ bê bối này có thể trở thành một cuộc khủng hoảng y tế nhân dân, nếu không được xử lý “một cách minh bạch và hợp lý”.

Báo đề nghị “chính phủ cần sớm hành động, để nhân dân biết chính phủ quyết tâm xử lý vấn nạn này, và sẽ trừng phạt bất kỳ kẻ sai phạm nào, không khoan dung. Bè lũ dám thách thức luật pháp khi sản xuất vắc-xin giả đáng bị trừng phạt nặng nề nhất, theo đúng luật ”.

Khuya 22.7, Tân Hoa Xã có bài xã luận, đề nghị xử lý nghiêm bất kỳ sai phạm lớn-nhỏ nào trong ngành sản xuất vắc-xin phòng bệnh, và đề nghị cơ quan quản lý khắc phục các sơ hở, siết chặt khâu giám sát ngành sản xuất này.

Bản tin của ngành bảo hiểm Trung Quốc cũng vào cuộc, nói các công ty cổ phần như Trường Sinh phải có trách nhiệm với đồng bào và phải làm ăn lành mạnh: “Các vụ việc như Trường Sinh, nơi phớt lờ luật pháp và quyđịnh, khâu kiểm soát nội bộ chỉ trên danh nghĩa, đã phải hứng chịu một cái giá đau đớn”.

Phụ huynh Trung Quốc lo sợ đủ loại vắc-xin “made in China”

Bê bối của Trường Sinh sẽ tác động xấu đến lòng tin của người dân vào vắc-xin “made in China”, vì làm sống lại những nỗi lo ngại về sản phẩm dành cho trẻ con, theo bài xã luận của Hoàn cầu thời báo: “Vắc-xin liên quan trực tiếp sức khỏe trẻ em và cuộc sống của mọi người. Mỗi sản phẩm mới của lãnh vực này sẽ buộc toàn xã hội phải chú ý kỹ”.

Vụ bê bối này là vụ mới nhất trong những tai tiếng về sức khỏe và sự an toàn ở Trung Quốc, gây ra sự sợ hãi về độ an toàn của thức ăn và dược phẩm cơ bản, cũng như gây ra sự phẫn nộ với các cơ quan quản lý.

Những bậc phụ huynh đều hãi hùng lo sợ con cái họ có bị tiêm phải vắc-xin kém chất lượng hay không. Một cư dân mạng Weibo viết: “Nếu nhà nước không bảo vệ được nhân dân, thì làm sao nhân dân có thể yêu tổ quốc?”.

Một người khác viết: “Hãy xem tin, tôi chẳng dám tiêm chích gì nữa”, trong khi cư dân mạng Wechat đề cập nạn tham nhũng và những hoạt động mờ ám của ngành sản xuất vắc-xin “made in China”.

Theo Reuters, dư luận Trung Quốc hoang mang về sự an toàn của vắc-xin sản xuất trong nước, sau khi Trường Sinh cũng cho biết đã ngưng sản xuất loại vắc-xin sài uốn ván, bạch hầu, ho gà, sốt tê liệt (ADPT, tiêm cho trẻ con) kém chất lượng.

Phân cục CFDA tỉnh Cát Lâm cho biết đã xử phạt Trường Sinh 2,58 triệu Nhân dân tệ (523.120 USD) vì sản xuất và kinh doanh vắc-xin ADPT.

Tại Bắc Kinh, một quan chức Cục giấu tên, nói các phụ huynh ở thủ đô không nên lo sợ vì Bắc Kinh không có cả hai loại vắc-xin kém chất lượng của Trường Sinh.

Hai nhánh CFDA ở hai tỉnh Tứ Xuyên và Quảng Đông thông báo với dân rằng không sử dụng hai vắc-xin của Trường Sinh.

Nhưng Đài truyền hình trung ương (CCTV) cho biết hồi tháng 11.2017, Trường Sinh thú nhận 252.600 liều vắc-xin ADPT kém chất lượng, không đạt kết quả miễn dịch đúng chuẩn, đã được bán cho tỉnh Sơn Đông và công ty đã thu hồi.

Năm 2016 cũng xảy ra một vụ tai tiếng tương tự, liên quan khâu trữ, vận chuyển và bán số vắc-xin “hết đát” trị giá hàng chục triệu USD.

Các bậc phụ huynh cũng còn nhớ vụ bê bối năm 2008, liên quan sữa bột chứa chất melanine, làm 300.000 trẻ con nhiễm độc và 6 em qua đời.

Bích Ngọc (theo Reuters, Channel New Asia)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công ty Trung Quốc bán vắc-xin phòng bệnh dại dỏm