Những tin tức không thực sự tốt đang chiếm ưu thế gần như tuyệt đối trong nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại, và đang đặt chúng ta vào một tình thế mà muốn tỏ ra lạc quan có lẽ cũng không được.

Thời gian sắp hết cho kinh tế Việt Nam bứt phá?

30/03/2016, 11:54

Những tin tức không thực sự tốt đang chiếm ưu thế gần như tuyệt đối trong nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại, và đang đặt chúng ta vào một tình thế mà muốn tỏ ra lạc quan có lẽ cũng không được.

Không quá lời khi nói rằng khó khăn đang bủa vây nền kinh tế Việt Nam về mọi mặt, đó là tình hình hạn mặn đang tàn phá vựa lúa quốc gia ở miền Nam, đó là tăng trưởng GDP quý I giảm từ mức 6,12% trong năm 2015 xuống còn 5,46%, đó là việc Ngân hàng thế giới (WB) tuyên bố chấm dứt việc viện trợ các khoản vay ODA lãi suất thấp cho Việt Nam từ giữa năm 2017, đó là ngân sách quốc gia đang chịu áp lực nặng nề khi tỷ lệ trả nợ trong năm 2016 có thể lên đến 26% tổng thu ngân sách quốc gia.

Nhưng, đó mới chỉ là những khó khăn mang tính ngắn hạn, về dài hạn thì một khó khăn khác còn lớn hơn nhiều đang chờ đợi nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, đó là khi dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ thuộc hàng cao nhất thế giới. Phải chăng thời gian dành cho nền kinh tế Việt Nam bứt phá đã sắp hết?

Quả thực, theo những số liệu từ báo cáo “Sống lâu và thịnh vượng hơn: Già hóa dân số tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương” mà Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố, thì hẳn tất cả các nhà kinh tế Việt Nam không khỏi giật mình. Theo đó, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số thuộc diện nhanh nhất thế giới, cụ thể, theo WB thì số người già trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần mức hiện tại vào năm 2040. Ở thời điểm hiện tại, số người già trên 65 tuổi của Việt Nam là khoảng 6,3 triệu người, và theo tính toán của WB thì con số này sẽ là gần 19 triệu vào năm 2040, chính thức đưa Việt Nam vào tình trạng dân số già hóa.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên có báo cáo chỉ ra một nguy cơ tiềm tàng cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai là dân số đang có xu hướng già hóa. Theo báo cáo của chi cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình TP.HCM vào cuối tháng 12.2015, thì Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, cụ thể là số người trong độ tuổi lao động từ 14-65 tuổi đang giảm xuống, còn số người trên 65 tuổi đang tăng lên.

Cũng theo thống kê, dân số Việt Nam đang già đi rất nhanh với tốc độ chưa từng có trong lịch sử, và đang đạt mức thuộc diện nhanh nhất ở châu Á. Thời gian quá độ từ tình trạng già hóa dân số sang tình trạng dân số già của Việt Nam chỉ khoảng 18-20 năm, trong khi ở các quốc gia khác con số này dài hơn rất nhiều, ở Pháp là 115 năm, Thụy Điển là 85 năm, Hoa Kỳ 70 năm, Nhật Bản là 26 năm.

Như vậy, dân số Việt Nam sẽ có phân bố ra sao ở thời điểm năm 2040? Theo báo cáo của bộ phận thống kê ASEAN (ASEANstats) thì mức sinh ở Việt Nam đang có xu hướng giảm, và dân số trong độ tuổi dưới 15 đang giảm trung bình 1% cứ khoảng 5 năm. Cụ thể, dân số trong độ tuổi dưới 15 của Việt Nam vào năm 2009 là 24,4% thì đến năm 2014 chỉ còn 23,5%. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra thì đến năm 2040, dân số Việt Nam trong độ tuổi trên 65 là 19%, trong độ tuổi dưới 15 là 18,5%, như vậy dân số trong độ tuổi lao động từ 15-65 tuổi chỉ còn khoảng trên 60%. Như vậy, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn dân số già, và đồng nghĩa với những tác động lớn đối với nền kinh tế.

Trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, giai đoạn dân số già là một yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt, vì những tác động của nó với nền kinh tế là rất lớn. Thường được nhắc đến với những tên gọi như “cơn sóng thần già hóa”, “khủng hoảng già hóa”, dân số già hóa khiến cho nền kinh tế có xu hướng tăng trưởng chậm lại do dân số trong độ tuổi lao động giảm, ngoài ra còn tạo nên những áp lực rất lớn với ngân sách quốc gia thông qua các vấn đề về y tế, bảo hiểm sức khỏe, chi phí chăm sóc, cấp dưỡng.

Tác động của việc già hóa dân số có thể ảnh hưởng lên mọi nền kinh tế, từ phát triển cao cho đến nền kinh tế đang phát triển. Ở Trung Quốc, nguy cơ già hóa dân số đã buộc chính phủ nước này đang phải dần bãi bỏ chính sách sinh một con vốn đã duy trì từ một nửa thế kỷ nay, tạo điều kiện để nâng cao suất sinh trong tương lai. Điều tương tự cũng diễn ra ở Nhật Bản, một nền kinh tế có trình độ phát triển rất cao và ít bị tác động hơn bởi vấn đề già hóa dân số. Dù Nhật Bản vẫn đang là một trong ba nền kinh tế phát triển nhất thế giới, thì dân số già hóa nhanh chóng với tỷ suất sinh thấp nhất thế giới đang khiến kinh tế Nhật rơi vào trì trệ và giảm phát nghiêm trọng.

Tại một quốc gia vẫn đang sử dụng mô hình tăng trưởng dựa trên nhân công giá rẻ và lao động gia công như Việt Nam hiện tại, tác động của dân số già hóa còn lớn hơn gấp nhiều lần. Trước hết, nó sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng thâm dụng lao động đơn giản, qua đó tác động trực tiếp lên ngân sách và nguồn thu. Ngoài ra, áp lực mà tình trạng già hóa dân số lên ngân sách sẽ càng gia tăng, trước hết là thông qua hệ thống hưu trí và y tế, sau đó là vấn đề hệ thống chăm sóc sức khỏe cho số người cao tuổi sẽ ngày càng tăng. Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với một nguy cơ nghiêm trọng mà nhiều chuyên gia đã cảnh báo từ lâu, đó là tình trạng “chưa giàu mà đã già”. Một gia đình không giàu phải phụng dưỡng càng nhiều người cao tuổi thì sẽ dần bước xuống ngưỡng nghèo. Một quốc gia cũng vậy.

Như vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với ít nhất là hai nguy cơ về tương lai lâu dài, đó là bẫy thu nhập trung bình và tình trạng già hóa dân số nhanh. Trên thực tế cả hai nguy cơ này có liên quan đến nhau, và nếu như Việt Nam giải quyết được vấn đề bẫy thu nhập trung bình thì cũng sẽ giải quyết được nỗi lo về già hóa dân số. Một khi thoát được bẫy thu nhập trung bình để nâng mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lên, thì áp lực lên tài chính và ngân sách quốc gia từ tình trạng già hóa dân số cũng sẽ giảm. Đó là lý do vì sao bài toán lớn nhất của Việt Nam về lâu dài là làm sao để giàu trước khi già.

Tuy nhiên, cơ hội để Việt Nam giải được bài toán này trong tương lai là không thực sự quá khả thi. Theo báo cáo Việt Nam 2035 vừa công bố cách đây hơn 1 tháng, mục tiêu mà Việt Nam đặt ra đến năm 2035 là đạt được mức thu nhập trung bình 7.000 USD/người. Năm 2035 về cơ bản cũng là thời điểm sát với mốc 2040 mà WB đã cảnh báo rằng dân số Việt Nam sẽ chính thức bước vào tình trạng già hóa. Dù mức thu nhập 7.000 USD/người vào năm 2035 đã cao gấp 3,5 lần mức thu nhập 2.100 USD/người ở thời điểm hiện tại, thì mức 7.000 USD/người vẫn mới chỉ là mức thu nhập được xem là trung bình, và lại gần như trùng khớp với giai đoạn dân số già hóa.

Đó là chưa kể, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ phải bước vào giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách quyết liệt, trong đó mục tiêu là chuyển nền kinh tế tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động và nhân công theo chiều rộng như hiện nay sang nền kinh tế phát triển dựa trên khoa học kỹ thuật hiện đại và tăng năng suất theo chiều sâu.

Rõ ràng, đây không phải là mục tiêu dễ thực hiện, và nhất là khi thời hạn chỉ là 20-25 năm. Không quá lời khi cho rằng, đây là cơ hội cuối cùng để nền kinh tế Việt Nam có thể bắt kịp được với các nước trong khu vực và trên thế giới, còn nếu như để lỡ mất cơ hội này và khi dân số đã rơi vào tình trạng già hóa thì không có phép màu nào có thể cứu Việt Nam khỏi sự tụt hậu hoàn toàn được nữa.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Cafebiz, Congan, Vnmedia, The Saigon Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thời gian sắp hết cho kinh tế Việt Nam bứt phá?