Nói như cô Mohammad Abdu Ali Aldoh thì đó là vì Việt Nam còn có hàng triệu người tốt bụng, hiếu khách làm cô không thể quên: "Tôi vẫn yêu người dân Sài Gòn!".

Du khách bị cướp giật: Ứng xử ra sao để khách còn quay lại?

28/03/2016, 18:00

Nói như cô Mohammad Abdu Ali Aldoh thì đó là vì Việt Nam còn có hàng triệu người tốt bụng, hiếu khách làm cô không thể quên: "Tôi vẫn yêu người dân Sài Gòn!".

Trên đất nước ta, có lẽ còn lâu mới triệt hết cảnh người đi đường bị cướp giật (chỉ là ít hay nhiều tùy mỗi nơi). Trước một sự việc như nữ sinh viên vừa ra trường, cô Mohammad Abdu Ali Aldoh, người Ai Cập sang Việt Nam du lịch với dự định lưu lại gần cả tháng trời ( từ 9.3 đến 7.4.2016) nhưng mới sang được 2 hôm, cô đã là nạn nhân của vụ cướp giật túi xách ở phường Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.Hồ Chí Minh) khiến cô bàng hoàng, chúng ta nên làm gì để những người như cô còn đủ can đảm quay trở lại nước ta lần nữa?

Tôi cảm nhận, với bất cứ ai là nạn nhân cướp giật như trường hợp cô gái Ai Cập 22 tuổi nói trên cũng như cặp vợ chồng trẻ người Ba Lan bị giật chiếc điện thoại iPhone 6S ngay hôm sau nữa cũng ở thành phố này thì ý định quay trở lại du lịch nơi đó một lần nữa là rất khó. Sự ám ảnh của họ về cú đụng độ với cướp giật như trên (có khi không nhất thiết phải là nạn nhân mà chỉ cần chứng kiến không thôi) cũng sẽ khiến cho họ không muốn quay lại nơi đây lần nữa. Điều này theo tôi cũng không có gì lạ.

Ngay khi nhận được thông tin về việc cô gái Ai Cập bị cướp giật, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chỉ đạo lãnh đạo địa bàn cần gặp nạn nhân để sẻ chia và có lời xin lỗi, động viên. Trưởng Công an phường Phạm Ngũ Lão đã tìm gặp, ngỏ lời xin lỗi cô gái. Vậy mà chỉ một chốc lát, trên mạng xã hội đã loan tải đến mọi người trong niềm sẻ chia và động viên của những người qua đường và dân mạng khiến cô gái Ai Cập có phần ngỡ ngàng, xúc động. Không dừng lại ở đó, đích thân Giám đốc Sở Du lịch cũng đã gặp, xin lỗi trước khi có cuộc họp báo chính thức xin lỗi cô gái Ai Cập xinh đẹp. Một chút quà nhỏ của lãnh đạo Sở, một lời mời từ Công ty Du lịch Bến Thành của TP.Hồ Chí Minh để cô lựa chọn một chuyến du lịch mà họ sẽ đài thọ... Tất cả góp phần thể hiện lối ứng xử của một dân tộc vốn mến khách.

Tôi hiểu, không phải rồi đây bất cứ du khách nào gặp sự cố kiểu như trên đều cũng sẽ được địa phương tặng quà và tài trợ một chuyến du ngoạn như vậy. Song, nếu như chúng ta biết quan tâm chuyện này bằng cách này hay cách khác và chuyển hóa điều xấu thành điếu tốt đẹp hơn thì nó sẽ chỉ có lợi cho ngành du lịch Việt Nam khi mà du khách sang nước ta có rất nhiều người nước ngoài "một đi không trở lại ".

Đại tá Nguyễn Sĩ Quang, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.Hồ Chí Minh mới hôm qua (21.3) đã trả lời phỏng vấn báo Vietnamnet rằng: "TP.Hồ Chí Minh là một trong những đô thị lớn nhất và là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội lớn nhất của cả nước. Điều đó cũng có nghĩa, về tình hình tội phạm, TP.Hồ Chí Minh là một trong những địa bàn có tỷ lệ tội phạm cao nhất nước. Tuy năm 2015, Công an thành phố cùng hệ thống chính trị đã kéo giảm tội phạm hơn 5% nhưng đánh giá chung của chúng tôi cho thấy việc kéo giảm này vẫn chưa căn cơ, chưa đi vào chiều sâu, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đặt ra”.

Và đây cần xem như một vấn đề sẽ gây bất lợi cho ngành du lịch TP.Hồ Chí Minh trong thời gian tới nếu không kịp chấn chỉnh.

Theo một báo cáo gần đây của ngành du lịch thì trong 6 tháng cuối năm 2015, khách quốc tế đến Việt Nam liên tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2014, đưa tổng số khách quốc tế trong cả năm 2015 đạt trên 7.943.000 lượt, tăng nhẹ 0,9% so với năm 2014. Đây là kết quả đầy khích lệ trong bối cảnh sụt giảm khách trong nửa đầu năm 2015 đến mức đáng lo nếu như chúng ta được biết rằng: Giai đoạn từ giữa năm 2014 đến giữa năm 2015, du lịch Việt Nam đã phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, gây ra tác động bất lợi kéo dài. Khách quốc tế đến Việt Nam liên tục sụt giảm do tác động từ bối cảnh bất ổn và khó khăn kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Khách quốc tế từ hầu hết các thị trường nguồn quan trọng đều giảm, nhất là Trung Quốc vốn là thị trường khách lớn nhất của Việt Nam, và Nga là thị trường mới nổi đạt tăng trưởng mạnh trong những năm qua.

Mừng là vậy nhưng không thể xem đây là "thành tựu của ngành" bởi theo tôi được biết, thời gian gần đây du lịch của các nước Campuchia và Lào, những nước gần ta nhất, dân số rất ít, nhưng ngành du lịch của họ đã phát triển vượt bậc. Và đây là điều rất đáng để những người làm du lịch Việt Nam suy nghĩ.

Những vụ việc đáng buồn cụ thể như những vụ cướp giật vừa qua có góp phần làm xấu đi hình ảnh đất nước ta trong mắt du khách quốc tế. Nhưng nếu đội ngũ truyền thông trong ngành du lịch biết phối hợp với các cơ quan khác có liên quan, chúng ta có thể hạn chế được thiệt hại và tranh thủ "đẩy" nó lên, không "bỏ lỡ" dịp làm PR cho ngành dù chuyện cũng không vui gì... Ở một góc độ nào đó, chúng ta đã biết giảm bớt điều xấu làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước bằng một hình ảnh khác nhân văn, thân thiện, thẫm đẫm tình người. Nói như cô Mohammad Abdu Ali Aldoh thì đó là vì Việt Nam còn có hàng triệu người tốt bụng, hiếu khách làm cô không thể quên. "Tôi vẫn yêu người dân Sài Gòn!"- cô đã nói vậy tại buổi họp báo.

Tôi tin rằng cô gái Ai Cập xinh đẹp kia rồi đây vẫn còn muốn quay trở lại Việt Nam lần nữa cũng xuất phát từ những lối ứng xử vừa rồi của chúng ta. Tôi tin là như thế nếu ai đó đã nhìn thấy nụ cười của cô tại buổi họp báo hôm 16.3, dù tôi được biết sau hàng chục lần du lịch nước ngoài, đây là lần đầu cô bàng hoàng khi gặp nạn.
Quốc Phong
Bài liên quan
5 du khách thiệt mạng nghi do ngộ độc methanol tại Lào
Đài CNN đưa tin một phụ nữ Anh vừa trở thành du khách nước ngoài thứ 5 tử vong nghi do ngộ độc methanol tại Lào. Nhiều nước đã ra cảnh báo về nguy cơ uống phải rượu pha methanol khi đến quốc gia Đông Nam Á này du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du khách bị cướp giật: Ứng xử ra sao để khách còn quay lại?