Đối với thị trường dầu lửa thế giới, thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) vừa đạt được tại Vienna có thể xem là một sự kiện lịch sử, khi lần đầu tiên kể từ thời điểm 2008 OPEC và các nước xuất khẩu ngoài OPEC mới lại bắt tay để vực dậy giá dầu trong một thỏa thuận chung.

Thỏa thuận cắt giảm của OPEC có thể đưa giá dầu lên mức bao nhiêu?

Nhàn Đàm | 10/12/2016, 15:26

Đối với thị trường dầu lửa thế giới, thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) vừa đạt được tại Vienna có thể xem là một sự kiện lịch sử, khi lần đầu tiên kể từ thời điểm 2008 OPEC và các nước xuất khẩu ngoài OPEC mới lại bắt tay để vực dậy giá dầu trong một thỏa thuận chung.

Và quả thực, giá dầu đã ngay lập tức đạt đỉnh 55 USD/thùng lần đầu tiên trong vòng 16 tháng qua. Nhưng, liệu thỏa thuận cắt giảm toàn cầu của OPEC sẽ có thể đưa giá dầu về mức cao nhất là bao nhiêu thì vẫn đang là một dấu hỏi. Ở thời điểm hiện tại, chưa có gì là chắc chắn, khi bản thân mức cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận (1,2 triệu thùng/ngày với các nước OPEC và 600.000 thùng/ngày với các nước ngoài OPEC) cũng chưa chắc đã được các nước thực hiện một cách nghiêm túc.

Những dấu hiệu cho thấy sự thiếu ổn định của thỏa thuận cắt giảm sản lượng toàn cầu mà OPEC vừa đạt được bắt đầu xuất hiện chỉ khoảng 10 ngày sau. Giá dầu thô Brent sau khi đạt đỉnh ở mức trên 55 USD/thùng do hiệu ứng từ thỏa thuận của OPEC đã không tiếp tục tăng như nhiều người đã kỳ vọng, trái lại nó đã giảm xuống chỉ còn 53,92 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 9.12.

Có nhiều nguyên nhân cho sự sụt giảm nhanh chóng này. Trước hết, số nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC đồng ý tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần này ít hơn mức dự kiến: trong số 14 nước xuất khẩu ngoài OPEC được mời đến Vienna lần này, chỉ có 5 nước là Nga, Mexico, Kazakhstan, Azerbaijan, Oman cam kết sẽ tham gia thỏa thuận, và trong đó chỉ có Nga cam kết mức cắt giảm cụ thể là 300.000 thùng/ngày mà thôi.

Bản thân các nhà lãnh đạo OPEC cũng thừa nhận rằng, vấn đề quan trọng nhất sẽ quyết định giá dầu thế giới trong thời gian sắp tới là việc liệu thỏa thuận cắt giảm của OPEC có thể giảm kho dầu dự trữ của thế giới hay không. Theo thống kê, hiện tổng quy mô dự trữ dầu toàn cầu đã đạt mức kỷ lục là khoảng 300 triệu thùng.

Theo bộ trưởng dầu khí Venezuela, Eulogio del Pino, nếu thỏa thuận cắt giảm của OPEC có thể khiến kho dự trữ toàn cầu giảm và trở lại mức bình thường thì giá dầu có thể quay trở lại mức 60-70 USD/thùng, còn nếu không nó sẽ chỉ dao động dưới mức 60 USD/thùng mà thôi. Bộ trưởng dầu khí Nigeria, Emmanuel Kachikwu, thì lạc quan hơn khi cho rằng thị trường dầu thế giới sẽ tái cân bằng trở lại vào thời điểm giữa năm 2017, và giá dầu sẽ có thể vượt mức 60 USD/thùng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của hãng tin Bloomberg, sẽ ít có khả năng kho dự trữ dầu toàn cầu giảm đi do tác động từ thỏa thuận của OPEC kể cả đến cuối năm 2017. Nhà phân tích Tamas Varga tại công ty môi giới PVM Oil Associates Ltd có trụ sở tại London, cho biết: “Ngay cả khi OPEC và các nước xuất khẩu ngoài OPEC có thực hiện 100% cam kết cắt giảm sản lượng của mình, thì cũng khó có khả năng kho dự trữ dầu toàn cầu sẽ giảm trong nửa đầu năm 2017”.

Mức sản lượng cắt giảm dự kiến 1,8 triệu thùng/ngày trong thỏa thuận lần này vừa đủ để vượt mức dư thừa trên thị trường hiện nay là khoảng 1,5-1,6 triệu thùng/ngày, và về lý thuyết sẽ khiến dự trữ dầu toàn cầu dần sụt giảm. Nhưng đó là với điều kiện các nước xuất khẩu khá lớn khác (và không tham gia thỏa thuận) như Brazil hay Na Uy không tăng sản lượng của mình – một điều tương đối khó xảy ra.

Ngay cả việc các nước tham gia thỏa thuận Vienna lần này có nghiêm túc thực hiện mức cắt giảm đã cam kết hay không cũng là điều chưa rõ ràng. Các hồ sơ theo dõi OPEC trong những năm qua đang cho thấy, các nước thành viên của tổ chức này nhiều khả năng sẽ chỉ cắt giảm khoảng 80% mức sản lượng đã cam kết (1,2 triệu thùng/ngày) mà thôi.

Điều này được chính các quan chức cấp cao của OPEC thừa nhận. Cựu bộ trưởng dầu khí Ả Rập Saudi, Ali Al-Naimi, tuyên bố vào tuần trước rằng các nước thành viên của OPEC thường có xu hướng gian lận trong việc thực hiện các thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Điều tương tự cũng xảy ra với Nga, nước đã cam kết mức cắt giảm 300.000 thùng/ngày trong khoảng thời gian nửa đầu năm 2017.

Trước đây, Nga cũng đã từng không thực hiện đúng cam kết giảm sản lượng với OPEC, và thỏa thuận chung tại Vienna lần này cũng không quy định mức phạt với những nước gian lận trong cắt giảm. Bộ trưởng năng lượng UAE, Suhail Al Mazrouei, tuyên bố thẳng thắn như một sự răn đe với Nga: “Nếu thỏa thuận cắt giảm không được tôn trọng và giá dầu quay trở lại mức dưới 50 USD/thùng, thì chúng ta sẽ gặp lại các nước xuất khẩu ngoài OPEC và chúng tôi sẽ có những biện pháp xử lý thích hợp”.

Ngay cả đối thủ của thỏa thuận Vienna lần này là Mỹ cũng bày tỏ sự thiếu tin tưởng việc OPEC và các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC thực hiện đúng những gì đã cam kết. Trong bản báo cáo hàng tháng của mình, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho rằng có thể sẽ phải sang năm 2018 thì lượng dầu tồn kho toàn cầu mới có thể sụt giảm và giá dầu quay trở lại mức từ 60-70 USD/thùng.

Nói cách khác, có lẽ mức cao nhất mà giá dầu thế giới có thể đạt được trong năm 2017 tới sẽ chỉ là dưới 60 USD/thùng mà thôi. Và điều này đồng nghĩa với việc, các quốc gia đang hoạch định chính sách và tài chính của mình dựa trên giá dầu thế giới không nên kỳ vọng quá nhiều vào năm 2017.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thỏa thuận cắt giảm của OPEC có thể đưa giá dầu lên mức bao nhiêu?