Dịp lễ Giáng sinh là thời điểm đặc biệt bận rộn của thị trấn “Santa Claus” (Ông già Noel) thuộc bang Indiana của Mỹ. Tại đây, một nhóm tình nguyện viên phải làm việc cả ngày để trả lời hơn 20.000 lá thư từ khắp thế giới gửi về đây mỗi năm.

Thị trấn ‘Ông già Noel’ nhận và trả lời hơn 20.000 thư mỗi năm

Cẩm Bình | 10/12/2017, 18:30

Dịp lễ Giáng sinh là thời điểm đặc biệt bận rộn của thị trấn “Santa Claus” (Ông già Noel) thuộc bang Indiana của Mỹ. Tại đây, một nhóm tình nguyện viên phải làm việc cả ngày để trả lời hơn 20.000 lá thư từ khắp thế giới gửi về đây mỗi năm.

Nhóm tình nguyện viên gồm 300 người, tự nhận mình là “các yêu tinh” giúp việc cho ông già Noel. Mỗi thành viên sẽ viết khoảng 2.000 thư hồi đáp mỗi ngày.

Bà Pat Koch, 86 tuổi, trưởng nhóm “yêu tinh”, đã bắt đầu việc viết thư hồi đáp từ năm 11 tuổi. Bà chia sẻ: “Khiến trẻ em hạnh phúc thật là một điều tuyệt vời. Chúng tôi ngồi đó cười và khóc”.

“Chúng tôi nhận được thư viết rằng “chúng con đã học dùng bô” hoặc đã dừng mút ngón tay cái. Một số bức thư khác khá buồn, như: “Con đang sống với bà và con muốn ở với cha”, bà Koch nói về nội dung thư.

Ngoài thư của trẻ em viết, nhóm tình nguyện còn nhận được thư của những người lớn tuổi cô đơn và muốn nhận được thư của ông già Noel, hoặc của tù nhân mong ông già Noel gửi thư cho con cái họ. Thư được gửi từ khắp nơi, thậm chí ở những nước rất xa như Nhật Bản, Trung Quốc và Malaysia.

Mỗi lá thư đều được đọc và được trả lời, bà Koch đảm bảo.

Đội ngũ tình nguyện viên tham gia trả lời thư - Ảnh: Daily Mail

Nguồn gốc cái tên “Santa Claus”

Tên gốc của thị trấn không phải là “Santa Claus” mà là “Santa Fe”. Trong những năm 1850, người dân nộp đơn xin lập bưu điện, nhưng tại bang Indiana đã có một thị trấn Santa Fe rồi, chính quyền không cho phép hai bưu điện có tên giống nhau.

Vì vậy, thị trấn này đã buộc phải đổi tên để có bưu điện riêng. Cô Melissa Brockman, giám đốc Phòng Du lịch Hạt Spencer, kể về nguồn gốc cái tên hiện tại: “Người trong thị trấn đã bàn bạc và thậm chí tranh cãi để chọn tên mới cho nơi này. Lúc đó đang là dịp Giáng sinh. Trẻ em chạy chơi trong phòng, và có gió thổi tung cánh cửa. Đám nhỏ nghe thấy tiếng chuông của xe trượt tuyết, một bé gái la lên: “Santa Claus” (Ông già Noel) và những người lớn đang bàn bạc đã lấy luôn tên gọi đó”.

Sau đó, bưu điện mang tên “Ông già Noel” đã được chấp thuận và thành lập vào năm 1856, cô Brockman cho biết.

Bắt đầu công việc trả lời thư từ năm 1914

Qua nhiều năm, những lá thư ghi địa chỉ gửi là “Ông già Noel” đều gửi đến thị trấn này. Số thư gửi cho nhân vật ông già Noel ban đầu rất ít, nhưng kể từ năm 1930, khi thị trấn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thì số thư gửi đến đây tăng vọt.

Ông Jim Yellig, một cựu binh sĩ tham gia trong Thế chiến thứ nhất, cha của bà Pat Koch, đã giúp đỡ quản lý bưu điện từ năm 1930. Sau đó với sự tham gia giúp đỡ của một số cựu binh và người tình nguyện khác, công tác trả lời thư viết cho ông già Noel đã được thực hiện một cách nghiêm túc cho đến nay.

Năm 1976, bà Koch đã giúp thành lập tổ chức phi lợi nhuận Santa’s Elves, chuyên chịu chi phí gửi thư hồi đáp cho các trẻ em. Theo bà Koch, không ai phải trả tiền để được nhận thư từ ông già Noel.

Bà Koch cho biết: “Chúng tôi cố đảm bảo thư trả lời phù hợp với từng đứa trẻ. Và tất nhiên nếu có 3 đứa trẻ cùng một gia đình viết thư, mỗi đứa sẽ nhận được một thư hồi đáp khác biệt”.

Mỗi lá thư đều được đọc và trả lời - Ảnh: Santaclausind

Nhiều phụ huynh đã gửi thư cám ơn đến nhóm “yêu tinh”. Họ kể rằng những lá thư hồi đáp đã khiến chúng lại tin rằng ông già Noel tồntại, và chúng vui vẻ cả ngày khi nhận được thư. Bà Koch khẳng định phần thưởng cho nhóm của bà chính là biết rằng nhiều trẻ em đang được vui.

Năm nay, bà Koch và các tình nguyện viên bắt đầu gửi đi những lá thư hồi đáp từ ngày 27.11, sau khi đã nhận và đọc hàng chục ngàn thư. Họ sẽ trả lời từng lá thư một mà họ nhận được trước ngày 21.12. Nhóm “yêu tinh” phải làm việc từ sáng đến tối, thậm chí là đến khuya muộn.

Cẩm Bình (theo The Guardian)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trấn ‘Ông già Noel’ nhận và trả lời hơn 20.000 thư mỗi năm