Tiếp sau Agribank, SHB và SCB, mỗi ngân hàng muốn bán trên 1.000 tỉ đồng, trong khi PGBank chỉ bán 200 tỉ đồng nợ xấu.
Ngày 3.10.2013, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết trên tờ VnEconomy rằng đơn vị này đang triển khai rốt ráo với các ngân hàng SHB, SCB, PGBank để mua nợ.
Mặc dù có một chút lãi kể từ sau khi sáp nhập với Habubank (khoảng 400 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế) nhưng mối quan tâm lớn nhất của thị trường với SHB lại là việc xử lý nợ xấu. Số liệu cập nhật gần nhất đến 31.12.2013 cho thấy tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 8,8% và đến 30.6.2013 tăng nhẹ 0,24% so với đầu năm.
Đại diện SHB cho biết hầu hết khoản nợ sẽ bán cho VAMC đều của Habubank chuyển về, sau khi sáp nhập vào. Giá trị của chúng dự kiến hơn 1.000 tỉ đồng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất như giấy và một số ít bất động sản. Không có khoản nợ thuộc Vinashin vì khoản nợ này đã được Chính phủ xử lý thông qua một số cơ chế tài chính. Hiện SHB và VAMC đang rà soát từng khoản mục để đưa ra con số chính thức trong tuần này.
Trong khi đó đại diện PGBank cho biết trên VnEconomy rằng do hội đồng quản trị chưa phê duyệt nên chưa chốt được con số chính thức, phải thứ hai tuần tới (7.10.2013) mới có và cũng không muốn… truyền thông rộng rãi.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch thường trực hội đồng thành viên VAMC xác nhận con số nợ mà SHB đưa ra và cho biết thêm, mặc dù hồ sơ SHB đưa lên khá nhiều nhưng VAMC chỉ tập trung mua nợ những doanh nghiệp đang hoạt động để có thể tái cơ cấu, chưa thể tính đến những doanh nghiệp đã phá sản.
Còn PGBank đã trình lên VAMC một số hồ sơ với tổng giá trị vài trăm tỉ đồng và đã được chốt sơ bộ, đang rà soát lần cuối. SCB cũng gửi hồ sơ lên VAMC với tổng giá trị hơn 1.000 tỉ đồng nhưng vẫn chưa được chốt vì còn phải thẩm định kỹ.
“Các hồ sơ được gửi lên VAMC tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực sản xuất và bất động sản, không có chứng khoán. Chúng tôi không mua chứng khoán vì thị trường đang giảm giá quá mức, hơn nữa hiện phải ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất để góp phần phục hồi kinh tế”.
Về giá mua nợ xấu, ông Lê Đức Thọ, Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước giải thích: “Giá mua nợ xấu bằng với trị sổ sách khoản nợ trừ đi số dư trích lập dự phòng rủi ro chưa sử dụng”.
Ví dụ, để xác định giá mua nợ xấu của Agribank vừa qua với 27 khoản của 11 khách hàng, VAMC xác định: giá trị ghi sổ 2.450 ti đồng trừ đi giá trị trích lập dự phòng rủi ro chưa sử dụng gần 800 tỉ đồng ra giá mua 1.723 tỉ đồng.
Theo đó, sau khi ký hợp đồng khung, VAMC sẽ ký hợp đồng chi tiết với từng khoản nợ và đăng ký lưu ký trái phiếu ghi sổ mà đơn vị bán nợ được thụ hưởng tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, thời gian thanh toán tối đa là T+2.
Trái phiếu này chỉ có giá trị trong giao dịch tái cấp vốn với Ngân hàng Nhà nước chứ không phải lưu hành trên thị trường như đối với các loại trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh, trái phiếu doanh nghiệp…
Nguồn: VnEconomy