Kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đường xuống đáy. Đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu vừa diễn ra hồi tuần trước tại Huế.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đưa ra nhận định, kể từ 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đi qua, để lại hậu quả nặng nề, dư chấn vẫn còn, thậm chí rất mạnh, song nhìn chung kinh tế thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi. Nhưng Việt Nam không nằm trong quỹ đạo đó, nền kinh tế vẫn đang trong lộ trình xuống đáy và có thể chạm đáy tăng trưởng nhưng chưa chạm “đáy rủi ro, đáy lòng tin”…
“Những lần trước thì có điểm tôi còn chưa đồng ý chứ lần này thì cơ bản là nhất trí”. Chủ tịch Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) Trần Xuân Hòa chia sẻ khi với những ý kiến của ông Trần Đình Thiên
Chủ tịch TKV không chỉ cảm nhận bức tranh kinh tế dưới góc nhìn của một đại diện doanh nghiệp nhà nước – khu vực từng được đúc kết là “lời ăn lỗ dân chịu”, ông Hòa còn là đại biểu Quốc hội đương nhiệm và là thành viên của Ủy ban Kinh tế.
Có mặt tại diễn đàn, bên cạnh nhiều vị đại biểu Quốc hội còn có một số vị quan chức cấp thứ trưởng, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính độc lập. Đa số các ý kiến phát biểu đều chung nhận định về mức độ khó khăn trầm trọng của nền kinh tế mà nguyên nhân cơ bản vẫn là từ bên trong.
Với rất nhiều con số được phân tích và so sánh khá kỹ càng, chuyên gia ngành thống kê, ông Bùi Trinh quả quyết nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng yếu đi, cũng không phải toàn bộ là do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Vấn đề ở chỗ, trong thời gian qua hầu như các chuyên gia và các nhà tư vấn, hoạch định chính sách chỉ “tập trung vào phía tổng cầu nhằm ngăn cản sự gia tăng mạnh của giá cả mà bỏ qua nhiều khía cạnh, vấn đề quan trọng khác”.
Trở về quan điểm phải trọng nguồn cung được tranh luận nửa năm trước tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Bùi Trinh tỏ ra hết sức ngạc nhiên trước ý kiến của một số vị trong Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia muốn tăng đầu tư công 200 – 300 nghìn tỷ (khoảng trên 10 tỷ USD) để kích cầu, theo ông này “làm vậy không khác gì tự sát”.
“Nếu Chính phủ Việt Nam không khẩn trương quay sang tinh thần trọng nguồn cung thì nền kinh tế này là vô phương cứu chữa. Kích cầu trong lúc này không khác gì cho bệnh nhân ung thư uống thuốc bổ, tưởng người bệnh khoẻ ra nhưng thực chất là nuôi khối u nhanh phình hơn, vỡ ra và chết”, ông Trinh viết tại bản tham luận tại diễn đàn vừa diễn ra.
Cần tập trung vào các chính sách trọng cung cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia khác.
GS.TS Trần Thọ Đạt (Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân – Hà Nội) cho rằng Việt Nam đã quá chú trọng vào các giải pháp tình thế mà lãng quên giải pháp chiến lược.
Nhờ kiên trì thực hiện các chính sách bình ổn tổng cầu trong hơn 2 năm qua Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc hạ nhiệt lạm phát, thu hẹp thâm hụt thương mại và ổn định tỷ giá, song ông Đạt cho rằng chính sách này chỉ xoa dịu tạm thời triệu chứng chứ không trị được tận gốc căn bệnh của nền kinh tế.
Việc sử dụng quản lý tổng cầu liên tục như là một chính sách dài hạn là nguyên nhân chính khiến cho nền kinh tế bất ổn liên tục trong những năm vừa qua, giáo sư Trần Thọ Đạt khẳng định.
Để hạn chế bất ổn của nền kinh tế, theo nhiều chuyên gia cần đổi mới mô hình tăng trưởng, bắt đầu từ đổi mới tư duy về quản lý kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau ba năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân dễn đến yếu kém của nền kinh tế chính là “mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đủ cụ thể để thiết kế các chính sách và lộ trình một cách nhất quán, có hệ thống, có lộ trình và thống nhất trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế”.
Một số vấn đề có liên quan đến chủ trương, quan điểm phát triển còn khác nhau, chưa thông suốt, đồng thuận cao dẫn đến đổi mới thể chế còn ngập ngừng, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường (quan niệm về kinh tế thị trường, sở hữu đất đai, vai trò của doanh nghiệp nhà nước…) chưa tạo được đột phá để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm của Bộ nêu rõ.
Tuy nhiên, theo sát dòng thời sự cùng thời điểm báo cáo này được phát hành thì những vấn đề cốt lõi trên vẫn đang tiếp tục nóng trong các tranh luận chứa đầy âu lo.
Có hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và sở hữu toàn dân về đất đai hay không dường như đã được chốt lại sau nhiều lần giải thích của cơ quan có trách nhiệm, song tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra cuối tháng 9 vừa qua một số ý kiến vẫn cho rằng “không thể tránh né”.
Vậy nên, sẽ là không cũ khi nhắc lại quan điểm không mới đã được chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại, rằng nếu không đổi mới thì rất có thể bên ngoài sẽ coi Việt Nam là nước “không muốn phát triển”.
THUẬN AN